Méo miệng là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau, thường gặp nhất do liệt dây thần kinh số VII. Méo miệng ảnh hưởng lớn đến việc ăn uống, phát âm, sinh hoạt cũng như thẩm mỹ của bệnh nhân. Trong Y Học Cổ Truyền, bấm huyệt chữa méo miệng là phương pháp thường được áp dụng trong điều trị bệnh lý này.
1. Các nguyên nhân gây méo miệng
1.1. Liệt dây thần kinh VII ngoại vi
Đông Y gọi chứng méo miệng, liệt mặt ngoại vi là khẩu nhãn oa tà, hình thành do tổn thương thực thể tại chỗ hoặc do sự suy yếu các tạng phủ. Ba chứng trạng chủ yếu của bệnh là phong hàn, phong nhiệt và huyết ứ.
Cảm nhiễm phong hàn, phong nhiệt hay chấn thương khiến cho sự vận hành kinh mạch bị bế tắc, gây ra tình trạng liệt mặt. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là khuôn mặt mất cân đối, miệng méo, nhân trung bị kéo về bên lành, mất nếp nhăn rãnh mũi bên bị liệt,... ảnh hưởng hoạt động nhai, nuốt của bệnh nhân.
Một điểm đáng lưu ý khác là mắt bên liệt của bệnh nhân không thể nhắm kín hoàn toàn. Ngoài ra, liệt dây thần kinh VII còn làm giảm vận động một bên cơ mặt. Các biểu hiện khác có thể gặp ở bệnh nhân liệt mặt là rối loạn cảm giác, rối loạn phản xạ, rối loạn vận mạch, không kiểm soát được tuyến nước bọt, tuyến lệ, mất vị giác,...
Việc phối hợp giữa Y Học Hiện Đại và Y Học Cổ Truyền đem lại hiệu quả cao trong điều trị liệt dây thần kinh VII ngoại biên. Các phương pháp Y Học Cổ Truyền hiệu quả có thể kể đến là: Bấm huyệt, châm cứu, vật lý trị liệu,...
1.2. Tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não (Đột quỵ) là tình trạng tổn thương não bộ do sự gián đoạn đột ngột máu đến não, khiến cho não thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Đây là bệnh lý nguy hiểm cần được cấp cứu càng nhanh càng tốt, nếu không có thể để lại nhiều di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.
Biểu hiện lâm sàng của tai biến mạch máu não rất đa dạng, bệnh nhân có thể khởi phát với các triệu chứng đột ngột như méo miệng, đau đầu, chóng mặt, nói khó, yếu chi, hôn mê, rối loạn tiểu tiện,... Nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân có thể giảm thiểu được các biến chứng nghiêm trọng nhờ can thiệp kịp thời bằng các phương tiện Y Học Hiện Đại.
Nhiều bệnh nhân tai biến mạch máu não phải chịu các di chứng kéo dài của bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Việc chăm sóc và điều trị trong giai đoạn này đòi hỏi sự cố gắng và kiên trì của cả bệnh nhân và gia đình. Bên cạnh việc kiểm soát nguyên nhân, kiểm soát bệnh lý kèm theo (như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường,...), bệnh nhân có thể được điều trị hỗ trợ bằng các phương pháp Y Học Cổ Truyền như bấm huyệt, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng,...
2. Các phương pháp Y học cổ truyền hỗ trợ điều trị méo miệng
- Xoa bóp, bấm huyệt: Các động tác xoa, xát, miết, day, bóp, lăn,... tại từng vùng, rồi day, ấn các huyệt đạo tương ứng được áp dụng ở bệnh nhân méo miệng, liệt mặt giúp tăng khả năng phục hồi của bệnh nhân.
- Châm cứu: Các hình thức châm cứu như thể châm, điện châm,... giúp kích thích các huyệt đạo bằng kim châm và phục hồi chức năng sau tai biến. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý thực hiện phương pháp này vì các nguy cơ có thể xảy ra.
- Các phương pháp khác: Cấy chỉ, dưỡng sinh hay dược liệu,... mỗi phương pháp sẽ có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp này để điều trị phục hồi tai biến cho bệnh nhân.
3. Tác dụng của liệu pháp bấm huyệt
Bấm huyệt là một phương pháp điều trị được áp dụng rộng rãi trong Y Học Cổ Truyền. Đối với bệnh nhân méo miệng, bấm huyệt cũng tỏ ra nhiều ưu điểm:
- Tim mạch: Điều hòa huyết áp, ổn định nhịp tim, cải thiện lưu thông tuần hoàn,...
- Thần kinh: Thư giãn thần kinh, cải thiện trí nhớ, hỗ trợ giấc ngủ,...
- Cơ xương khớp: Giảm đau xương khớp, kích thích gân cơ,...
- Miễn dịch: Nâng cao thể trạng, sức đề kháng,...
- Các cơ quan khác: Bổ khí huyết, cân bằng rối loạn chức năng tạng phủ (can, thận,...)
4. Cách bấm huyệt chữa méo miệng do liệt dây thần kinh VII ngoại biên
4.1. Miết, xoa bóp
Bệnh nhân ngồi trên ghế hoặc nằm thoải mái, thả lỏng người, dùng ngón tay trỏ miết từ huyệt Toản Trúc đến huyệt Nghinh Hương, lặp lại 10 lần. Tiếp theo, tiến hành miết từ huyệt Toản Trúc đến huyệt Ty Trúc không, lặp lại 10 lần như vậy. Sau đó, miết từ huyệt Thừa Tương qua huyệt Hạ Địa Thương, huyệt Giảo Cơ, huyệt Địa Thương, rồi đến huyệt Quyền Liêu, lặp lại 20 lần.
Cuối cùng dùng 5 đầu ngón tay và lòng bàn tay thực hiện day và xoa nhẹ toàn bộ vùng mặt bị liệt. Động tác được tiến hành theo chiều kim đồng hồ (trên xuống dưới, trong ra ngoài) và ngược lại.
4.2. Phương pháp đẩy
Bệnh nhân ngồi trên ghế, thả lỏng người, tay bên nào đặt vào mặt bên đó. Ví dụ, bệnh nhân bị liệt mặt bên trái thì đặt gốc của bàn tay trái dưới huyệt Thừa Tương, các đầu ngón tay để phía trên huyệt Ấn Đường ở đường thẳng chia đôi mặt, vừa đẩy vừa miết bàn tay trái nhẹ nhàng tới khi gốc bàn tay trái gặp đường giữa phía trên trán, đồng thời miết nhẹ bàn tay phải đến khi gặp huyệt thừa tương, lặp lại động tác 20 - 30 lần.
4.3. Bấm các huyệt
Bấm huyệt là một trong những cách trị méo miệng tại nhà được nhiều bệnh nhân sử dụng. Bệnh nhân có thể tự bấm huyệt hoặc dưới sự hỗ trợ của người chăm sóc, sử dụng ngón tay cái làm trụ, các ngón tay còn lại làm nền. Tiến hành bấm các huyệt lần lượt như sau: Huyệt Tình Minh, huyệt Ấn Đường, huyệt Toản Trúc, huyệt Ngư Yêu, huyệt Ty Trúc không, huyệt Đồng Tử Liêu, huyệt Nghinh Hương, huyệt Hạ Quan, huyệt Giáp Xa, huyệt Quyền Liêu, huyệt Địa Thương, huyệt Thái Dương, huyệt Phong Trì, huyệt Ế Phong, huyệt Giảo Cơ, huyệt Hạ Địa Thương, huyệt Thừa Tương. Day bấm mỗi huyệt 2 phút, thực hiện động tác chậm, nhẹ nhàng và thấm sâu.
4.4. Phương pháp vận động
Bệnh nhân ngồi ở tư thế thoải mái, thả lỏng người. Dùng hai ngón cái giữ chặt góc hàm dưới huyệt quyền liêu, các ngón tay còn lại đan vào nhau đặt ở dưới hàm hoặc ôm lên đầu, sau đó từ từ há miệng ngáp ít nhất 10 cái. Bệnh nhân bắt đầu tập phương pháp này có thể hơi đau cơ vùng hàm, nhưng lại rất tốt trong việc điều chỉnh sự teo nhão, chảy xệ cơ mặt.
Tiếp đến, bệnh nhân khép chặt môi rồi lấy hơi từ từ và thổi đầy lên miệng, bệnh nhân tự điều chỉnh sao cho hơi chạy quanh miệng, thỉnh thoảng ép hơi sang bên liệt, động tác này thực hiện trong 10 phút.
Các phương pháp vận động khác hỗ trợ điều trị méo miệng:
- Tập phát âm chữ O, U, I hàng ngày, khuyến khích tập càng nhiều càng tốt.
- Tập ăn uống, nhai kẹo cao su bằng bên liệt nhằm kích thích thần kinh cơ.
5. Bấm huyệt chữa méo miệng do tai biến mạch máu não
Cần nhấn mạnh lại rằng, tai biến mạch máu não là một bệnh lý nguy hiểm cần được cấp cứu và can thiệp bằng các phương pháp, kỹ thuật Tây y hiện đại. Tuy nhiên, sau khi qua khỏi giai đoạn cấp tính nguy hiểm, tai biến mạch máu não có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân sau này, và méo miệng là một trong những di chứng đó. Việc phối hợp các phương pháp Y Học Cổ Truyền như bấm huyệt cải thiện đáng kể tình trạng trên, giúp bệnh nhân sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.
Bác sĩ Y Học Cổ Truyền có thể lựa chọn huyệt trên đường kinh Dương minh của bên liệt (Đại trường, Vị) giúp hỗ trợ phục hồi rối loạn chức năng sau tai biến. Bên cạnh đó, có thể phối hợp thêm các huyệt đạo khác ở xa theo đường kinh mạch, các huyệt đặc hiệu điều trị triệu chứng, hoặc chọn các huyệt theo giải phẫu (nguyên ủy, bám tận) của cơ yếu.
Liệu pháp bấm huyệt nên được thực hiện với một áp lực vừa phải, hợp lý. Tùy từng đối tượng và tình trạng bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp và cường độ kích thích phù hợp. Mỗi liệu trình điều trị thường kéo dài 15 - 30 ngày, mỗi ngày khoảng 30 phút. Sau mỗi đợt điều trị, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ đáp ứng của người bệnh và cân nhắc chỉ định các liệu trình tiếp theo.
6. Các lưu ý khi xoa bóp, bấm huyệt
- Có thể phối hợp với các phụ liệu như dầu, phấn để giảm sự đau rát khi thực hiện xoa bóp.
- Cắt móng tay gọn gàng, sạch sẽ để có thể thực hiện thao tác chính xác, đảm bảo sao cho lực tập trung vào đầu ngón tay mà không làm rách da.
- Có thể đặt một tấm vải mỏng hoặc khăn mềm lên trên vùng huyệt cần bấm huyệt, xoa bóp để tránh sự kích thích quá mức.
- Tốt nhất, người bệnh nên thực hiện liệu pháp bấm huyệt hay các phương pháp Y Học Cổ Truyền khác tại các cơ sở y tế uy tín. Nếu muốn tiến hành tại nhà cần phải có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
7. Chăm sóc bệnh nhân méo miệng liệt mặt
Sự nỗ lực của bệnh nhân và sự hỗ trợ, động viên tích cực của gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng đối với khả năng phục hồi của bệnh. Chăm sóc bệnh nhân méo miệng đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ của gia đình, người thân. Một số điểm cần chú ý khi chăm sóc bệnh nhân méo miệng:
- Tránh bụi hay dị vật làm tổn thương mắt, có thể nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
- Cần giữ ấm, tránh bị nhiễm lạnh. Tránh các yếu tố tác động, yếu tố nguy cơ làm khởi phát bệnh như: gió lạnh, va đập,... Không nên tập thể dục ở nơi có gió to, lạnh, cũng không nên tập vào sáng sớm hay tối muộn.
- Cần thực hiện chế độ nghỉ ngơi hợp lý, dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp với thể trạng bệnh nhân cũng như bệnh nền kèm theo.
- Cần kiểm soát bệnh lý nền ở mức ổn định như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu,...
- Tái khám định kỳ.
Tóm lại, méo miệng là một biểu hiện có thể gặp trong bệnh lý liệt dây thần kinh VII ngoại biên hay tai biến mạch máu não. Tùy nguyên nhân và mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp điều trị thích hợp. Phương pháp bấm huyệt có ý nghĩa to lớn trong việc cải thiện triệu chứng méo miệng ở bệnh nhân liệt mặt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.