Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Thị Diễm Trang - Bác sĩ Nội hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Bệnh hen phế quản có thể xuất hiện ở bất kỳ ai mà không có nguyên nhân cụ thể nào, nhưng có rất nhiều yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Phòng tránh các yếu tố nguy cơ của bệnh rất cần thiết trong việc ngăn ngừa các triệu chứng hen phế quản bùng phát.
1. Tổng quan bệnh hen phế quản
Hen phế quản là một căn bệnh mãn tính của hệ hô hấp. Khi xuất hiện cơn hen, lớp niêm mạc của ống phế quản sẽ sưng lên, viêm nhiễm và dễ bị kích ứng. Sự co thắt và viêm nhiễm sẽ làm các đường dẫn khí thu hẹp lại, từ đó giảm lưu lượng không khí ra vào phổi. Khi tình trạng phù nề trở nên nghiêm trọng, đường dẫn khí sẽ ngày càng thu hẹp vào. Lúc này người bệnh sẽ phải đối diện với tình trạng khò khè và khó thở vô cùng khó chịu.
Các triệu chứng của bệnh hen phế quản rất đa dạng. Sau đây là các triệu chứng phổ biến nhất đối với những người bị bệnh hen phế quản:
- Ho, đặc biệt là vào ban đêm: Ho có thể xuất phát từ các bệnh về nhiễm khuẩn xoang mũi, cảm lạnh... nhưng nếu tình trạng kéo dài, các cơn ho xuất hiện chủ yếu vào ban đêm do đường thở bị thu hẹp thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh hen phế quản.
- Thở khò khè: Đây được coi là dấu hiệu điển hình của bệnh hen suyễn. Không khí đi qua phổi bị cản trở bởi ống phế quản bị phù nề sẽ tạo nên âm thanh khò khè. Người bệnh dễ bị khò khè khi trời trở lạnh.
- Khó thở: Vì đường thở bị thu hẹp gây ra hiện tượng khó thở cho người bệnh.
- Đau thắt ngực, đau hoặc áp lực: Người bệnh cảm thấy như có vật gì đè nặng hoặc siết chặt ở lồng ngực.
- Hơi thở rất nhanh và gấp: Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh hen phế quản. Triệu chứng này sẽ nặng hơn khi người bệnh vận động quá sức...
2. Các yếu tố nguy cơ của hen phế quản
- Giới tính và bệnh hen phế quản
Hen phế quản ở trẻ nhỏ dễ xuất hiện ở bé trai hơn bé gái vì ống khí quản của bé trai nhỏ hơn bé gái. Điều này góp phần gia tăng triệu chứng thở khò khè sau cảm hay các loại viêm nhiễm lây truyền khác. Tỷ lệ mắc bệnh hen phế quản giữa nam giới và phụ nữ ở độ tuổi 20 đều ngang bằng nhau. Tuy nhiên, vào tuổi 40, phụ nữ dễ mắc bệnh hen phế quản hơn nam giới.
- Tiền sử gia đình
Nếu bố hay mẹ mắc bệnh hen phế quản thì nguy cơ của hen phế quản ở bạn cao gấp 3 đến 6 lần so với người bình thường. Thực tế, 3/5 bệnh nhân hen phế quản đều do di truyền.
- Viêm da Atopy và bệnh hen suyễn
Viêm da Atopy có khuynh hướng phát triển bệnh chàm, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng và hen phế quản. Viêm da Atopy làm cho độ nhạy cảm với các chất dị ứng phổ biến tăng cao, đặc biệt là những loại thực phẩm hàng ngày và không khí.
- Dị ứng liên quan đến hen phế quản
Dị ứng và hen phế quản thường tồn tại song song. Các chất dị ứng thường dễ gây hen phế quản. Một nghiên cứu cho thấy, mức độ các chất độc khuẩn gọi là nội độc tố, trực tiếp gây các triệu chứng hen phế quản. Các chất gây dị ứng như lông chó và mèo, bụi bẩn, gián và nấm mốc... là những yếu tố bên ngoài, kích thích hen phế quản khởi phát.
- Yếu tố môi trường và bệnh hen phế quản
Ô nhiễm không khí như khói thuốc, nấm mốc và khói độc hại từ việc lau chùi và sơn nhà cửa có thể gây dị ứng và bệnh hen phế quản. Đồng thời, các nhân tố môi trường như ô nhiễm, khi sulfur, khí NO2, nhiệt độ lạnh và độ ẩm cao đều có nguy cơ gây hen phế quản.
Khí ozone, khí sulfur, khí ga là các chất ô nhiễm khiến những người có nguy cơ mắc hen suyễn phế quản dễ bị thở khò khè, khó thở và cảm sốt.
Khí hậu thay đổi còn có thể gây hen phế quản ở một số người. Khí lạnh gây tắc nghẽn ống khí quản và tăng sự sản sinh chất nhầy. Gia tăng độ ẩm còn có thể gây khó thở đối với nhiều người.
- Khói thuốc lá
Khói thuốc làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh hen phế quản. Ngoài ra, chúng còn gây hen phế quản ở người trẻ tuổi. Hút thuốc khi còn trẻ cũng dễ gây hen phế quản. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hít phải khói thuốc sẽ gặp phải các triệu chứng hen phế quản nghiêm trọng.
- Yếu tố béo phì và bệnh hen phế quản
Một vài nghiên cứu cho thấy, hen phế quản phổ biến với người béo phì hơn. Thừa cân gây khó khăn trong việc kiểm soát hen phế quản và làm giảm hiệu quả của các loại thuốc hen phế quản khi người bệnh sử dụng.
- Hen phế quản khi mang thai
Hút thuốc trong quá trình mang thai làm giảm chức năng phổi với trẻ sơ sinh. Sinh non cũng là nguyên làm gia tăng nguy cơ mắc hen phế quản ở trẻ nhỏ.
Ngoài việc cẩn trọng trước các yếu tố nguy cơ của hen phế quản khi mang thai, bạn nên thăm khám bác sĩ thường xuyên để được chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời. Tùy vào tình trạng của mỗi người, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị thích hợp.
3. Phòng ngừa hen phế quản
- Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường: Không khí ngày càng trở nên ô nhiễm và độc hại là nguyên nhân hen phế quản gia tăng. Vì vậy một biện pháp an toàn, dễ dàng sử dụng và không tốn kém được khuyên dùng cho bạn đó là luôn đeo khẩu trang khi ra đường.
- Giữ ấm cơ thể: Tác nhân dễ khiến bạn mắc phải những đợt hen phế quản cấp và các bệnh đường hô hấp khác chính là không khí lạnh. Chính vì vậy mỗi khi thời tiết giao mùa hoặc trở rét bạn nên giữ ấm cơ thể.
- Kiêng ăn các loại thực phẩm gây dị ứng: Đối với bệnh hen phế quản cũng như các bệnh lý khác, một số nhóm thực phẩm không được khuyên dùng cho người bệnh vì có thể xảy ra các phản ứng hóa học bất lợi khi tương tác với thuốc hoặc các tác nhân gây bệnh khác.
- Thận trọng khi dùng thuốc: Nguyên tắc khi dùng thuốc để điều trị đối với bất kỳ một bệnh lý nào cũng là tuân thủ đúng phác đồ mà bác sĩ đã đặt ra cho người bệnh. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và sử dụng sai thời gian cũng như liều dùng, nhằm tránh các hậu quả và biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra đối với sức khỏe và tính mạng của người dùng. Không nên sử dụng Aspirin; Nếu cần dùng, nên chọn nhóm Acetaminophen. Khi đi khám bệnh khác hoặc mua thuốc cần khai rõ bản thân bị bệnh hen suyễn.
- Tránh hóa chất và mùi lạ: Không để có mùi nồng gắt trong nhà, Không đốt nhang, Không sử dụng các vật dụng có mùi. Khi bệnh nhân hen ở nhà không nên sử dụng chất tẩy mạnh, phun thuốc diệt côn trùng, sơn, hoặc nấu thức ăn có mùi gắt. Làm sạch nhà trước khi bệnh nhân hen về
- Tránh xa khói thuốc: Thuốc lá có rất nhiều chất độc hại và gây ảnh hưởng đến người trực tiếp hút và người không may hít phải khói thuốc. Điều này sẽ càng trầm trọng hơn nếu như bạn là một người có tiền sử hen phế quản. Một số hóa chất trong khói thuốc gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp, vì vậy cơn hen của bạn có thể tái phát và trở nặng hơn.
Tránh tiếp xúc với lông của vật nuôi: Chó, mèo, chim cảnh... là thú cưng của rất nhiều người. Tuy nhiên đối với bệnh nhân hen phế quản thì nên giữ một khoảng cách an toàn với chúng nhằm tránh lông của vật nuôi đi vào trong đường hô hấp. Vẩy da hay các tế bào chết của chúng cũng là một trong số những dị nguyên thường gặp gây đợt kịch phát của hen suyễn cấp. Vì vậy, người bị hen: Không nên nuôi thú vật trong nhà. Nếu có nuôi thì không nên để thú nuôi trong nhà, tắm cho vật nuôi hàng tuần. Tránh tiếp xúc với những vật nuôi của người khác, nếu phải tiếp xúc thì phải dùng thuốc cắt cơn trước đó. Tránh vật dụng làm bằng lông thú.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City hiện có Gói tầm soát hen phế quản giúp tầm soát phát hiện bệnh sớm để kịp thời kiểm soát, điều trị bệnh và thực hiện khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh, đo chức năng hô hấp, khám tai mũi họng, sàng lọc hen phế quản.
Khi đăng ký gói tầm soát hen phế quản, khách hàng sẽ được:
- 01 lần khám có đặt hẹn trước với bác sĩ chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng
- 01 lần thực hiện các xét nghiệm tầm soát:
- Đo chức năng hô hấp
- Đo FeNo
- Nội soi tai mũi họng
- Xét nghiệm dị nguyên
Bác sĩ Trần Thị Diễm Trang đã có hơn 10 năm kinh nghiệm về điều trị các bệnh lý về Hô hấp. Bác sĩ từng giữ vị trí quan trọng tại phòng khám suyễn bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trước khi công tác tại khoa Nội chung – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park như hiện nay.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.