Các vấn đề thường gặp về vú khi cho con bú

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Tạ Quốc Bản - Bác sĩ Sản Phụ khoa - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Khi mang thai và sinh con, cơ thể bạn sẽ trải qua một số thay đổi khá lớn. Bụng của bạn sẽ lớn hơn, mái tóc của bạn trông bóng hơn, và làn da của bạn thậm chí có thể trở nên rất điển hình của phụ nữ mang thai. Nhưng đó không phải là tất cả. Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng bộ ngực của bạn cũng sẽ trải qua nhiều thay đổi, thậm chí là chúng tiếp tục thay đổi sau khi bạn sinh con.

1. Dấu hiệu thay đổi sớm nhất

Nhiều phụ nữ nhận thấy rằng ngực của họ trở nên nhạy cảm từ rất sớm khi bắt đầu mang thai. Đối với một số phụ nữ, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy họ đang mang thai. Nếu ngực bạn ngứa ran hoặc cảm thấy núm vú mềm hơn khi bạn chạm tay vào, thì có thể bạn đang mang thai. Đó là một tác dụng phụ điển hình do hormone tăng lên trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bất kỳ cục u nào ở bất kỳ điểm nào xung quanh vú, hãy đi khám vú để chẩn đoán nếu đó là bất thường.


Nhiều phụ nữ nhận thấy rằng ngực của họ trở nên nhạy cảm từ rất sớm khi bắt đầu mang thai
Nhiều phụ nữ nhận thấy rằng ngực của họ trở nên nhạy cảm từ rất sớm khi bắt đầu mang thai

2. Đau núm vú

Nhiều phụ nữ cảm thấy núm vú rất đau sau mỗi lần cho con bú, đặc biệt là giai đoạn khi em bé mới chào đời. Một số phụ nữ nói rằng núm vú trở nên có màu đỏ và nhọn thay vì tròn và nhẵn như trước. Nếu em bé ngậm sai khớp khi bé bú thì núm vú càng trở nên đau hơn và em bé có thể không bú được nhiều sữa từ bầu ngực của mẹ như mong đợi. Bà mẹ nên tìm hiểu và thực hành thêm về tư thế cho con bú đúng. Nếu tư thế của trẻ được cải thiện, tình trạng đau núm vú cũng có thể được cải thiện. Bạn cũng có thể tích cực chăm sóc núm vú nhiều hơn sau khi cho con bú, ví dụ đắp một chiếc khăn ấm để giảm đau hoặc massage với một chút sữa mẹ sẽ giúp đầu vú mềm ra và đỡ đau hơn. Tình trạng đau vú cũng sẽ được cải thiện một cách tự nhiên khi mẹ bắt đầu làm quen với việc cho con bú.

3. Nhiễm trùng vú hoặc các đau các khối u

Ngay cả khi con bạn ngậm vú đúng cách, bạn cũng vẫn có thể bị một điểm đau nào đó hoặc thậm chí là xuất hiện nguyên một cục u đau. Chuyên gia cho con bú Carol Huotari cho biết, nguyên nhân là do ống dẫn sữa bị tắc, hoặc sự khởi đầu của hiện tượng nhiễm trùng được gọi là viêm vú.

Huotari đồng thời cũng là quản lý của Trung tâm Thông tin Nuôi con bằng sữa mẹ tại La Leche League International cho biết: "Mọi vấn đề đều có thể được khắc phục dễ dàng và bạn không cần phải ngừng cho con bú bất kỳ thời gian nào. Hoàn toàn an toàn để duy trì cho con bú mẹ, ngay cả khi đang bị nhiễm trùng".

Mặc dù điều trị sớm thường sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng ống dẫn sữa, nhưng không phải lúc nào điều trị cũng cho kết quả như mong muốn. Vì vậy, nếu bạn bị đau, căng vú, mệt mỏi, sốt và có một số triệu chứng giống như cúm thì bạn có thể đã bị nhiễm trùng vú.

Huotari nói, thông thường, phương pháp được sử dụng để điều trị các tắc tia sữa bao gồm chườm vật lý cùng với nghỉ ngơi trên giường. Tuy nhiên, nếu cơn sốt của bạn không giảm trong 24 giờ, bạn có thể cần dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng. Hãy gọi cho bác sĩ của bạn và vẫn tiếp tục cho con bú. Mặc dù việc cho con bú khi đang bị nhiễm trùng nghe có vẻ không an toàn nhưng thực tế sữa mẹ có chứa hàm lượng kháng thể cao nên con bạn vẫn an toàn”.


Nếu bạn bị đau, căng vú, mệt mỏi, sốt và có một số triệu chứng giống như cúm thì bạn có thể đã bị nhiễm trùng vú
Nếu bạn bị đau, căng vú, mệt mỏi, sốt và có một số triệu chứng giống như cúm thì bạn có thể đã bị nhiễm trùng vú

4. Nhiễm trùng nấm men hoặc bệnh tưa miệng

Nhiễm trùng nấm men là một tình trạng ít phiền toái nhưng vẫn gây khó chịu trên bề mặt da vú. Thủ phạm là tưa miệng, một dạng nhiễm trùng nấm men phát triển mạnh trong môi trường sữa. Nhiễm trùng này có thể sẽ ảnh hưởng đến cả bạn và em bé của bạn.

Bác sĩ nhi khoa Audrey Naylor cho biết, các dấu hiệu của bệnh tưa miệng bao gồm da bóng màu đỏ hoặc hồng, thường ngứa và có thể bong tróc. Để biết con bạn có bị nhiễm trùng này hay không, mẹ hãy kiểm tra những đốm trắng ở bên trong má, hoặc đôi khi là vết hăm tã dai dẳng.

Bạn cũng có thể nhận thấy mình có các triệu chứng của nhiễm trùng nấm âm đạo - tiết dịch màu trắng vón cục và cực kỳ ngứa.

Naylor nói rằng nếu bạn bị nhiễm trùng nấm men vú thì bạn không cần phải ngừng cho con bú. Nhưng bạn và con bạn cần được điều trị. Hãy đến khám bác sĩ để cả mẹ và bé đều được điều trị phù hợp. Bạn không nên tự mua thuốc tại hiệu thuốc do một số sản phẩm có thể không phù hợp với bà mẹ cho con bú.

5. Căng sữa, tắc tia sữa

Căng sữa là chuyện bình thường ở tất cả các bà mẹ cho con bú. Căng sữa sẽ xảy ra khi sữa bắt đầu tràn vào bầu ngực. Cảm giác về sữa sẽ rất rõ ràng từ ngày thứ hai đến ngày thứ 6 kể từ khi trẻ sinh ra. Một khi sữa bắt đầu đi vào ống dẫn, dịch bạch huyết và máu cũng bị tràn vào, khiến các mô trong vú sưng lên. Bởi vì mô sưng đó cũng đi vào ống dẫn sữa, đôi khi ống dẫn sữa có thể bị hẹp lại. Khi sữa không thể thoát ra, nó sẽ tích tụ bên trong vú và xảy ra hiện tượng căng sữa hoặc tắc tia sữa.

Để điều trị tắc tia sữa, đặt túi chườm lạnh lên bầu ngực, cùng với lá bắp cải đã rửa sạch. Để những thứ này trên da của bạn trong khoảng 20 phút. Cả hai đều có thể giúp giảm sưng và cho phép các ống dẫn sữa nở ra.

Để phòng tránh tắc tia sữa, trước khi cho con bú mẹ cũng nên dùng túi chườm ấm để chườm quanh bầu ngực khiến cho tuyến sữa thông thoáng và sữa về nhanh về hơn.

Lưu ý, bạn không nên massage bằng nước ấm dưới vòi hoa sen khi bạn bị căng sữa. Nước ấm có thể tác dụng tương đương chườm nóng làm giãn mạch máu, làm tăng sưng và tắc nghẽn vú.


Căng sữa là chuyện bình thường ở tất cả các bà mẹ cho con bú
Căng sữa là chuyện bình thường ở tất cả các bà mẹ cho con bú

6. Tìm hiểu về kiến thức cho con bú

Các bà mẹ cho con bú thường ngạc nhiên khi phát hiện ra bác sĩ sản khoa hoặc bác sĩ nhi khoa của họ biết rất ít về các vấn đề cho con bú. Nhà tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ Katy Lebbing nói rằng vào giữa những năm 1990, 50% sinh viên trường y khoa đã tốt nghiệp bác sĩ mà không được đào tạo một ngày nào về việc cho con bú.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Dự phòng Hoa Kỳ, các nhân viên sản khoa của một bệnh viện ở California chỉ trả lời đúng 53% câu hỏi trong một bài trắc nghiệm đơn giản kéo dài 15 phút về việc cho con bú. Chỉ 14% bác sĩ cho biết họ cảm thấy tự tin về kiến ​​thức của mình về chủ đề này.

Nếu bạn có câu hỏi liên quan đến bất kỳ khía cạnh nào của việc nuôi con bằng sữa mẹ, bao gồm các vấn đề y tế về sức khỏe vú, bạn thường sẽ nhận được câu trả lời đúng nhanh nhất bằng cách liên hệ với chuyên gia tư vấn cho con bú.

Thông thường, bệnh viện nơi bạn sinh con sẽ có ít nhất một nhân viên tư vấn cho con bú. Hãy cố gắng trò chuyện và nhờ họ hỗ trợ nếu bạn có vấn đề khó khăn. Hầu hết các chuyên gia tư vấn cho con bú cũng luôn sẵn sàng tư vấn tại nhà sau khi bạn xuất viện. Lưu ý nhiều bà mẹ hoặc thậm chí nhân viên y tế sinh con tới lần thứ 2, 3 vẫn thiếu kiến thức về cho con bú mẹ. Vì thế khi hỏi các thông tin bạn cần chọn lọc nguồn thông tin chính xác. Việc tự tìm hiểu cũng giúp ích cho mẹ rất nhiều.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe