Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Theo thống kê, bệnh nhân bị viêm gan B có virus HBV sẽ có nguy cơ phát triển thành ung thư biểu mô tế bào cao gấp 100 lần bình thường và là nguyên nhân ung thư gan hàng đầu hiện nay. Do vậy, đối với bệnh nhân chẩn đoán viêm gan B, để có thể theo dõi và điều trị một cách đầy đủ nhất thì các bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành các xét nghiệm theo dõi tổn thương gan ở người bệnh.
1. Bệnh viêm gan B là gì?
Lá gan có vai trò rất quan trọng trong chu trình hoạt động tổng thể sức khỏe con người, khi gan bị sưng hoặc tổn thương thì có thể sẽ không hoạt động được như bình thường và điều này có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh.
Viêm gan B là bệnh lý thể hiện sự nhiễm trùng ở gan do siêu vi viêm gan B gây ra, khiến cho gan bị sưng và tổn thương gan nghiêm trọng. Tại nhiều quốc gia, viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con chiếm tỷ lệ rất lớn. Đây cũng là nguyên nhân ung thư gan hàng đầu.
Rượu, bia, các chất kích thích và ma túy, siêu vi là những tác nhân có thể gây ra chứng viêm gan. Hiện nay, con người rất dễ mắc phải các bệnh viêm gan B hay viêm gan A, viêm gan C, mặc dù tên gọi và các loại siêu vi gây bệnh là khác nhau song chúng đều có một điểm chung là gây ra những tổn thương nhất định cho gan của người bệnh.
Bệnh viêm gan B tiến triển thành ung thư gan nhanh chóng nếu như người bệnh không phát hiện sớm và có phương án điều trị bệnh kịp thời.
2. Viêm gan B ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?
Bệnh viêm gan B được chia thành 2 loại là cấp tính và mãn tính. Ở người trưởng thành, hầu hết các bệnh nhân sau khi nhiễm siêu vi viêm gan B đều sẽ loại được siêu vi trong vòng 6 tháng và trở nên miễn nhiễm đối với siêu vi này, không thể mắc bệnh viêm gan B trở lại cũng không thể lây cho người khác - đây gọi là viêm gan B cấp tính. Tuy nhiên, khi thời gian nhiễm siêu vi kéo dài trên 6 tháng cũng đồng nghĩa với việc người bệnh đã bị viêm gan B mãn tính.
Theo một nghiên cứu thì có đến 90% trẻ em mắc phải bệnh viêm gan B sẽ bị nhiễm trùng mãn tính gây tổn thương gan, suy gan và đôi khi là nguyên nhân ung thư gan khi trưởng thành.
Độ tuổi nhiễm bệnh viêm gan B càng nhỏ thì nguy cơ tổn thương và tiến triển thành ung thư gan khi trưởng thành càng cao. Trường hợp bị viêm gan B mãn tính thì người bệnh cần phải đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm 1 lần để xác định mức độ tổn thương ở gan. Các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên tốt nhất về cách chăm sóc để kiểm soát tình trạng bệnh và có thể sống khỏe mạnh mà không bao giờ cần uống thuốc điều trị viêm gan B tiến triển.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp người mắc bệnh bị tổn thương gan nghiêm trọng, sức khỏe giảm sút, cơ thể mệt mỏi và bệnh viêm gan B tiến triển thành xơ gan, ung thư gan... do không theo dõi bệnh thường xuyên để có biện pháp can thiệp kịp thời.
3. Các xét nghiệm theo dõi tổn thương khi bị viêm gan B
Trên thực tế, đa số những người mắc bệnh viêm gan B mãn tính đều không thấy xuất hiện triệu chứng dù cho có thể đã mắc xơ gan do viêm gan B hoặc ung thư gan giai đoạn đầu. Chính vì thế, khi theo dõi tổn thương gan ở người viêm gan B thì cần phải kiểm tra các dấu hiệu viêm gan, tổn thương ở mức độ nào cũng như đánh giá tình trạng hoạt động hay phát triển của virus. Một số các xét nghiệm cần phải tiến hành để theo dõi tổn thương gan khi bị viêm gan B bao gồm:
3.1 Xét nghiệm men gan (ALT)
Xét nghiệm này cần được thực hiện 6 tháng một lần, đây là một trong những xét nghiệm cần thiết và không mất nhiều chi phí nên người bệnh có thể yên tâm thực hiện.
Mục tiêu của xét nghiệm men gan là để đánh giá xem tình trạng của bệnh nhân có cần phải sử dụng thuốc điều trị hay không. Nếu như chỉ số ALT tăng cao thì chứng tỏ gan đã bị tổn thương và cần phải dùng thuốc để kiểm soát tình trạng này. Còn nếu như chỉ số ALT bình thường thì người bệnh có thể không cần phải làm thêm các xét nghiệm khác, trừ khi có biểu hiện của xơ gan do viêm gan B hoặc đang sử dụng hóa chất điều trị bệnh ung thư.
3.2 Xét nghiệm tải lượng virus bằng PCR (xét nghiệm HBV DNA)
Đây là xét nghiệm giúp đo tải lượng virus trong máu của người bệnh viêm gan B. Người bệnh nên tiến hành xét nghiệm PCR ngay khi bắt đầu được chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan B. Trong trường hợp bệnh nhân có chỉ số ALT cao thì xét nghiệm này sẽ giúp khẳng định tổn thương gan có phải do virus viêm gan B gây ra hay không. Tuy nhiên, nếu tải lượng virus giảm hoặc giảm xuống dưới ngưỡng phát hiện thì chứng tỏ cơ thể người bệnh đã đáp ứng điều trị tốt.
Theo lời khuyên của bác sĩ thì bệnh nhân viêm gan B nên thực hiện xét nghiệm tải lượng virus PRC khoảng 6 -12 tháng/lần để giúp đánh giá hiệu quả điều trị bệnh và phát hiện sớm kháng thuốc (nếu có).
3.3 Xét nghiệm HBeAg và anti-HBe
Xét nghiệm HBeAg sẽ cần thực hiện sau khi người bệnh được chẩn đoán viêm gan B mạn tính. HBeAg là dấu ấn đánh có thể giúp giá mức độ hoạt động của virus và gián tiếp phản ánh kết quả tải lượng virus trong máu người bệnh.
Trường hợp xét nghiệm mà kết quả HBeAg dương tính thì người bệnh nên xét nghiệm lại hàng năm để có thể theo dõi hoạt động của virus. Nếu có hiện tượng chuyển đổi HBeAg từ dương tính sang âm tính và xuất hiện anti-HBe thì chứng tỏ cơ thể đã đáp ứng điều trị tốt, tuy nhiên trường hợp này chỉ xảy ra với bệnh nhân đã điều trị nhiều năm.
Mặc dù xuất hiện anti-HBe nhưng cũng không có nghĩa là bệnh nhân đã khỏi bệnh viêm gan B hoàn toàn và không cần tiếp tục điều trị, bởi thực tế có rất nhiều người bệnh mang virus viêm gan B tiến triển thể đột biến không tạo ra HBeAg. Vì vậy, cần phải tiến hành cả xét nghiệm tải lượng virus để cho kết quả chính xác hơn.
3.4 Xét nghiệm số lượng tiểu cầu và albumin
Khi tiến hành xét nghiệm số lượng tiểu cầu và albumin để theo dõi tổn thương gan ở bệnh nhân viêm gan B, nếu như số lượng tiểu cầu thấp dưới 150,000 tế bào/mm3 và kết hợp với mức albumin cũng thấp <=3.5 gm/dl và thời gian đông máu giảm hoặc không thì chứng tỏ bệnh nhân có dấu hiệu suy giảm chức năng gan hoặc xơ gan do viêm gan B.
3.5 Xét nghiệm sinh thiết gan
Vì viêm gan B có thể là nguyên nhân ung thư gan hàng đầu nên xét nghiệm sinh thiết gan sẽ được chỉ định ở những bệnh nhân có men gan tăng nhẹ hoặc không có sự liên tự. Đây là một thủ thuật xâm lấn nên không được chỉ định rộng rãi. Không làm xét nghiệm sinh thiết gan nếu đã có đủ bằng chứng để chỉ định điều trị bệnh dựa trên các tiêu chí khác.
3.6 Xét nghiệm AFP
Nên được tiến hành 6 tháng một lần, đây là xét nghiệm được sử dụng phổ biến nhất để tầm soát ung thư gan. Nếu như kết quả xét nghiệm AFP có chỉ số tăng liên tục hoặc AFP >500 mg/ml thì có thể bệnh nhân có dấu hiệu bị ung thư gan. Tuy nhiên, sẽ có khoảng 40% bệnh nhân ung thư gan do viêm gan B có xét nghiệm AFP bình thường nên người bệnh cần phải làm thêm siêu âm gan định kỳ để sàng lọc ung thư gan chính xác hơn.
3.7 Siêu âm và siêu âm độ đàn hồi mô gan ở bệnh nhân viêm gan B
Siêu âm gan ở bệnh nhân viêm gan B sẽ giúp chẩn đoán hình ảnh chính xác hơn khi phát hiện các khối u trong gan. Siêu âm độ đàn hồi mô cho phép đánh giá độ cứng của mô gan và đánh giá tinh chất của mô tổn tương nếu có. Nếu chỉ siêu âm thì khả năng phát hiện ung thư gan đạt khoảng 80%, tuy nhiên nếu kết hợp với xét nghiệm AFP thì kết quả sẽ chính xác hơn.
Bệnh nhân viêm gan B tiến triển cần tiến hành xét nghiệm AFP và siêu âm gan định kỳ 6 tháng/lần để sàng lọc ung thư gan chuẩn xác hơn.
Sàng lọc ung thư gan rất quan trọng vì hầu hết bệnh nhân ung thư gan sẽ không có biểu hiện gì và cảm thấy cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh cho đến khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Các khối u nhỏ trong gan sẽ không thể sờ hoặc cảm nhận được vì vị trí của gan nằm sâu sau xương sườn và ung thư gan tiến triển rất nhanh. Nguyên nhân ung thư gan do viêm gan B mạn thường xảy ra ở nhóm tuổi 30 - 65. Vì vậy, người bệnh nên bắt đầu sàng lọc ung thư gan định kỳ vào thời điểm 30 tuổi ở nam giới và 50 tuổi ở nữ giới.
Viêm gan B có thể tiến triển thành xơ gan, ung thư gan rất nguy hiểm. Chính vì vậy mỗi người hãy chủ động tìm hiểu kiến thức về căn bệnh này để có biện pháp phòng bệnh hiệu quả, an toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.