Đứng trước một cuộc đẻ chuẩn bị xảy ra, người thầy thuốc cũng như những nhân viên y tế cần phải hỏi bệnh, thăm khám và theo dõi chặt chẽ quá trình chuyển dạ để xác định các yếu tố đánh giá cuộc đẻ thường, từ đó có cơ sở để đánh giá cuộc đẻ cũng như phát hiện những bất thường để kịp thời xử trí.
1. Chuyển dạ
Chuyển dạ được định nghĩa là quá trình kết thúc thời kỳ thai nghén, đưa thai nhi và rau thai ra khỏi buồng tử cung qua đường âm đạo. Chuyển dạ đẻ thường xảy ra sau thời kỳ thai nghén từ 37 đến 41 tuần, và trung bình là 40 tuần. Chuyển dạ thực sự thường bị nhầm lẫn với chuyển dạ giả hay còn gọi là tiền chuyển dạ vào thời kỳ trước khi kết thúc thai nghén vài tuần với các triệu chứng của chuyển dạ giả như: tiểu nhiều lần, tăng sự tiết dịch âm đạo, sụt bụng do ngôi thai đi vào tiểu khung, có cơn co tử cung nhẹ và thưa, không đau rõ ràng, cổ tử cung xóa mở 1 phần, đau khớp vùng chậu.
5 yếu tố chuyển dạ bao gồm:
- Cơn co tử cung gây đau bụng xuất hiện tăng dần, và kéo dài hơn, thay đổi từ thưa đến nhanh với tần số khoảng 3 cơn/10 phút, mỗi cơn co tử cung kéo dài trên 20 giây.
- Ra dịch nhầy ở âm đạo.
- Cổ tử cung xóa gần hết hoặc hết, mở trên 2cm.
- Có sự thành lập đầu ối, cực dưới túi ối dãn dần do những cơn co tử cung xảy ra đã làm nước ối dồn xuống tạo nên đầu ối.
- Có sự tiến triển của ngôi thai sau từng cơn co tử cung xảy ra.
Các giai đoạn của chuyển dạ bao gồm:
- Giai đoạn 1: ở giai đoạn này cổ tử cung của thai phụ mở, có thể mở đến 10cm. Ở giai đoạn này, bao gồm 2 pha là pha tiềm tàng và pha tích cực. Pha tiềm tàng thường thì cổ tử cung mở từ 0 đến 3cm, tiến triển chậm và diễn ra trong khoảng thời gian là 8 giờ đồng hồ. Pha tích cực thì cổ tử cung sẽ mở từ 3cm đến 10cm, cổ tử cung tiến triển rất nhanh, trong thời gian là 7 giờ với mỗi giờ cổ tử cung mở được 1cm.
- Giai đoạn 2: được gọi là giai đoạn sổ thai, diễn ra từ khi cổ tử cung mở hết làm ngôi lọt cho đến khi thai sổ ra bên ngoài, với khoảng thời gian là 30 phút cho đến 1 giờ.
- Giai đoạn 3: là giai đoạn sổ rau, từ khi sổ thai đến khi sổ rau, thời gian khoảng 15 phút đến 30 phút.
2. Đánh giá cuộc đẻ
Để đánh giá cuộc đẻ một cách kỹ càng và chính xác, cần dựa vào những yếu tố sau:
2.1 Cơn co tử cung
Cơn co tử cung nếu diễn ra nhịp nhàng, đều đặn và thích hợp với độ xóa mở của cổ tử cung thì tiên lượng cuộc đẻ sẽ tốt. Tần số tự nhiên của cơn co tử cung như sau:
- Giai đoạn tiềm tàng: 2-3 cơn/10 phút
- Giai đoạn cổ tử cung mở 5-6cm: 3-5 cơn/10 phút.
- Giai đoạn cổ tử cung mở hết và sản phụ đang rặn đẻ: 4-6 cơn/10 phút.
Nếu cơn co tử cung diễn ra không đều, quá mạnh thì dễ dẫn đến suy thai, rau bong non, vỡ tử cung. Hoặc nếu cơn co tử cung quá yếu thì cuộc đẻ sẽ bị kéo dài, cũng dễ dẫn đến suy thai, chảy máu sau đẻ vì hiện tượng đờ tử cung hay nhiễm trùng hậu sản.
2.2 Độ xóa, mở của cổ tử cung
Cổ tử cung hướng trung gian, có trục trùng với âm đạo thì đánh giá cuộc đẻ sẽ là tốt, ngược lại nếu cổ tử cung hướng chúc sau thì sẽ không tốt.
Mật độ của cổ tử cung mềm sẽ tốt, và nếu quá chắc thì sẽ khó hơn vì xóa mở cổ tử cung sẽ gặp khó khăn.
Mức độ xóa mở cổ tử cung càng lớn thì càng thuận lợi cho cuộc đẻ.
2.3 Tình trạng thai nhi và sự tiến triển của ngôi thai
Nếu trường hợp đa thai xảy ra thì chuyển dạ sẽ bị kéo dài, có thể dẫn đến chảy máu sau sinh và gây sang chấn cho bà mẹ.
Nếu ngôi thai là ngôi chỏm, ngôi mông thai nhỏ, ngôi mặt cằm trước thì có thể sinh thường. Nếu kiểu thế ngang thì chuyển dạ sẽ kéo dài, chảy máu sau sinh, và có thể phải can thiệp đẻ bằng một số dụng cụ.
Nếu thai to với trọng lượng hơn 3500g thì sẽ đẻ khó, tức là chuyển dạ sẽ kéo dài, cơn co cường tính, suy thai, dọa vỡ tử cung, rau bong non, hỗ trợ sinh bằng dụng cụ, chảy máu sau sinh.
Nếu tim thai đều thì đánh giá cuộc đẻ là tốt, ngược lại nếu có những bất thường tim thai như nhịp phẳng, DIP I, DIP II, DIP III thì cần theo dõi, đánh giá cuộc đẻ để phát hiện tình trạng thai suy kịp thời.
2.4 Sự tương ứng giữa thai nhi và khung chậu
Đánh giá khung chậu của thai phụ qua các móc giải phẫu là eo trên, eo giữa và eo dưới.
Khi khám ngoài thì khảo sát số khoát ngón tay đối với xương vệ, mỏm vai.
Khám trong thì dùng phương pháp Farabeuf cũng như phương pháp thước thợ để đánh giá độ lọt
3. Các yếu tố đánh giá một cuộc đẻ thường
- Mẹ bình thường, không mắc những bệnh lý cấp và mạn tính, mẹ không có dị tật trên người cũng như không mang những di chứng bệnh tật ở đường sinh dục cũng như toàn bộ cơ thể. Mẹ không có tiền sử đẻ khó, băng huyết sau sinh.
- Không có bất thường gì trong suốt quá trình mang thai lần này.
- Tuổi thai từ 38 đến 41 tuần.
- Là đơn thai, ngôi chỏm.
- Chuyển dạ tự nhiên.
- Cơn co tử cung xảy ra bình thường, tương xứng với quá trình chuyển dạ.
- Nhịp tim thai ổn định, dao động bình thường.
- Ối bình thường, không đa ối, thiểu ối, vỡ ối non và sớm, nước ối không phân su, không máu.
- Thời gian chuyển dạ không kéo dài, trung bình từ 16 đến 18 giờ.
- Ngôi thai tiến triển tốt.
- Thời gian rặn đẻ không quá 1 tiếng.
- Thai sổ tự nhiên không cần can thiệp phương pháp hay dụng cụ đặc biệt nào.
- Thai sinh ra cân nặng trên 2500g, chỉ số Apgar phút đầu trên 8 điểm.
- Số rau bình thường, trong và sau khi sổ rau không có hiện tượng băng huyết và sót rau.
4. Chỉ định mổ lấy thai
Những yếu tố tiên lượng cuộc chuyển dạ bất thường như:
- Người mẹ chảy máu trong quá trình mang thai, đặc biệt chảy nhiều hơn trong quá trình chuyển dạ. Mẹ mắc những bệnh lý tim, phổi, gan, thiếu máu, cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật, nhiễm khuẩn... Mẹ trong độ tuổi trước 18 hay trên 35 đẻ con so hoặc trên 40 tuổi đẻ con rạ. Khoảng cách giữa 2 lần đẻ liên tiếp là dưới 2 năm và đẻ hơn 4 lần. Trước đây, mẹ cũng có tiền sử điều trị vô sinh, sảy thai liên tiếp. Tình trạng sức khỏe tâm lý không tốt. Trước đây từng đẻ mổ, Forceps, giác hút gây băng huyết.
- Đầu ốc phồng, màng ối dày. Ối vỡ non, vỡ sớm, nước ối có phân su và máu, đa ối hay thiểu ối.
- Rau tiền đạo, rau bong non, dây rau ngắn, dài bất thường, sa dây rau hay dây rau thắt nút.
- Trong quá trình chuyển dạ, có xuất hiện cơn co tử cung bất thường như cơn co mạnh, nhanh, liên tục hoặc cơn co yếu. thưa và giảm hơn, có thể là rối loạn cơ co.
- Cổ tử cung dày, cứng, có thể phù nề làm mở chậm hay không mở ra thêm.
- Chuyển dạ kéo dài thời gian hơn so với biểu đồ chuyển dạ, pha tiềm tàng lên đến 8 giờ.
- Đầu thai nhi chởm vệ, không cúi, ngôi thai không tiến triển và có dấu hiệu chồng khớp sọ hay không lọt.
Khi có những dấu hiệu báo động cho tiên lượng xấu của một cuộc đẻ như trên, các bác sĩ sản khoa sẽ cân nhắc là đưa ra chỉ định mổ lấy thai, nhằm đưa thai và phần phụ của thai ra khỏi tử cung bằng đường rạch bụng, rạch tử cung. Chỉ định mổ lấy thai được thực hiện khi có dấu hiệu của chuyển dạ không an toàn, khi đó thai nhi được đưa ra ngoài mà không gây nên chuyển dạ và phương pháp này sẽ giúp bảo đảm được sự an toàn cho người mẹ và đứa trẻ trong tình trạng cuộc đẻ xấu.
Những yếu tố đánh giá cuộc đẻ sẽ được ghi nhận lên biểu đồ chuyển dạ, nhằm giúp nhân viên y tế theo dõi sát được chuyển dạ và cuộc đẻ. Từ đo, có thể phát hiện được những bất thường và có hướng xử trí phù hợp, thường là chỉ định mổ lấy thai.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện. Sản phụ sẽ không còn cô đơn khi bước vào cuộc chuyển dạ vì có người thân đồng hành giúp quá trình sinh con luôn mang đến sự an tâm và hạnh phúc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.