Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào là cách tốt nhất giúp trẻ có tiền đề phát triển vững chắc. Người mẹ có thể sử dụng các yếu tố giúp tăng tiết sữa mẹ sau đây để có sữa cho con bú hiệu quả.
Dưới đây là những cách giúp mẹ nhiều sữa bạn có thể tham khảo:
1. Cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt
Động tác mút sữa của con sẽ giúp tăng tiết sữa mẹ. Ngay cả khi mẹ chưa có sữa vẫn nên cho trẻ bú để gọi sữa về nhanh và giúp trẻ bú được lượng sữa non đầu tiên vô cùng quý giá. Trẻ càng bú nhiều, lượng sữa mẹ về càng nhiều do sữa mẹ được bài tiết theo cơ chế phản xạ. Khi trẻ bú, xung động cảm giác sẽ truyền từ vú lên não, não sẽ kích thích tuyến yên sản xuất ra hormon prolactin và oxytocin. Trong đó,
Prolactin giúp kích thích các tế bào tiết sữa sản xuất ra sữa, tăng phản xạ tạo sữa
Oxytonic giúp co các cơ xung quanh nang sữa để dẫn sữa ra núm vú, tăng phản xạ tống sữa .
Ngoài ra, khi cho con bú, người mẹ nên nghĩ về con bằng tình yêu thương, sự thoải mái. Tâm lý này giúp kích thích oxytocin, có lợi cho việc tiết sữa. Ngược lại, nếu mẹ cho con bú trong trạng thái tự ti, lo lắng, nghĩ sữa mình không tốt sẽ cản trở phản xạ này.
Lưu ý, cho trẻ bú theo nhu cầu, không nên hạn chế lượng bú của trẻ. Khi trẻ no trẻ sẽ tự nhả vú ra.
2. Làm trống bầu sữa sau khi cho con bú
Hút cạn bầu sữa là cách giúp mẹ nhiều sữa nhờ kích thích giúp lượt sữa tiếp theo mau về. Người mẹ nên cho con bú khoảng 20 - 30 phút/lần, tùy theo lực bú của trẻ. Trẻ có thể bị xao nhãng trong việc bú mẹ, vừa bú vừa chơi, ngó nghiêng xung quanh. Tốt nhất, mẹ nên cho trẻ bú ở nơi yên tĩnh, vắng người, không có ai nói chuyện, như vậy trẻ sẽ tập trung vào việc bú.
Mẹ nên cho con bú đúng cách, bú hết bầu này mới chuyển sang bầu khác để tận dụng hết nguồn sữa trong bầu ngực của mẹ. Nhất là khi lượng sữa cuối bầu chứa rất nhiều chất béo giúp trẻ tăng cân.
Nếu trẻ bú xong mà vẫn cảm thấy còn sữa trong ngực thì mẹ nên dùng máy hút sữa vắt hết ra. Có thể trữ đông lượng sữa này để dành cho bé dùng lần sau.
Nếu sữa mẹ quá ít không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ thì nên cho trẻ bú mẹ trước, khi đã bú kiệt cả hai bầu thì mới cho trẻ ăn thêm sữa công thức.
3. Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khoa học
Có rất nhiều thực phẩm giúp tăng tiết sữa mẹ như: đu đủ xanh, cháo, chè vừng đen, ngũ cốc, quả sung... Người mẹ có thể tăng cường các loại thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày.
Ngoài việc ăn gì để tăng chất lượng sữa mẹ, mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, đa dạng thực phẩm cũng rất quan trọng cho việc có lượng sữa dồi dào và đầy đủ chất, giúp trẻ mau lớn, khỏe mạnh. Người mẹ cần ăn đủ 4 nhóm chất: chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và các loại rau củ quả.
4. Uống nhiều nước mỗi ngày
Mỗi ngày, người mẹ nên uống khoảng từ 2 - 3 lít nước, bao gồm cả nước lọc, nước canh, nước hoa quả, sữa... Nên uống một cốc nước ấm trước khi cho con bú hoặc trước khi vắt sữa. Trước khi đi ngủ nên uống một ly sữa ấm. Ngoài ra, có thể uống các loại nước lợi sữa như: nước bồ công anh, nước chè vằng...
5. Giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái, ngủ đủ giấc
Tinh thần thoải mái, sức khỏe ổn định là điều kiện cần thiết để đảm bảo lượng sữa của mẹ. Như đã nói ở trẻ, tâm lý có thể ảnh hưởng đến phản xạ tống sữa. Mẹ càng vui vẻ, lạc quan lượng sữa càng nhiều và ngược lại.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.