Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Bác sĩ Da Liễu, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Viêm nang lông là bệnh ngoài da phổ biến, là tình trạng viêm của một hoặc nhiều nang lông. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Vị trí gặp ở bất kỳ vùng da nào của cơ thể, trừ ở lòng bàn tay, bàn chân. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là ở thanh thiếu niên và người trẻ.
1. Viêm nang lông là gì?
Viêm nang lông là tình trạng viêm của phần nông hoặc phần sâu của nang lông. Bệnh ảnh hưởng tới nhiều bộ phận trên cơ thể như mặt, da đầu, cổ, lưng, nách, mặt ngoài cánh tay, đùi, sinh dục, cẳng tay và cẳng chân... Viêm nang lông không nguy hiểm nhưng bệnh gây ra cảm giác đau, ngứa ngáy và khó chịu. Trong những trường hợp viêm nang lông nghiêm trọng, bệnh có thể gây rụng lông và để lại sẹo.
Biểu hiện của viêm nang lông là các sẩn, mụn mủ, vết trầy và vảy ở cổ nang lông. Mụn nhỏ, mụn đầu trắng ở một hoặc nhiều nang lông cũng là biểu hiện của viêm nang lông. Ngoài ra, bệnh nhân còn gặp những triệu chứng khác như: Ngứa tại vùng da bị viêm, nổi nốt đỏ, lông không mọc ra ngoài được mà xoắn lại bên trong, gây ngứa vùng nang lông. Các nốt đỏ mọc quanh vùng viêm nang lông dày đặc, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng tới sinh hoạt của bệnh nhân. Khi nang lông bị áp xe sẽ biến chứng thành nhọt, nặng hơn là nhọt cụm, ổ gà hoặc viêm mô dưới da.
2. Các vị trí trên cơ thể dễ bị viêm nang lông
2.1 Viêm nang lông vùng mặt
Viêm nang lông ở mặt do tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, nấm, u mềm lây, nhiễm Demodex folliculorum... ở nang lông gây ra. Biểu hiện viêm nang lông ở mặt là nổi mụn đỏ, mụn đầu trắng, mụn đầu đen, ngứa da và mẩn đỏ, da sần sùi, lông mặt bị mọc ngược và xoắn vào trong.
Viêm nang lông mặt bao gồm cả viêm nang lông vùng râu. Viêm nang lông ở khu vực mọc râu chủ yếu do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), đôi khi còn nhiễm đồng thời các vi khuẩn gram âm, nấm sợi, virus herpes, nhiễm Demodex gây tổn thương giống trứng cá đỏ. Bệnh thường dai dẳng, khó chữa và dễ tái phát nhiều lần. Các chân râu bị viêm có mụn đỏ, khi mụn vỡ sẽ có vết trầy và đóng vảy. Các mụn có thể nằm rải rác hoặc thành từng đám.
Sau khi viêm nang lông vùng mặt, râu khỏi hết thường không để lại sẹo nhưng có thể để lại vết thâm tồn tại trong thời gian dài. Nếu tình trạng viêm nặng, nhiễm trùng lan sâu, gây áp xe hoặc thậm chí là nhọt. Trường hợp áp xe, tổn thương nang lông tuyến bã có thể để lại sẹo sau khi khỏi bệnh. Ngoài vùng râu, chân tóc vùng gáy, nách, tóc mai, lông mu,... cũng có thể bị viêm nang lông do tụ cầu vàng.
2.2 Viêm nang lông vùng da đầu
Viêm nang lông da đầu còn được gọi là viêm chân tóc, viêm nang tóc. bệnh phổ biến ở người da đầu nhiều dầu, làm việc trong môi trường nóng, ẩm và ô nhiễm. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do vi khuẩn tụ cầu vàng, vi khuẩn gram âm và nấm Trichophyton.
Các yếu tố thuận lợi gây viêm chân tóc gồm: khí hậu nóng ẩm, môi trường ô nhiễm, da đầu đẫm mồ hôi, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài hoặc mắc bệnh đái tháo đường, suy thận mạn tính, lao, suy giảm miễn dịch,... Những trường hợp gội đầu quá nhiều, dùng dầu gội có độ tẩy gàu cao cũng làm mất lớp ceramide bảo vệ da đầu, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập.
Biểu hiện viêm nang tóc là nổi các sẩn nhỏ như hạt kê ở chân tóc, có vảy, rất ngứa, mọc nhiều ở vùng gáy, hai bên tóc mai. Nếu viêm nặng có thể lan tới vùng râu, lông mi, lông nách, tiến triển dai dẳng nhiều năm. Nếu bệnh nhân gãi nhiều có thể bị nhiễm khuẩn thứ phát, gây chốc lở, nổi hạch đau 2 bên cổ. Viêm chân tóc mạn tính dễ dẫn tới suy nhược thần kinh, mất ngủ, hay cáu kỉnh, suy giảm trí nhớ,...
2.3 Viêm nang lông vùng kín
Viêm nang lông vùng kín do nhiều nguyên nhân gây ra như: Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, tẩy lông vùng kín, lớp sừng trên da quá dày, do cơ địa (tuyến bã nang lông vùng kín nữ giới hoạt động mạnh mẽ hơn trong kỳ kinh nguyệt), do dị ứng sản phẩm chăm sóc vùng kín hoặc mặc đồ lót quá chật, ẩm ướt,...
Bệnh nhân bị viêm nang lông vùng kín có biểu hiện: Vùng kín thường xuyên ngứa ngáy khó chịu, nổi nốt đỏ hoặc mụn có lông ở giữa, mụn có thể vỡ ra, chảy máu hoặc có mủ, cảm giác đau, rát vùng kín,...
2.4 Viêm nang lông ở lưng
Tình trạng viêm nang lông ở lưng là hiện tượng các nang lông ở khu vực này bị nhiễm trùng do vi khuẩn, tụ cầu,... Nguyên nhân dẫn tới viêm nang lông lưng là: Do bẩm sinh, cạo, tẩy lông không đúng cách (dụng cụ tẩy lông nhiễm trùng), vệ sinh cá nhân kém, dị ứng hoặc nhiễm khuẩn, ma sát thường xuyên vào áo làm từ chất liệu thô cứng, không thấm hút mồ hôi,...
Biểu hiện viêm nang lông ở lưng là: Trên lưng xuất hiện nhiều nốt sần đỏ, có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở lưng. Nếu bị nặng, các nốt sần sẽ trở thành nhọt, đinh râu ở lưng, khi khỏi để lại các nốt thâm đen, sẹo... Tuy bệnh không nguy hiểm nhưng nếu không được xử trí đúng cách và kịp thời thì viêm nang lông có thể phát triển thành mãn tính, gây nhiễm trùng sâu trong da, thậm chí có thể lan tới hạch bạch huyết và dẫn vào máu.
2.5 Viêm nang lông ở các vị trí khác trên cơ thể
- Viêm nang lông ở chân: Thường gặp ở phụ nữ hay cạo lông, tẩy lông chân, chủ yếu do nhiễm trùng;
- Viêm nang lông ở mông: Chủ yếu do tụ cầu, nấm sợi.
3. Biến chứng của viêm nang lông
Các trường hợp viêm nang lông nhẹ thường không gây biến chứng. Những biến chứng xảy ra với nhiễm trùng nang lông nhẹ thường là: Tái phát hoặc lây lan ra các vị trí khác hoặc gây ngứa, sẹo. Nhưng các trường hợp viêm nang lông nặng có thể gây ra nhiều biến chứng như:
- Cellulite: Gây nhiễm khuẩn nghiêm trọng ở khu vực bị viêm nang lông, dễ ảnh hưởng tới các mô bên dưới da, lây lan tới hạch bạch huyết và máu;
- Nhọt: là tình trạng viêm cấp tính gây hoại tử nang lông và tổ chức xung quanh. Tổn thương là sẩn đỏ ở nang lông, sưng, nóng, đau, sau vài ngày tiến triển, tổn thương hóa mủ ở giữa tạo thành ngòi mủ.
- Sẹo: Viêm nang lông nặng có thể để lại vết sẹo xấu, sẹo lồi, gây mất thẩm mỹ;
- Tiêu hủy nang tóc: Dẫn đến rụng tóc vĩnh viễn.
5. Biện pháp ngăn ngừa viêm nang lông tái phát
Viêm nang lông không khó điều trị, quan trọng là bệnh nhân phải đi khám để xác định nguyên nhân gây bệnh và dùng thuốc điều trị phù hợp. Diễn biến bệnh viêm nang lông dai dẳng, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, người bệnh bỏ thuốc giữa chừng hoặc dùng thuốc không rõ nguồn gốc,...
Để phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả, bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp sau:
- Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi ngon để cung cấp đủ thành phần dưỡng chất giúp da khỏe mạnh;
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ hằng ngày để tránh hiện tượng nang lông bị bít tắc do tuyến dầu hoạt động mạnh;
- Sử dụng các loại xà phòng phù hợp, giúp giảm chất nhờn trên da, giúp các lỗ chân lông luôn thông thoáng;
- Bảo vệ da trước tác hại của các loại hóa chất, nước tẩy rửa có thành phần tẩy mạnh;
- Không nên đội nón mũ chật hoặc mặc quần áo chật chội;
- Chọn trang phục thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt;
- Thay ga trải giường thường xuyên để loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn và ký sinh trùng trên đó;
- Cạo râu bằng lưỡi dao sắc và kem cạo râu chuyên biệt;
- Giữ vệ sinh các dụng cụ cạo lông, tẩy lông, lựa chọn loại kem tẩy lông chất lượng tốt, không gây tổn thương da.
Viêm nang lông có thể xuất hiện ở nhiều vùng da trên cơ thể như da đầu, mặt, nách, chân, mông, vùng kín,... Điều trị viêm nang lông kịp thời giúp ngăn ngừa những biến chứng của bệnh như sẹo, nhọt...
Bác sĩ Thu Hằng đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực da liễu. Đặc biệt dày dặn kinh nghiệm trong điều trị bệnh da người lớn và trẻ em, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh da tự miễn và hiếm gặp. Bác sĩ từng đạt các chứng chỉ, bằng đại học trong và ngoài nước như: Bằng chuyên khoa I - Da liễu, Đại học Y Hà Nội, Bằng DFMS - Da liễu, Đại học Paris XIII, Cộng hòa Pháp trước khi là bác sĩ da liễu tại khoa Nội tổng hợp bệnh viện Vinmec Hải Phòng như hiện nay.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.