Viêm lợi nếu không được điều trị triệt để và kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, thậm chí gây mất răng. Trong nhiều trường hợp, thuốc bôi viêm lợi có ưu điểm hơn so với thuốc uống trong điều trị viêm lợi. Hãy cùng tìm hiểu về cách dùng thuốc bôi viêm lợi hiệu quả trong bài viết dưới đây.
1. Thế nào là viêm lợi?
Viêm lợi là 1 vấn đề răng miệng có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tùy vào số lượng vi khuẩn và mảng bám tồn tại càng lâu thì tình trạng viêm lợi càng nặng. Viêm lợi mặc dù không gây nguy hiểm nhưng bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Lợi người bình thường khỏe mạnh thường có màu hồng nhạt, không sưng, không chảy máu khi đánh răng, ăn uống hoặc chạm nhẹ bằng tay. Khi bị viêm lợi, lợi thường có những dấu hiệu sau:
- Lợi có màu đỏ nhạt, đỏ thẫm, màu càng đậm thì tình trạng viêm càng nghiêm trọng.
- Lợi sưng to, phì đại.
- Mảng bám, cao răng xuất hiện nhiều ở các vị trí lợi bị viêm.
- Lợi tụt khỏi chân răng và khiến tổ chức chân răng lỏng lẻo.
- Hơi thở có mùi hôi.
- Lợi dễ chảy máu khi ăn uống, đánh răng hay khi chạm nhẹ.
2. Điều trị viêm lợi
Khi mới hình thành, viêm lợi chưa có gì là nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị triệt để, viêm lợi sẽ gây ra những biến chứng không thể tự hồi phục như mất răng, tụt lợi, tiêu xương ổ răng, ...
Vì vậy, khi nhận thấy những dấu hiệu viêm lợi, người bệnh cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được vệ sinh răng miệng, loại bỏ ổ viêm cũng như hướng dẫn sử dụng thuốc uống, thuốc bôi viêm lợi để bệnh nhanh lành.
2.1. Vệ sinh tại chỗ
Trước một người bệnh viêm lợi, các bác sĩ sẽ thực hiện các thủ thuật vệ sinh làm sạch và làm khô các tổn thưởng, lấy bỏ giả mạc, cặn bẩn bám trên bề mặt tổn thương, ...
2.2. Súc miệng họng
Người bệnh sẽ được chỉ định súc miệng họng bằng các dung dịch chuyên dụng như nước ấm pha với oxy già, dung dịch chlorhexidine mỗi ngày 2 lần. Sau 1 – 2 ngày, nếu tình trạng viêm lợi cải thiện, có thể ngưng sử dụng oxy già, lúc này chỉ cần súc miệng bằng dung dịch súc miệng chlorhexidine.
2.3. Thuốc bôi viêm lợi
2.3.1. Thuốc bôi viêm lợi nhóm sát khuẩn
Ngoài dạng dung dịch súc miệng thì Chlohexidine còn được bào chế dưới dạng gel bôi tại chỗ để điều trị viêm lợi.
Gel Chlohexidine cho tác dụng mạnh, giảm cảm giác khó chịu và giúp chỗ viêm nhanh lành. Để thuốc phát huy tốt hiệu quả, người bệnh cần vệ sinh răng miệng trước khi bôi gel Chlohexidine và không súc miệng lại sau ít nhất 2 – 3 giờ.
Thuốc bôi viêm lợi chỉ diệt được vi khuẩn trên bề mặt lợi. Vì vậy để điều trị triệt để viêm lợi cần phối hợp thêm thuốc kháng sinh, kháng viêm và làm sạch chuyên sâu.
2.3.2. Thuốc bôi viêm lợi nhóm kháng sinh
Các thành phần trong thuốc bôi viêm lợi nhóm kháng sinh thường được giải phóng chậm vào các mạch máu dưới nướu để kiểm soát sự tăng sinh của vi khuẩn. Thuốc cũng có thể được cấy vào túi nha chu với mục đích giảm viêm, thu hẹp túi.
Ưu điểm của thuốc bôi viêm lợi nhóm kháng sinh so với dạng uống là sự tác động trực tiếp vào vùng tổn thương, tránh những tác dụng không cần thiết lên toàn bộ cơ thể và giảm nguy cơ kháng kháng sinh.
Thuốc bôi viêm lợi có thể chứa đồng thời thành phần kháng sinh và sát khuẩn, ví dụ như metronidazole và chlorhexidine. Sự kết hợp này nâng cao hiệu quả trong điều trị viêm nướu, viêm nha chu, viêm tủy răng, nhiễm trùng chân răng.
Lưu ý: Để thuốc bôi viêm lợi phát huy tác dụng, cần hạn chế ăn uống ít nhất 2 – 3 giờ sau khi bôi thuốc. Thay vào đó, người bệnh có thể uống nước bằng ống hút.
2.3.3. Thuốc bôi viêm lợi nhóm giảm đau
Nếu sau khi thực hiện các thủ thuật tại phòng khám mà người bệnh vẫn còn đau nhức, bác sĩ có thể kê đơn thuốc bôi đau răng cho người bệnh để giúp người bệnh thực hiện vệ sinh răng miệng hằng ngày.
Thuốc bôi đau răng thường chứa các thành phần là paracetamol, lidocaine, xylocaine, ...
Thuốc bôi viêm lợi thường được kết hợp giữa nhiều hoạt chất, ví dụ lidocaine, metronidazole, chlohexidine. Cơ chế giảm đau của lidocaine là giảm tình thấm Na ở màng noron, nhờ đó cảm giác đau không truyền về não, gây ra hiệu ứng gây tê. Thuốc kháng viêm NSAID với xylocaine lại tác dụng giảm đau nhanh chóng trong viêm lợi cấp.
Ngoài ra, thuốc bôi viêm lợi còn có thể chứa chiết xuất thảo dược và được dùng trong các trường hợp nhiễm trùng răng miệng khác.
2.3.4. Thuốc bôi viêm lợi nhóm kháng viêm
Thuốc bôi viêm lợi nhóm kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) khá an toàn trong ức chế phản ứng viêm và giúp giảm đau nhanh chóng.
Thành phần thuốc bôi viêm lợi nhóm kháng viêm thường là aspirin, diclofenac, ibuprofen, naproxen, indometacin, ...
3. Cách dùng thuốc bôi viêm lợi hiệu quả
Viêm lợi không nhất thiết phải dùng thuốc uống, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc bôi viêm lợi để chữa trị. Tuy nhiên, để sử dụng thuốc hiệu quả, người bệnh cần thực hiện những điều sau:
- Không tự ý mua thuốc bôi viêm lợi để điều trị tại nhà. Dùng thuốc không đúng chỉ định, không đúng liều lượng, loại thuốc sẽ gây khó khăn cho việc điều trị và bệnh dễ tái đi tái lại nhiều lần.
- Khi có bất kỳ triệu chứng răng miệng khác thường nào, hãy đến gặp bác sĩ nha khoa để được tư vấn và hướng dẫn chăm sóc răng miệng đúng cách.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.