Chai chân tay là một tổn thương trên da thường do vùng da bị đè nén thường xuyên gây ra, nhưng không ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong một số trường hợp có thể khiến người bệnh khó chịu, đau khi bị đè ép, đặc biệt vùng chai còn ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Vậy cách chữa chai chân và cách chữa chai tay như thế nào?
1. Vì sao bạn bị chai chân, tay?
Chai là một vùng da bị sừng hóa, do quá sản các lớp thượng bì, đặc biệt là quá sản ở lớp sừng và tổ chức đệm tạo thành một khối xơ. Tình trạng này thường xuất hiện trên bàn tay hoặc bàn chân, nhưng có thể xảy ra ở những nơi khác, đặc biệt là ở người có nghề nghiệp cần phải lặp lại sự đè ép ở một khu vực cụ thể.
Dấu hiệu nhận biết:
- Tổn thương chai là những đám dày sừng màu vàng, khum lên, có thể hình tròn hay bầu dục, sờ vào thường rất cứng, vùng ranh giới với da lành, nhưng thường không gây ra đau.
- Vùng chai có thể bị nứt ra và bội nhiễm gây ra đau đớn.
- Đôi khi ở trung tâm của vết chai có thể bong sừng tạo nên một lõm ở giữa.
Nguyên nhân gây ra chai chân tay là do những vị trí thường xuyên tiếp xúc và cọ sát với một vật nào đó lâu ngày sẽ xuất hiện chai ở điểm đó. Những vật có thể gây chai bàn chân thường là giày, dép, cũng có thể là dụng cụ như bút viết, tay thường xuyên lái xe máy, dụng cụ lao động.
Ngoài nguyên nhân do cọ xát, tiếp xúc thường xuyên gây ra chai, thì chai còn là hậu quả sau khi bị nhiễm trùng do các dị vật như mảnh vụn của gỗ, cát... Trường hợp này nhân của chai có thể chứa huyết thanh và gây ra đau đớn cho bệnh nhân, đôi khi tới mức không chịu đựng nổi, cần phải tiến hành lấy dị vật bên trong.
2. Cách chữa chai chân, tay như thế nào?
Một số mẹo điều trị chai chân tay có thể áp dụng như:
Ngâm tay, chân với nước muối ấm mỗi ngày
Một trong những cách chữa chai chân tay có thể áp dùng đó là ngâm chân tay với nước muối ấm mỗi ngày. Muối ngoài dùng để làm nguyên liệu nấu ăn thì đây cũng là nguyên liệu tẩy tế bào chết rất hiệu quả. Dùng muối sẽ giúp việc điều trị chai tay.
Để thực hiện cách chữa chai tay, chân bạn cần pha loãng nước muối vào nước ấm, sau đó tiến hành ngâm tay, chân vào dung dịch đã pha trong khoảng 30 phút mỗi ngày. Dần dần, bạn sẽ nhận thấy tình trạng bàn tay chai sạn sẽ được cải thiện.
Dùng quả dứa tươi
Trái Dứa không chỉ thơm ngon xuất hiện trong nhiều món ăn, thức uống mà còn được ứng dụng để điều trị các vấn đề sức khỏe. Ít ai biết rằng dứa cũng có tác dụng chữa chai chân, tay hiệu quả. Dứa giúp thúc đẩy quá trình làm lành da. Điều này đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là do trong dứa có chứa một enzyme gọi là bromelain có tác dụng chống viêm, hỗ trợ giúp giảm tình trạng chai chân tay.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Dứa đem gọt vỏ bên ngoài và cắt lấy một miếng nhỏ.
- Bước 2: Tiếp theo bạn áp miếng dứa lên trên bề mặt vị trí chai và cố định bằng gạc rồi để qua đêm.
- Nên áp dụng cách trị chai chân này thường xuyên vào mỗi buổi tối để cảm nhận hiệu quả nhanh hơn.
Nước ép đu đu
Một cách chữa chai chân tay khác mà bạn cũng có thể áp dụng đó là dùng cùi hay nước ép của trái đu đủ để bôi lên vùng bị chai trong khoảng 15 phút mỗi ngày.
Cách chữa chai chân tay bằng chanh
Axit từ chanh được cho là có tác dụng làm mềm và giúp làm mờ vết chai chân, tay nhanh chóng. Thoa đều chanh lên bàn tay hay chân hoặc cắt miếng chanh mỏng đắp lên chỗ chai để trong khoảng từ 10 đến 15 phút rồi có thể rửa lại với nước. Thực hiện đều đặn trong 1 – 2 tuần thì lớp da chai sẽ được phục hồi dần dần.
Kem dưỡng ẩm
Bạn có thể sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa các thành phần như Salicylic acid, Ammonium lactate hay Ure. Những hoạt chất này có trong sản phẩm sẽ giúp làm mềm từ từ vết chai.
3. Những điều cần chú ý khi chữa chai chân, tay
- Do chai chân tay rất dễ tái phát nếu vẫn có yếu tố thuận lợi, vì thế nên sau khi điều trị, bạn cần đề phòng tái phát bằng cách tránh việc đi những đôi giày quá chật, quá cao, mũi nhỏ... để tránh những điểm tì quá mạnh, đeo găng tay khi làm việc để hạn chế chai tay.
- Lưu ý khi điều trị không được đâm, chọc hay cắt vết chai, vì như vậy sẽ bị nhiễm trùng, chảy máu, tổn thương tại chỗ.
- Nếu như việc sử dụng các biện pháp tại nhà không cải thiện, bạn có thể thăm khám và điều trị bằng biện pháp can thiệp. Một trong những biện pháp chúng ta có thể sử dụng như lazer hoặc đốt cháy bằng khí nitơ lỏng.
- Nếu chai chảy máu hay vỡ thì cần được giữ sạch và che phủ bằng gạc sạch giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và thúc đẩy lành vết thương.
- Bạn cần thăm khám khi bị chai chân tay khi: Chai chân hay xuất hiện ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường; Các vùng bị chai trở nên biến dạng bất thường; Vết chai chân tay có dấu hiệu loét, đau nhức nhiều hay bị chảy mủ.
Hầu hết các vết chai thường lành tính, ít khi gây khó chịu và đau mỗi khi di chuyển, đè ép nhiều. Bạn có thể áp dụng các biện pháp trên để giúp cải thiện tình trạng chai chân tay. Tuy nhiên, khi thấy vết chai làm bạn ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc bạn cũng nên tới cơ sở y tế thăm khám để có biện pháp điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.