Rối loạn tiểu tiện là tình trạng gây khó khăn trong quá trình tiểu tiện, làm ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Rối loạn tiểu tiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường do bất thường xảy ra ở bàng quang, niệu đạo. Bài viết sẽ khái quát về tình trạng rối loạn tiểu tiện và cách chữa triệu chứng này.
1. Rối loạn tiểu tiện là gì?
Rối loạn tiểu tiện là triệu chứng tiết niệu thường gặp với các biểu hiện đa dạng như:
- Tiểu buốt: Tiểu buốt là cảm giác buốt, đau rát, khó chịu khi đi tiểu.
- Tiểu rắt: Tiểu rắt là tình trạng bệnh nhân đi tiểu nhiều lần và cảm giác mắc tiểu thường không kiểm soát được.
- Tiểu ngắt quãng: Tia tiểu gián đoạn, không liên tục, sau đi tiểu vẫn còn cảm giác nước tiểu trong bàng quang.
- Tiểu rặn: Khi đi tiểu, bệnh nhân phải dùng sức rặn để tống nước tiểu ra ngoài.
- Tiểu nhiều: Thể tích nước tiểu trong ngày nhiều hơn người bình thường.
- Tiểu không kiểm soát: Tiểu không tự chủ, nước tiểu tự chảy ra mà không kiểm soát được.
2. Xác định nguyên nhân để chữa rối loạn tiểu tiện hiệu quả
Để chữa rối loạn tiểu tiện, trước tiên cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này. Khi xuất hiện các triệu chứng tiết niệu bất thường, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị. Các nguyên nhân thường gặp gây rối loạn tiểu tiện có thể chia thành hai nhóm như sau:
Thứ nhất, rối loạn tiểu tiện có thể là hậu quả của các bệnh lý như:
- Viêm bàng quang: Viêm nhiễm bàng quang do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho bàng quang bị kích thích, gây ra các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, tiểu són,... Các vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn bàng quang là E.coli, Staphylococcus,...
- Sỏi tiết niệu: Sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo,... là một trong những nguyên nhân thường gây gây rối loạn tiểu tiện
- Bệnh lý tiền liệt tuyến: Phì đại tuyến tiền liệt lành tính thường xảy ra ở nam giới trên 50 tuổi, và càng lớn tuổi tỷ lệ mắc bệnh càng tăng. Phì đại tiền liệt tuyến là nguyên nhân chính gây rối loạn tiểu tiện ở nam giới trong độ tuổi này. Ngoài ra, các bất thường khác ở tiền liệt tuyến như viêm tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến cũng khiến bệnh nhân gặp các triệu chứng rối loạn tiểu tiện.
- Suy thận mạn: Suy thận mạn gây ra nhiều triệu chứng tiết niệu cũng như triệu chứng toàn thân, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
- Sa bàng quang: Sa bàng quang xảy ra do yếu cơ và dây chằng ở sàn chậu hông. Đây có thể là nguyên nhân gây rối loạn tiểu tiện ở phụ nữ lớn tuổi từng sinh đẻ nhiều.
- Ung thư bàng quang: Khối u ác tính ở bàng quang, nhất là u ở gần đoạn đổ vào niệu đạo làm cản trở đường tiểu và gây ra các triệu chứng rối loạn tiểu tiện.
- Các bệnh lý khác: Bệnh nhân đái tháo đường nếu không kiểm soát được đường máu có thể làm tổn thương hệ thần kinh và ảnh hưởng đến việc kiểm soát tiểu tiện, gây ra triệu chứng són tiểu hay tiểu nhiều. Suy giáp cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn tiểu tiện nếu không được điều trị.
Nhóm nguyên nhân thứ hai gây rối loạn tiểu tiện liên quan đến chức năng bao gồm:
- Thói quen uống nhiều nước vào buổi tối, nhất là uống nhiều bia rượu, cà phê, trà,...
- Sử dụng thuốc lợi tiểu trong điều trị bệnh lý tăng huyết áp, suy tim, suy thận, xơ gan.
- Yếu tố tâm lý (lo lắng, stress,...).
- Phụ nữ mang thai.
3. Các loại thuốc chữa rối loạn tiểu tiện
Tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh, mức độ nặng nhẹ của bệnh, chức năng thận, thể trạng bệnh nhân,..., bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp. Các loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị rối loạn tiết niệu bao gồm:
3.1. Thuốc kháng cholinergic
Đối với tình trạng rối loạn tiết niệu, việc sử dụng thuốc kháng cholinergic nhằm mục đích:
- Giảm co thắt bàng quang
- Giảm tình trạng luôn có cảm giác mắc tiểu
- Giảm số lần đi tiểu
Các thuốc được kê toa trong điều trị rối loạn tiết niệu là Oxybutynin, Tolterodine, Darifenacin, Fesoterodine, Solifenacin, Trospium,... Các loại thuốc này có thể gây một số tác dụng không mong muốn như: đau đầu, rối loạn giấc ngủ, hoặc có thể gây kháng thuốc nếu dùng kéo dài.
3.2. Thuốc giãn cơ
Mirabegron là thuốc giãn cơ có tác dụng trong điều trị bàng quang hoạt động quá mức, giúp cải thiện tình trạng luôn cảm giác buồn tiểu, tăng sức chứa bàng quang, làm rỗng bàng quang mỗi khi tiểu tiện.
3.3. Thuốc chẹn alpha
Các loại thuốc chẹn alpha như Tamsulosin, Alfuzosin, Silodosin, Terazosin, Doxazosin,... được chỉ định cho bệnh nhân đái dầm liên tục với công dụng giãn cơ trơn cổ bàng quang cũng như các sợi vùng tiền liệt tuyến, giúp làm rỗng bàng quang tốt hơn.
3.4. Các loại thuốc khác
- Các chế phẩm estrogen liều thấp bôi tại chỗ
- Tiêm xơ hóa vùng quanh niệu đạo
- Tiêm botulinum toxin typ A
Các biện pháp này không được sử dụng rộng rãi, thường xuyên mà chỉ nên thực hiện ở các cơ sở y tế hiện đại, uy tín sau khi thất bại với các phương pháp điều trị thông thường và có sự cân nhắc kỹ lưỡng.
4. Vai trò của phẫu thuật trong điều trị rối loạn tiểu tiện
Phương pháp phẫu thuật được đặt ra sau khi các phương pháp điều trị rối loạn tiểu tiện khác không tỏ ra hiệu quả. Tùy thuộc nguyên nhân, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có thể lựa chọn các phương pháp phẫu thuật như:
- Phẫu thuật treo cổ bàng quang, phẫu thuật treo niệu đạo
- Phẫu thuật cấy cơ thắt nhân tạo
- Phẫu thuật cắt rễ sau thần kinh cùng
- Phẫu thuật làm rộng bàng quang.
Bất kỳ một phẫu thuật nào cũng có nguy cơ xảy ra các biến chứng như: chảy máu, nhiễm trùng,... Mặt khác, hiệu quả của phẫu thuật trong điều trị rối loạn tiểu tiện còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
5. Điều trị hỗ trợ và chăm sóc bệnh nhân rối loạn tiểu tiện
5.1. Kiểm soát hành vi, thói quen tiểu tiện
- Tập chức năng bàng quang: Khi có cảm giác buồn tiểu, cố gắng nhịn tiểu khoảng 10 phút để điều chỉnh khoảng cách giữa các lần tiểu khoảng 2-4 giờ.
- Đi tiểu đúp: Đi tiểu đúp là cố gắng tiểu hết nước tiểu mỗi khi đi tiểu, có nghĩa là sau khi tiểu xong nên đợi thêm vài phút để tiểu lần nữa cho hết nước tiểu.
- Đi tiểu theo lịch: Đi tiểu cứ mỗi hai giờ một lần mà không phải đợi đến khi buồn tiểu.
5.2. Kiểm soát cơ đáy chậu
Các bài tập huấn luyện cơ đáy chậu giúp tăng cường sức mạnh của các cơ ở vùng này, từ đó hỗ trợ kiểm soát tiểu tiện tốt hơn. Bài tập cơ đáy chậu thường được áp dụng là bài tập Kegel:
- Tưởng tượng đang cố gắng kiềm chế đi tiểu.
- Co thắt các cơ sàn chậu, giữ động tác này khoảng 2 giây, rồi thư giãn 2-3 giây.
- Tăng thời gian co thắt cơ đáy chậu lên 5 giây, rồi tăng lên 10 giây. Mỗi lần tập lặp lại động tác 10 lần, mỗi ngày tập 10 lần.
5.3. Chế độ dinh dưỡng
- Kiểm soát lượng nước uống: Hạn chế uống nước buổi tối, đảm bảo lượng nước cần thiết bằng cách uống nhiều vào ban ngày.
- Không sử dụng thức uống có cồn.
- Hạn chế trà, cà phê, thức uống có ga, các thực phẩm quá chua, cay hoặc ngọt.
5.4. Chăm sóc bệnh nhân rối loạn tiểu tiện
- Khi bị rò rỉ nước tiểu, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ da như: giữ da luôn khô sạch, có thể dùng khăn để lau, sử dụng tã để kiểm soát triệu chứng.
- Đối với người lớn tuổi đi lại khó khăn, đảm bảo nhà vệ sinh ở gần khu vực sinh hoạt, chống trơn trượt, đảm bảo ánh sáng để phòng nguy cơ té ngã, nếu cần thiết phải có người hỗ trợ bệnh nhân vệ sinh tại chỗ.
Tóm lại, rối loạn tiểu tiện gây ra nhiều phiền toái cho bệnh nhân. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng tiểu tiện bất thường, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tránh tự ý dùng thuốc khi chưa rõ nguyên nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.