Cách điều trị thai bám trên vết sẹo mổ lấy thai cũ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Thai bám vào vết mổ lấy thai cũ là bệnh lý sản khoa hiếm gặp. Thai làm tổ trên vết mổ cũ không thể giữ được vì thai càng lớn, nguy cơ vỡ tử cung càng cao, thậm chí gây ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ. Do đó, phát hiện và điều trị sớm giúp ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng.

1. Thai bám trên vết sẹo mổ lấy thai cũ gây biến chứng nguy hiểm

Thai bám ở sẹo mổ lấy thai là biến chứng sản khoa nghiêm trọng, đây là một dạng thai ngoài tử cung do thai làm tổ tại vết sẹo mổ trên cơ tử cung. Thai làm tổ tại vết mổ cũ là bệnh lý hiếm gặp nhất của thai ngoài tử cung. Tuy nhiên với tỷ lệ mổ lấy thai ngày càng có khuynh hướng gia tăng nên tỷ lệ thai bám ở vết mổ cũ cũng tăng lên.

Thai đậu trên vết sẹo tử cung gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sản phụ: nhau cài răng lược, vỡ tử cung, xuất huyết ồ ạt, xâm lấn bánh nhau vào bàng quang, nguy cơ cắt tử cung cao, tăng tỷ lệ tử vong. Thai làm tổ trên vết mổ cũ không thể giữ được vì thai càng lớn, nguy cơ vỡ tử cung càng cao. Do đó, với những sản phụ đã từng sinh mổ, khi có thai lần tiếp theo, cần được thăm khám sớm để xác định vị trí chính xác của thai. Phát hiện sớm thai bám ở vết mổ cũ giúp điều trị bảo tồn khả năng sinh sản cho người bệnh.

2. Chẩn đoán thai bám trên vết mổ lấy thai

2.1. Chẩn đoán lâm sàng

Khoảng 1/3 bệnh nhân thai bám trên vết mổ cũ không có triệu chứng, phần lớn có 3 triệu chứng thường gặp:

  • Trễ kinh.
  • Ra huyết âm đạo bất thường.
  • Đau bụng lâm râm.

2.2. Các xét nghiệm cận lâm sàng

  • Siêu âm ngả âm đạo kết hợp với Doppler
  • Siêu âm 3D (không thường quy)
  • Chụp MRI (không thường quy) giúp chẩn đoán trong những trường hợp khó.

Thai bám ở sẹo mổ lấy thai là biến chứng sản khoa nghiêm trọng
Thai bám ở sẹo mổ lấy thai là biến chứng sản khoa nghiêm trọng

3. Điều trị thai bám trên sẹo mổ cũ

Mục đích của việc điều trị thai bám trên sẹo mổ cũ nhằm lấy khối thai ra sớm nhất có thể trước khi vỡ và bảo tồn khả năng sinh sản cho người mẹ. Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào tuổi thai, kích thước túi thai, tình trạng huyết động học và mong muốn bảo tồn chức năng sinh sản của bệnh nhân. Việc điều trị thường được phối hợp nhiều phương thức tuỳ theo tình trạng bệnh nhân cụ thể.

3.1. Hủy thai trong túi ối

Hủy thai trong túi ối được chỉ định đối với các thai đã có hoạt động tim thai. Thủ thuật hủy thai bằng cách hút túi thai được thực hiện tại phòng mổ dưới sự hướng dẫn của siêu âm. Thủ thuật này được thực hiện qua cổ tử cung, âm đạo.

3.2. Lấy khối nhau thai

Hai phương thức cổ điển của lấy khối nhau thai là nong nạo và phẫu thuật.

  • Nong và nạo: Nhược điểm của phương pháp này là nguy cơ xuất huyết cao. Có thể tiến hành hút lấy khối nhau thai khi β-hCG giảm nhiều (còn 10-30% so với ban đầu). Nạo thường kết hợp với những phương thức cơ học khác (thắt động mạch tử cung trước, chèn bóng sau nạo) để giảm nguy cơ xuất huyết.
  • Phẫu thuật: mục đích của phương pháp này nhằm lấy khối thai, bảo tồn tử cung hoặc cắt tử cung. Phẫu thuật lấy khối nhau thai được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng điều trị nội, khối nhau thai xâm lấn nhiều. Lợi ích của phẫu thuật là lấy hết mô nhau thai đồng thời sửa chữa khiếm khuyết của sẹo mổ cũ ngăn ngừa tái phát. Nhược điểm của phương pháp này là đường mổ dài, thời gian hậu phẫu dài và có thể tăng nguy cơ nhau tiền đạo và nhau cài răng lược.

Cắt tử cung ngay từ đầu cũng có thể được áp dụng trong các trường hợp:

  • Sản phụ xuất huyết không cầm được.
  • Thai ở tam cá nguyệt II hoặc III.
  • Tránh phải truyền máu hoặc rơi vào tình huống khẩn cấp ở những phụ nữ không có nhu cầu sinh đẻ.
  • Tuổi thai tính trên siêu âm trong khoảng 12 tuần.

3.3. Chèn (tamponade)

Mục đích của thủ thuật này nhằm kiểm soát chảy máu rỉ rả sau thủ thuật hút thai.

3.4. Hóa trị toàn thân

Phương pháp này có thể điều trị đầu tiên hoặc điều trị hỗ trợ, nhằm giảm sự phân bố mạch máu ở khối thai, tiêu hủy tế bào nhau. Trước khi tiến hành điều trị hoá trị toàn thân, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm huyết đồ, chức năng gan thận.

3.5. Tắc mạch máu nuôi

Được dùng để chuẩn bị cho thủ thuật hay phẫu thuật hoặc kết hợp với hóa trị. Các phương pháp được dùng là:

  • Thắt động mạch tử cung ngả âm đạo.
  • Thắt động mạch chậu trong.
  • Tắc mạch cổ tử cung, tử cung, hoặc động mạch chậu trong.

Siêu âm 3D (không thường quy) để chẩn đoán thai bám trên vết mổ lấy thai cũ
Siêu âm 3D (không thường quy) để chẩn đoán thai bám trên vết mổ lấy thai cũ

Sau phẫu thuật, tử cung còn yếu nên người phụ nữ không nên mang thai lại quá sớm, tốt nhất là nên cách thời gian phẫu thuật ít nhất 1 năm. Nếu mang thai lại thì cần thăm khám thai sản thường xuyên nhằm đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé.

Tóm lại, với những sản phụ đã được chẩn đoán mang thai tại vết mổ đẻ cũ cần phải được thực hiện loại bỏ bào thai. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, mong muốn bảo tồn chức năng sinh sản của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe