Quá trình điều trị gàu sẽ trở lên thuận lợi hơn nếu bạn tìm thấy đúng các loại dầu gội đặc trị, bởi hiện nay có nhiều dòng sản phẩm trên thị trường được quảng cáo với tác dụng mạnh nhưng kết quả lại không giúp người bệnh cảm thấy hài lòng. Để trở thành người tiêu dùng thông thái, hãy đặt ra những tiêu chí chọn lựa và tìm hiểu kỹ những thông tin sản phẩm để lựa chọn được loại dầu gội trị gàu ưng ý nhất.
1. Nguyên nhân gây ra gàu
1.1. Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân dẫn đến gàu, mặc dù không đúng hoàn toàn. Chẳng hạn tình trạng da đầu nhạy cảm với Acid Oleic có tính di truyền và đây là một yếu tố dẫn đến da đầu bị gàu.
1.2. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Chế độ ăn quá nhiều đường có thể sinh ra gàu do kích thích vi nấm Malassezia phát triển quá mức. Đồng thời, đường còn ức chế vitamin nhóm B có tác dụng trị gàu.
1.3. Sự thay đổi nội tiết tố
Dầu nhờn tự nhiên trên bề mặt da đầu có công dụng giữ ẩm, thế nhưng khi lượng dầu nhờn bài tiết quá nhiều sẽ kích thích vi nấm Malassezia phát triển và sinh ra gàu. Một trong những nguyên nhân khiến lượng dầu nhờn bài tiết nhiều hơn bình thường là do mất cân bằng nội tiết tố, cụ thể là Estrogen và Progesterone.
1.4. Nhuộm và tạo kiểu tóc
Việc sử dụng các loại hóa chất để nhuộm hoặc tạo kiểu sẽ góp phần khiến da đầu bị kích ứng và sinh ra gàu. Ngoài ra, các hóa chất trong thuốc nhuộm còn có xu hướng hút ẩm từ da đầu và khi vùng da nhạy cảm này dễ bị tổn thương hơn.
1.5. Không vệ sinh da đầu
Nếu không gội đầu sau một vài ngày, tóc và da đầu sẽ tập trung nhiều bụi bẩn, dầu nhờn và các loại vi khuẩn. Nếu không gội đầu đúng lúc thì tình trạng gàu sẽ xuất hiện nhiều hơn, thậm chí nghiêm trọng hơn là nhiễm nấm da. Vì thế, bạn hãy gội đầu thường xuyên và nên ưu tiên lựa chọn các loại dầu gội trị gàu thích hợp nhất.
1.6. Căng thẳng
Tình trạng căng thẳng và stress kéo dài dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố, kích thích các hóa chất trung gian gây viêm, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng rào bảo vệ da đầu. Vì vậy, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến gàu.
1.7. Mùa lạnh
Thời tiết lạnh khiến làn da dễ bị khô, trong đó da đầu không phải là ngoại lệ. Da đầu khô là điều kiện vô cùng thích hợp để sinh ra gàu.
1.8. Vấn đề đường ruột
Có lẽ không ai nghĩ đến nguyên nhân này sẽ gây ra gàu, nhưng các chuyên gia cho biết, tình trạng mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, thiếu hụt lợi khuẩn và thiếu chất dinh dưỡng sẽ góp phần khiến gàu xuất hiện.
Nếu nguyên nhân dẫn đến gàu là do di truyền thì việc khắc phục hoàn toàn là không thể, tuy nhiên những nguyên nhân khác thì có thể cải thiện được. Điều quan trọng là chúng ta cần thay đổi chế độ dinh dưỡng hợp lý, giảm bớt lượng đường, tăng cường bổ sung thực phẩm giàu acid omega-3, hạn chế căng thẳng, thường xuyên tập luyện thể dục, giữ vệ sinh mái tóc và tránh lạm dụng các hóa chất nhuộm màu/tạo kiểu... Đồng thời khi gàu xuất hiện thì nên tìm và sử dụng các loại dầu gội trị gàu hiệu quả theo những tiêu chí sau đây.
2. Tiêu chí lựa chọn dầu gội trị gàu tốt nhất
2.1. Chọn dầu gội trị gàu theo tình trạng tóc
Để chọn được loại dầu gội trị gàu tốt nhất, bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất mà chúng ta không nên bỏ qua là xác định tình trạng tóc của bản thân. Tình trạng này được hiểu là “sức khỏe” hiện tại của tóc, khi biết được điều đó thì chúng ta sẽ dễ dàng chọn được sản phẩm phù hợp hơn. Tình trạng tóc bao gồm nhiều trạng thái khác nhau, bao gồm tóc hư tổn chẻ ngọn, tóc yếu dễ gãy rụng, tóc khô, tóc đã nhuộm hoặc uốn...
- Loại dầu gội trị gàu tốt nhất cho tóc nhuộm, uốn hay tạo kiểu sẽ nghiêng về những sản phẩm ít có chất tẩy rửa mạnh;
- Tóc chẻ ngọn, tóc yếu và hư tổn nên sử dụng dầu gội trị gàu có các thành phần dưỡng chất hỗ trợ khôi phục độ chắc khỏe cho mái tóc.
Trong mỗi sản phẩm dầu gội trị gàu trên thị trường hiện nay đều được nhà sản xuất ghi chú đầy đủ thông tin về công dụng cũng như đặc tính sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm đó phù hợp với loại tóc nào. Vì vây, người dùng nên tham khảo kỹ thông tin trên nhãn mác để lựa chọn sản phẩm dầu gội trị gàu hiệu quả nhất.
2.2. Chọn dầu gội trị gàu hiệu quả theo thành phần
Trong các loại dầu gội trị gàu cho da đầu sẽ được phân thành dầu gội thảo dược và dầu gội chứa các hợp chất hóa học.
Các loại dầu gội trị gàu có thành phần thảo dược thường được nhà sản xuất bào chế từ các nguyên liệu tốt cho da đầu như bồ kết, tinh dầu bưởi, sả, hương thảo hay tầm xuân... Dầu gội trị gàu thảo dược tuy có hiệu quả chậm hơn so với những sản phẩm hóa học nhưng nhờ vào tinh chất thiên nhiên nên rất an toàn, đặc biệt với tóc yếu và da đầu nhạy cảm.
Đối với những loại dầu gội trị gàu tạo ra từ các thành phần hóa học đặc trị gàu nên hiệu quả mang lại rất nhanh, thậm chí giảm ngay sau lần gội đầu tiên. Tuy nhiên, thành phần loại dầu gội trị gàu này có nhiều sulfate, được xem là “chất tẩy” với nhiệm vụ làm sạch bụi bẩn và gàu trên da đầu, nên có thể chỉ phù hợp với loại da đầu nhờn và da đầu thông thường.
2.3. Chọn dầu gội theo đặc tính da đầu
Để lựa chọn loại dầu gội trị gàu hiệu quả, người dùng nên quan tâm đến đặc tính của da đầu. Tương tự như ở các vị trí khác của cơ thể, da đầu cũng được phân thành nhiều loại khác nhau như da dầu, da khô, da bình thường...
Đặc tính của loại da dầu là thường xuyên bài tiết ra nhiều dầu, vì vậy có xu hướng dễ bị bết dính dễ và gây ra gàu. Với loại da đầu này thì người dùng nên sử dụng các loại dầu gội trị gàu có thành phần tẩy để hỗ trợ làm sạch lượng dầu thừa không cần thiết, hơn nữa các sản phẩm này còn giúp ổn định độ pH lý tưởng (khoảng 5.5).
Riêng với da đầu khô, người dùng nên ưu tiên sử dụng dầu gội trị gàu có tính chất dịu nhẹ, vừa giảm gàu hiệu quả vừa không chứa sulfate để tránh gây khô xơ cho mái tóc.
2.4. Chọn dầu gội trị gàu thân thiện với da đầu
Các loại dầu gội trị gàu hiện nay thường tác động mạnh đến vùng da nhạy cảm khi chứa những thành phần “khắc nghiệt”. Do đó, nếu sử dụng lâu dài những sản phẩm không phù hợp có thể khiến tóc càng dễ hư tổn hơn. Kèm theo đó, da đầu và mái tóc lại thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố gây hại như môi trường ô nhiễm hay ánh nắng mặt trời... nên việc sử dụng những thành phần không an toàn có thể sẽ gây hại thêm cho da đầu.
Vì thế, người dùng nên lựa chọn dầu gội trị gàu có chứa các thành phần giúp giảm gàu, loại bỏ bụi bẩn, dầu nhờn một cách triệt để, vừa giúp thân thiện với da đầu và đảm bảo không chứa các hóa chất độc hại. Để trị gàu hiệu quả nhất, người dùng nên lựa chọn các loại dầu gội có những thành phần sau:
- Piroctone olamine: Hoạt chất này có tác dụng chống nấm, kháng khuẩn, đặc biệt là kiểm soát vi nấm Malassezia nên hỗ trợ giảm gàu hiệu quả, kích thích mọc tóc, ngăn ngừa rụng tóc...;
- Ichthyol Pale: Có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và điều tiết quá trình bài tiết bã nhờn;
- Vitamin B5 Dexpanthenol: Hỗ trợ nuôi dưỡng mái tóc khỏe mạnh, giảm tình trạng kích thích nên hạn chế bài tiết bã nhờn dư thừa;
- Dầu chanh: Do có nồng độ Acid citric cao nên dầu chanh có tác dụng chống khuẩn và chống nấm. Ngoài ra, dầu chanh còn chứa nhiều Flavonoid, sắt, vitamin C giúp nuôi dưỡng tóc, củng cố các nang tóc, kiểm soát bã nhờn và cân bằng độ pH cho da đầu;
- Dầu cây chè: Tác dụng chống nấm, kháng viêm và giảm tình trạng bong tróc da đầu.
2.5. Dầu gội trị gàu có thành phần dịu nhẹ
Loại dầu gội trị gàu tốt nhất phải đảm bảo phù hợp với mọi loại tóc. Vì thế, sản phẩm đó cần chứa các loại tinh dầu tự nhiên kết hợp các thành phần có tính chất dịu nhẹ, lành tính, thân thiện với da đầu.
2.6. Dầu gội dưỡng ẩm
Người dùng nên lựa chọn các loại dầu gội trị gàu có tác dụng dưỡng ẩm để việc kiểm soát gàu hiệu quả hơn. Tất nhiên, sản phẩm đó cần có kết hợp giữa nhiều thành phần với các tiêu chí cần thiết như sau:
- Tác dụng làm sạch bụi bẩn hiệu quả cũng như giảm lượng dầu nhờn không mong muốn;
- Dưỡng ẩm cho sợi tóc;
- Chứa các thành phần có công dụng nuôi dưỡng tóc từ sâu bên trong.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về những nguyên nhân gây ra gàu, đánh giá được các tiêu chí lựa chọn dầu gội trị gàu để từ đó lựa chọn được sản phẩm tối ưu. Trong quá trình sử dụng, hãy đọc kỹ hướng dẫn để biết được những thành phần có trong sản phẩm giúp đảm bảo hiệu quả sử dụng, tránh gây kích ứng da đầu hoặc các tác dụng phụ không mong muốn khác.