Phương pháp cắt thắng lưỡi là phương pháp dùng để điều trị tình trạng dính thắng lưỡi ở trẻ. Tuy nhiên cách chăm sóc bé sau khi cắt thắng lưỡi như thế, bạn có thể tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Tìm hiểu về dính thắng lưỡi - dị tật bẩm sinh ở trẻ
Theo thống kê, có khoảng 4 - 5% trẻ sơ sinh mắc phải tật dính thắng lưỡi ở trẻ em. Tình trạng này thường được phát hiện ngay trong tháng đầu sau sinh khi cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ hoặc tiêm chủng. Một số trường hợp phát hiện muộn hơn chỉ khi cha mẹ thấy trẻ có các dấu hiệu như: khó khăn khi bú, khó phát âm, chậm lên cân.
Dính thắng lưỡi được chia làm 2 mức độ:
- Dính thắng lưỡi nhiều (dính thắng lưỡi hoàn toàn).
- Dính thắng lưỡi nhẹ (dính thắng lưỡi một phần).
2. Vì sao cần cắt thắng lưỡi? Phương pháp điều trị
2.1. Vì sao cần cắt thắng lưỡi cho trẻ?
Tuy là một dị tật bẩm sinh nhẹ, không nguy hiểm nhưng nếu không xử trí kịp thời thì dính thắng lưỡi sẽ gây ra một số ảnh hưởng như sau:
- Ảnh hưởng đến thể chất: Gây ảnh hưởng đến khả năng bú nuốt của trẻ, khiến trẻ ăn uống khó khăn, dễ gây biếng ăn, chậm phát triển so với bạn bè đồng trang lứa.
- Ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ: Khi trẻ bước vào giai đoạn tập nói, tật dính thắng lưỡi sẽ ảnh hưởng đến việc phát âm của trẻ, gây khó nói, trẻ nói ngọng, chậm nói.
- Ảnh hưởng đến thẩm mỹ: Tật dính thắng lưỡi có thể đẩy răng cửa ở hàm dưới nghiêng, xô lệch gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của răng miệng.
2.2. Phương pháp điều trị dính thắng lưỡi
Hiện nay, dính thắng lưỡi có thể xử lý thông qua phương pháp cắt dây thắng lưỡi. Bác sĩ sẽ thăm khám, đánh giá mức độ dính thắng lưỡi của trẻ để xác định mức độ cần thiết của thủ thuật.
Đối với trẻ được chỉ định cắt thắng lưỡi, tùy theo độ tuổi thì kỹ thuật này sẽ được áp dụng khác nhau:
- Với trẻ dưới 3 tháng tuổi: Đầu trẻ được giữ cố định, được bôi hoặc tiêm thuốc tê rồi dùng dao điện cắt thắng lưỡi. Trẻ có thể được bú ngay sau khi thực hiện thủ thuật.
- Với trẻ lớn hơn 3 tháng tuổi: Trẻ có thể được gây tê hay gây mê, dùng máy cắt đốt hay dao mổ để cắt thắng lưỡi, sau đó khâu lại và chờ vết thương lành sau vài tuần.
Ưu điểm của phương pháp cắt thắng lưỡi bằng dao đốt điện:
- Thời gian thực hiện thủ thuật nhanh, chỉ từ 5 - 10 phút.
- Chảy máu rất ít hoặc không chảy máu.
- Sau khi thực hiện thủ thuật, trẻ có thể ra viện ngay và ăn bú bình thường ngay sau đó.
Bên cạnh những ưu điểm thì đốt thắng lưỡi cũng có thể có những nguy cơ như:
- Chảy máu tại vết cắt thắng lưỡi.
- Nhiễm trùng ở vết cắt thắng lưỡi.
- Tái dính thắng lưỡi nếu chưa cắt hoàn toàn phần dính.
3. Hướng dẫn cách chăm sóc bé sau khi cắt thắng lưỡi
Thông thường, sau khi phẫu thuật chỗ cắt dính lưỡi của trẻ thường có vết màu trắng. Đây là diễn biến bình thường nên các bậc cha mẹ không cần quá lo lắng. Hiện tượng này sẽ dần hết và vết thương sẽ lành sau 1 vài tuần.
Dưới đây là một số gợi ý cách chăm sóc bé sau cắt thắng lưỡi cha mẹ nên biết:
- Cần chú ý theo dõi trẻ, không cho trẻ ngậm hay cắn các vật cứng để tránh chạm vào vết thương gây chảy máu. Không cho trẻ sờ, chạm vào vùng phẫu thuật để tránh nhiễm trùng.
- Về chế độ dinh dưỡng, đối với trẻ nhỏ nên cho trẻ bú mẹ hoặc ăn thức ăn mềm, lỏng và nguội. Trẻ lớn hơn thì ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, tránh vị chua, cay, nóng.
- Khi vết thương lành, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ tập vận động lưỡi (uốn lưỡi lên trên, thò lưỡi ra ngoài). Các động tác này sẽ giúp lưỡi di động tốt hơn.
- Mỗi ngày cần vệ sinh miệng cho trẻ thường xuyên sau khi ăn và tập vận động lưỡi. Nên cho trẻ uống nhiều nước để giúp làm sạch miệng.
Bài viết đã cung cấp cho các bậc phụ huynh các thông tin cơ bản về tật dính thắng lưỡi, cách chăm sóc trẻ sau cắt thắng lưỡi. Nếu có thắc mắc hoặc gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa nhi để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.