Bệnh mất ngủ kinh niên hay còn gọi là bệnh mất ngủ mãn tính, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: Bệnh lý nền của người bệnh, môi trường, các thói quen có hại,... Tình trạng mất ngủ kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí có nguy cơ dẫn tới đột quỵ.
1. Bệnh mất ngủ kinh niên là gì?
Mất ngủ kinh niên hay còn gọi là mất ngủ mãn tính, được định nghĩa là tình trạng bất thường về giấc ngủ như ngủ khó vào giấc, dễ thức giấc và không ngủ lại được nữa, khó duy trì giấc ngủ ngon vào ban đêm trong quãng thời gian dài, tối thiểu là 1 tháng. Còn nếu tình trạng mất ngủ ít hơn 1 tháng gọi là mất ngủ cấp tính hay còn gọi là mất ngủ ngắn hạn.
Mất ngủ kinh niên có thể gây ra tình trạng thoái hóa, ngộ độc tế bào. Có nhiều trường hợp là nguyên nhân dẫn tới các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, thừa cân, béo phì, đái tháo đường... Nếu người gầy bị mất ngủ kéo dài khiến cho nồng độ cholesterol trong máu tăng cao, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và kéo theo là tăng nguy cơ đột quỵ.
2. Triệu chứng thường gặp khi bị mất ngủ kéo dài
Người bị bệnh mất ngủ kinh niên thường có những triệu chứng như sau:
- Ngủ khó vào giấc: Người bệnh trằn trọc mãi không đi vào giấc ngủ được;
- Giấc ngủ không sâu: Người bệnh hay bị giật mình tỉnh giấc và khó ngủ trở lại;
- Thức dậy sớm và cảm thấy mệt mỏi: Người bị mất ngủ kinh niên thường xuyên thức giấc sớm và cảm thấy trong người rất mệt mỏi, không được thoải mái khi thức dậy, thậm chí người bệnh không có cảm giác được nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe.
- Uể oải vào ban ngày: Do tình trạng thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc vào ban đêm khiến cho người bệnh thường cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, cơ thể uể oải, lờ đờ, không tỉnh táo, thậm chí còn có thể xuất hiện ảo giác. Người bệnh cũng cảm thấy khó tập trung, suy giảm sự chú ý và sa sút trí nhớ.
- Trầm cảm: Thường xuyên lo âu, có cảm giác khó chịu, căng thẳng, trầm cảm là tình trạng phổ biến của những người bị mất ngủ kinh niên.
- Căng thẳng, dễ cáu giận: Mất ngủ thường xuyên khiến cho người bệnh cảm thấy đau đầu, bồn chồn, dễ cáu giận và căng thẳng, stress. Dễ bị tác động bởi người khác và cảm thấy khó đưa ra quyết định sáng suốt.
Tùy vào nguyên nhân, tình trạng bệnh và mức độ nặng của bệnh mà người bệnh có biểu hiện triệu chứng nặng hoặc nhẹ khác nhau.
3. Điều trị và phòng tránh mất ngủ kinh niên
3.1. Điều trị bệnh mất ngủ kinh niên theo y học hiện đại
Nhiều người khi xuất hiện tình trạng mất ngủ thường tìm đến các thuốc thuộc nhóm thuốc an thần để có giấc ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia chuyên ngành nội thần kinh cho biết khi người bệnh bị phụ thuộc vào thuốc an thần, tình trạng mất ngủ cấp tính có thể chuyển sang thành mất ngủ mãn tính, khiến cho người bệnh gặp nhiều phiền toái và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Ngoài ra, nhóm thuốc an thần thường gây ra một số tác dụng phụ như: ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, hệ thần kinh... Vì vậy, người bệnh cần phải thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này.
Khi người bệnh có triệu chứng mất ngủ thì cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa sớm để được chẩn đoán, xác định đúng mức độ bệnh và có những phương pháp xử trí phù hợp thay vì tự điều trị sai cách tại nhà. Nếu người bệnh muốn sử dụng bất cứ loại thuốc nào để trị mất ngủ đều nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa thần kinh để có hiệu quả tốt nhất, hạn chế được tối đa tác dụng phụ của thuốc.
3.2. Điều trị bệnh mất ngủ kinh niên bằng phương pháp y học cổ truyền
Một số phương pháp cơ bản để điều trị bệnh mất ngủ bằng phương pháp y học cổ truyền là: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, ngâm chân thuốc bắc và uống các bài thuốc Đông Y do đội ngũ các bác sĩ chuyên khoa khám bệnh và kê đơn
Liệu pháp châm cứu và bấm vào các huyệt thường được sử dụng để điều trị mất ngủ như: Thần môn, Nội quan, Tam âm giao, Túc tam lý, Hành gian, Thái xung, Quan nguyên, Bạch hội, Hợp cốc... Và ngâm chân thuốc Bắc trước khi đi ngủ, kết hợp bài thuốc Đông y.
Bài thuốc kinh nghiệm được các bác sĩ hay dùng trong hỗ trợ điều trị mất ngủ là bài thuốc Quy tỳ thang kết hợp bài thuốc tiêu giao tán gia giảm: Đẳng sâm 16g, Hoàng kỳ 16g, Đương quy 16g, Bạch truật 16g, Phục thần 16g, Táo nhân 16g, Viễn chí 16g, Bạch linh 12g, Sài hồ 20g, Chi tử 12g, Mẫu đơn bì 16g, Long nhãn 16g, Mộc hương 16g, Mạch môn 16g, Hoàng liên 12g, Nhục quế 10g, Cam thảo 12g, Đại táo 16g.
3.3. Phòng tránh mất ngủ mãn tính
Để hạn chế tối đa các nguy cơ mắc bệnh mất ngủ kéo dài, các chuyên gia khuyên người bệnh nên chú ý những điều sau:
- Không nên hoạt động nhiều hoặc ăn uống quá no ngay trước khi đi ngủ;
- Người bệnh nên có các biện pháp thư giãn, tránh để bản thân chịu áp lực, muộn phiền, lo âu quá mức;
- Giữ cho phòng ngủ của mình luôn thông thoáng mát, sạch sẽ và yên tĩnh;
- Tránh sử dụng các chất kích thích vào ban đêm, trước giờ đi ngủ như rượu bia, cà phê, thuốc lá;
- Người bệnh cần duy trì, cân bằng hợp lý giữa các chế độ dinh dưỡng, tập luyện, làm việc và chế độ nghỉ ngơi.
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp ích cho người bệnh hiểu hơn về tình trạng mất ngủ kinh niên, cách điều trị và phòng ngừa. Khi người bệnh thấy có biểu hiện bất thường về giấc ngủ, hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.