Cách điều trị viêm giác mạc do nấm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Viêm loét giác mạc do nấm là tình trạng giác mạc bị tổn thương, mất lớp biểu mô giác mạc có kèm theo nhiễm nấm vào lớp nhu mô hoặc nội mô giác mạc. Viêm loét giác mạc nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng, bệnh nhân bị giảm thị lực thậm chí là mù lòa.

1. Viêm loét giác mạc là gì?

Viêm loét giác mạc do nấm là một nhiễm trùng giác mạc, là tình trạng mất lớp biểu mô , kèm theo nhiễm nấm ở lớp nhu mô hoặc nội mô giác mạc.


Một số hình ảnh viêm loét giác mạc
Một số hình ảnh viêm loét giác mạc

2. Chẩn đoán viêm giác mạc do nấm

Viêm giác mạc do nấm thường xuất hiện sau một tác chấn thương như bụi bay vào mắt, cành cây hay lá cây quẹt vào mắt. Người bệnh thấy đau nhức mắt, đỏ mắt, cảm giác cộm chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và nhìn mờ.

Khi khám thực thể, hình ảnh điển hình của viêm giác mạc do nấm là ổ loét hình tròn hoặc hình oval, ranh giới rõ, đáy ổ loét thường phủ lớp hoại tử dày, khô và đóng vảy gồ lên trên bề mặt giác mạc. Vị trí xung quanh ổ loét có đám thẩm lậu như bông ở nhu mô giác mạc ... Lượng mủ tiền phòng tăng giảm bất thường.

Để chẩn đoán chính xác viêm giác mạc do nấm, bác sĩ có thể cạo nhẹ trên mắt để lấy một mẫu tổn thương trên mắt và làm xét nghiệm tìm tế bào nấm . Có nhiều phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như soi tươi, soi trực tiếp, nuôi cây định danh, kỹ thuật ELISA, kỹ thuật PCR,...

  • Soi tươi: Cho kết quả nhanh, xác định được có nấm hay không có nấm nhưng chỉ phát hiện được nấm sợi khó phát hiện được nấm men.
  • Soi trực tiếp: Các kỹ thuật thường dùng để chẩn đoán nấm là: nhuộm gram, nhuộm đơn xanh metylen, nhuộm Giemsa, nhuộm P.A.S.
  • Nuôi cấy định danh loài nấm: Đa số các loài nấm gây viêm loét giác mạc chỉ trong 2-3 ngày đã mọc nhưng cũng có những trường hợp phải tới 5-7 ngày nấm mới mọc. Thạch Sabouraud có thêm kháng sinh gentamycin hoặc chloramphenicol để ở nhiệt độ < 30 độ C là môi trường thích hợp để nuôi cây nấm. Để định danh loài nấm gây bệnh phải dựa vào quan sát đại thể, vi thể và tính chất sinh lý của nấm sau khi đã được nuôi cấy trên môi trường.

Chẩn đoán viêm giác mạc do nấm bằng soi tươi
Chẩn đoán viêm giác mạc do nấm bằng soi tươi

3. Điều trị viêm giác mạc do nấm

Điều trị bằng kháng sinh chống nấm :tại chỗ và toàn thân (tra mắt và uống)

Thuốc kháng nấm đặc hiệu 2 nhóm thông dụng là:

  • Polyenes: natamycin, ketoconazole, Fluconazole...khi bệnh tiến triển nặng có thể dùng 6-8 tuần
  • Thuốc kháng sinh toàn thân dùng trong trường hợp nặng:cần sử dụng thuốc itraconazole, ketoconazoleít nhất 3 tuần (chú ý theo dõi chức năng gan)

Thuốc điều trị phụ trợ:

  • Kháng sinh, chống viêm no- steroid tra tại mắt phòng bội nhiễm.
  • Giãn đồng tử bằng Atropin 0,5-1% với mục đích chống dính sau, giảm đau do co thắt thể mi.
  • Dinh dưỡng giác mạc: Khi ổ loét ở giác mạc bắt đầu giảm dần, và biểu mô giác mạc bắt đầu liền lại.

Khi bị viêm giác mạc do nấm, người bệnh nên khám chuyên khoa mắt
Khi bị viêm giác mạc do nấm, người bệnh nên khám chuyên khoa mắt

Việc điều trị viêm giác mạc do nấm cần theo chỉ định chặt chẽ của bác sĩ nhãn khoa. Nếu việc điều trị bằng thuốc không hiệu quả trong việc làm sạch các nhiễm trùng thì người bệnh có thể phải can thiệp ngoại khoa như:

  • Nạo biểu mô giác mạc
  • Nạo đáy ổ loét hoặc bề mặt giác mạc
  • Gọt giác mạc hoặc thậm chí là ghép giác mạc tùy tình trạng, mức độ bệnh.

Nhìn chung, việc điều trị viêm giác mạc do nấm thường đòi hỏi người bệnh phải rất tích cực và kiên trì. Mục đích của việc điều trị là giải quyết được tác nhân gây bệnh, và nhãn cầu được bảo tồn sau khi điều trị.

Biến chứng của viêm giác mạc do nấm rất nặng nề như hoại tử hay thủng giác mạc. Do đó, việc phòng ngừa bệnh là rất quan trọng.

  • Cần phải cẩn thận trong sinh hoạt, lao động để tránh xảy ra những tổn thương mắt.
  • Khi đi đường hay làm việc nên đeo kính bảo hộ.
  • Tuyệt đối không dụi mắt, day khi có bụi, hạn sạn bay vào mắt vì việc làm đó sẽ gây xước, rách giác mạc.
  • Đặc biệt, một số người có sử dụng kính áp tròng thì cần cẩn trọng trong các thao tác đeo và tháo, bảo quản và vệ sinh kính thường xuyên để làm giảm nguy cơ phát triển của nấm.

Tóm lại, viêm giác mạc do nấm là một nhiễm trùng giác mạc. Việc chẩn đoán sớm là rất cần thiết và quan trọng. Nếu tình trạng nhẹ, người bệnh có thể chỉ phải sử dụng thuốc. Nếu điều trị thuốc không hiệu quả, bệnh nhân có thể được yêu cầu phẫu thuật. Trong một số thường hợp, việc phẫu thuật giác mạc sẽ không phục hồi thị lực và làm suy giảm thị lực vĩnh viễn, thậm chí là mù lòa. Do đó, khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng đầu tiên cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được thăm khám.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe