Nấm da toàn thân mặc dù không nguy hiểm nhưng lại gây mất thẩm mỹ, ngứa ngáy và rất khó chịu. Thông thường việc điều trị nấm da hiệu quả và nhanh chóng là sử dụng thuốc trị nấm da đặc hiệu. Để nắm rõ được cách sử dụng thuốc người bệnh tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây.
1. Các loại nấm da
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa nên rất thích hợp cho các bệnh nấm da toàn thân phát triển. Nấm là một loại sinh vật hạ đẳng không có chất diệp lục nên không thể tổng hợp được chất hữu cơ nuôi cơ thể mà phải sống ký sinh vào vật chủ như động vật, thực vật và con người. Dưới đây là các loại nấm da toàn thân thường gặp:
- Nấm hắc lào: Bao gồm nấm bẹn, nấm mông, nấm thân,...Thông thường, người bệnh sẽ mắc nấm hắc lào vào mùa hè, do Epidermophyton, trichophyton hoặc Microsporum gây ra. Nấm hắc lào có hình tròn đồng xu, xung quanh có mụn nước nhỏ, bong vảy nhẹ và sau đó sẽ lan to hơn thành những mảng lớn hình đa cung. Người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ngáy nhất là khi đổ mồ hôi. Nấm hắc lào lành tính nhưng nếu không được điều trị kịp thời và có phác đồ điều trị phù hợp có thể trở thành mãn tính và gây ra viêm da nhiễm khuẩn.
- Nấm kẽ chân (nước ăn chân): Thường gặp nhiều nhất ở những người làm việc ở môi trường ẩm ướt hoặc thường xuyên đi giày bị chảy mồ hôi chân. Nguyên nhân chủ yếu của nấm kẽ chân là do nấm Epidermophyton và Trichophyton. Nấm kẽ chân ban đầu thường bợn trắng, hơi bong vảy sau đó lan lên mu bàn chân, dưới bàn chân và các kẽ ngón chân khác. Người bệnh sẽ bị ngứa ngáy, mọc mụn nước và cần phân biệt với bệnh tổ đỉa và Eczema tiếp xúc.
- Nấm lang ben (Pityriasis Versicolor): Thường gặp ở người trẻ tuổi, thanh thiếu niên, người có cơ địa da dầu, da mỡ. Nguyên nhân là do nấm men Pityrosporum Ovale rất ưa môi trường chất dầu mỡ và thường trú ổ nang lông tuyến bã, khi gặp điều kiện thuận lợi thì phát bệnh. Ban đầu là các vết chấm hình tròn từ 1-2mm, có màu trắng, hồng hoặc nâu. Người bệnh sẽ gặp triệu chứng điển hình như ngứa râm ran, đặc biệt là khi nóng và ra mồ hôi. Bệnh rất dễ tái phát.
2. Nguyên nhân hình thành nấm da
Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu gây bệnh nấm da:
- Giữ gìn vệ sinh kèm, ô nhiễm của môi trường
- Nhiễm nấm do tiếp xúc với vật nuôi, người bị nấm.
- Người bị suy giảm đề kháng, rối loạn nội tiết, dùng thuốc kháng sinh kéo dài, người có cơ địa ra nhiều mồ hôi, hay mặc quần áo bó sát là điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển và gây bệnh.
- Lạm dụng xà phòng.
- Nhiệt độ nóng ẩm.
3. Cách chữa bệnh nấm da toàn thân hiệu quả
Bệnh nấm da chữa thế nào? đang là thắc mắc của rất nhiều người. Hiện nay, việc điều trị nấm da chủ yếu là dùng thuốc chữa nấm. Thuốc chữa nấm da vô cùng đa dạng từ kem bôi, dạng xịt, dạng tiêm, dạng lỏng, dạng viên nén, thuốc uống,... nhưng có chung 1 mục đích là loại bỏ nấm bằng cơ chế phá hủy thành tế bào.
- Thuốc trị nấm da tại chỗ: Các sản phẩm thuốc trị nấm da tại chỗ chủ yếu sử dụng điều trị nấm gây nhiễm trùng ở móng tay và da đầu. Trong thành phần thuốc chứa chủ yếu các chất như: econazole, miconazol, clotrimazole, amorolfine,... Trong một vài trường hợp, người bệnh có thể phối hợp giữa kem chữa nấm và các loại thuốc kem khác như: Điều trị một số loại phát ban sử dụng phối hợp kem bôi trị nấm cùng kem chứa steroid nhẹ. Trong đó kem chữa nấm giúp loại bỏ nấm bệnh còn kem steroid nhẹ có tác dụng giảm viêm gây ra bởi nhiễm trùng.
- Dầu gội trị nấm: Các loại dầu gội được chỉ định làm thuốc điều trị nấm da đầu và một vài hiện tượng nhất định của da chủ yếu có chứa chất ketoconazole.
- Thuốc đặt trị nấm: Thuốc đặt trị nấm chủ yếu có dạng viên nén và thường được dược sĩ, bác sĩ kê đơn đặt bên trong âm đạo. Các thuốc đặt trị nấm thường dùng như: Thuốc econazole, thuốc clotrimazole, thuốc fenticonazole và thuốc miconazol.
- Thuốc trị nấm da vùng miệng: Các thuốc trị nấm vùng miệng thường ở dạng dung dịch hoặc dạng gel với công dụng chữa nấm (loại nấm candida) ở khu vực cổ họng và miệng.
- Thuốc tiêm trị nấm da: Trường hợp người bệnh bị nấm trầm trọng, có thể sử dụng thuốc dạng này, chủ yếu là các thuốc: Anidulafungin, Amphotericin, Itraconazole, Caspofungin, Flucytosine, Micafungin,... Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ tùy vào loại nấm dẫn đến viêm nhiễm mà lựa chọn loại thuốc trị thích hợp. Hầu hết các sản phẩm thuốc tiêm đặc trị nấm da này được áp dụng cho những người nằm trong bệnh viện.
Lưu ý: Các sản phẩm thuốc kháng sinh hoàn toàn khác biệt với thuốc điều trị nấm. Các dòng thuốc kháng sinh là một sản phẩm thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, không có chức năng loại bỏ nấm. Trên thực tế, những người dùng thuốc kháng sinh sẽ có xu hướng dễ bị nấm tấn công.
4. Các tác dụng phụ của thuốc trị nấm da
Trước khi sử dụng bất cứ dòng thuốc nào để điều trị, người bệnh nên tham khảo kỹ hướng dẫn dùng thuốc được niêm yết trên bao bì sản phẩm để có thể phòng tránh được các phản ứng phụ có thể xảy ra.
4.1. Thuốc dùng tại chỗ
Các loại thuốc dạng xịt, kem kem, dung dịch, dầu gội trị nấm thường ít gặp tác dụng phụ và rất dễ dùng. Tuy nhiên, một số trường hợp người bệnh sử dụng thuốc có thể gặp tình trạng ngứa rát, nổi mẩn đỏ tại chỗ bôi. Nếu trong quá trình sử dụng người bệnh xuất hiện những biểu hiện này hãy ngừng dùng thuốc.
4.2. Thuốc dạng uống
Các thuốc dạng uống điều trị nấm da thường không dẫn đến những tác dụng phụ, thậm chí nhiều người có thể dễ dàng mua thuốc không kê toa tại bất kỳ nhà thuốc nào vì đã được xem là sản phẩm an toàn và vô hại. Tuy nhiên, cũng có một số loại thuốc có thể dẫn đến những phản ứng phụ như:
- Terbinafine gây đau bụng, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn dạ dày, đau nhức cơ-khớp, nhức đầu.
- Fluconazole gây tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, chướng bụng, nhức đầu.
- Miconazole có thể gây ra phát ban, nôn/buồn nôn.
- Nystatin gây đau nhức vùng miệng.
4.3. Thuốc dạng tiêm
Các sản phẩm thuốc trị nấm da dạng tiêm thường gây ra những phản ứng phụ rất cao, đôi khi dẫn đến các triệu chứng nặng nề. Tuy nhiên, ở một số trường hợp người bệnh mắc một số bệnh lý nhiễm nấm nghiêm trọng vẫn được các bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích điều trị với nguy cơ gây hại để có hoặc không sử dụng.
Thuốc điều trị các loại nấm da đều có thể dùng cho tất cả mọi người mà không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu người bệnh sử dụng mà nghi ngờ bị dị ứng với thành phần thuốc hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.