Các trường hợp nên phẫu thuật bóc nhân xơ vú

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

U xơ tuyến vú lành tính mặc dù không gây nguy hiểm gì cho người bệnh, nhưng sẽ tạo ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ, những dấu hiệu của bệnh thường khó phân biệt với ung thư vú.

1. Chẩn đoán u xơ vú như thế nào?

Khoảng 50% số phụ nữ sẽ phát triển u xơ tuyến vú ở một thời điểm nào đó trong đời. Khám lâm sàng vú 2 bên có thể phát hiện được khối nếu có kích thước tương đối lớn. Một số u xơ vú quá nhỏ để cảm nhận, vì vậy chúng chỉ có thể được phát hiện trong các xét nghiệm hình ảnh.

Nếu phát hiện có một khối u có thể sờ thấy được, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm nhất định phù hợp tùy thuộc vào độ tuổi của bạn và đặc điểm của khối u. Các xét nghiệm để đánh giá khối u xơ vú bao gồm:

  • Chụp Xquang tuyến vú để tạo ra hình ảnh (nhũ ảnh) các khu vực đáng ngờ trong mô vú. Một khối u xơ vú có thể xuất hiện trên hình chụp nhũ ảnh dưới dạng khối vú với các cạnh tròn, nhẵn, khác biệt với mô vú xung quanh.
  • Siêu âm vú: Công nghệ này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh bên trong vú. Bác sĩ có thể đề nghị siêu âm vú ngoài chụp quang tuyến vú để đánh giá khối u vú nếu bạn có mô vú dày đặc. Nếu chụp quang tuyến vú cho thấy có một khối u ở vú hoặc bất thường khác, siêu âm vú có thể được sử dụng để đánh giá thêm khối u. Siêu âm vú có thể giúp bác sĩ xác định xem một khối u xơ vú là rắn hay chứa đầy chất lỏng. Một khối rắn có nhiều khả năng là u xơ tuyến vú; một khối chứa đầy chất lỏng có nhiều khả năng là một u nang.
  • Chọc hút bằng kim nhỏ: Thông qua một cây kim mỏng chọc vào khối u nhằm đánh giá đặc điểm khối u.
  • Sinh thiết u. Một bác sĩ X quang với hướng dẫn từ siêu âm thường thực hiện thủ tục này. Bác sĩ sử dụng kim để thu thập các mẫu mô từ khối u, đến phòng thí nghiệm để phân tích giải phẫu bệnh của khối u. Giúp phân biệt với ung thư tuyến vú.

Nhân xơ vú trong nhiều trường hợp không cần điều trị
Nhân xơ vú trong nhiều trường hợp không cần điều trị

2. Điều trị u xơ tuyến vú như thế nào?

Nhân xơ vú trong nhiều trường hợp không cần điều trị. Tuy nhiên, một số phụ nữ chọn phẫu thuật cắt bỏ để yên tâm. Nếu chắc chắn khối u vú là u xơ dựa trên kết quả kiểm tra vú lâm sàng, xét nghiệm hình ảnh và sinh thiết thì người bệnh có thể không cần phẫu thuật vì:

  • Phẫu thuật có thể làm biến dạng hình dạng và kết cấu của vú
  • U xơ đôi khi tự co lại hoặc biến mất
  • Vú có nhiều u xơ có vẻ ổn định, không thay đổi kích thước trên siêu âm so với siêu âm trước đó

Nếu chọn không phẫu thuật, điều quan trọng là phải theo dõi u xơ vú bằng các lần tái khám theo dõi bác sĩ để siêu âm vú để phát hiện những thay đổi về ngoại hình hoặc kích thước của khối u.

3. Phẫu thuật bóc nhân xơ vú trong trường hợp nào?

3.1 Chỉ định, chống chỉ định

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật bóc nhân xơ vú trong trường hợp:

  • U xơ vú quá lớn, lớn hơn hoặc gây ra các triệu chứng
  • Các nang xơ lành tính hoặc nguy cơ thoái triển xấu dẫn đến ung thư
  • Người bệnh có nguyện vọng được bóc nhân xơ vú

Chống chỉ định bóc nhân xơ vú trong các trường hợp sau:

  • Tổn thương nghi bất thường nhiều hơn
  • Người bệnh chưa có con

Sau khi loại bỏ u xơ vú, có thể một hoặc nhiều u xơ tuyến mới phát triển. Các khối u vú mới cần được đánh giá bằng chụp Xquang tuyến vú, siêu âm và có thể sinh thiết để xác định xem khối u có phải là u xơ hay có thể trở thành ung thư.


Sau khi loại bỏ u xơ vú, có thể một hoặc nhiều u xơ tuyến mới phát triển
Sau khi loại bỏ u xơ vú, có thể một hoặc nhiều u xơ tuyến mới phát triển

3.2 Phẫu thuật bóc nhân xơ vú

Bước 1: Sát trùng rộng vùng phẫu thuật từ trong ra ngoài

Bước 2: Xác định vị trí khối u xơ vú cần cắt bỏ, nếu nhỏ có thể dùng kim để xác định mốc tốt nhất là làm dưới gây mê, nếu không có điều kiện thì gây tê tại chỗ. Sau khi rạch qua da và tổ chức dưới da dùng kéo bóc tách để đi thẳng vào khối u tránh làm nát các tổ chức xung quanh gây chảy máu. Lấy bỏ khối u qua vết rạch sau khi đã bóc tách và cầm máu kĩ các tổ chức xung quanh khối u bằng chỉ tiêu. Nếu khối u ở sâu thì sau đó cần khâu ép lại tổ chức đã rạch sau khi đã kiểm tra kỹ không thấy chảy máu

Bước 3: Khâu phục hồi lại da bằng chỉ lin hoặc khâu luồn dưới da bằng chỉ tiêu Vicryl 2.0.

Bước 4: Băng lại vết mổ có thể băng ép bằng băng chun quanh ngực nếu nghi ngờ diện bóc tách còn có thể chảy máu, sẽ tháo bỏ sau 12-24 giờ. Sau khi bóc xong tổ chức bóc bỏ phải được gửi xét nghiệm giải phẫu bệnh. Dùng thuốc giảm đau thêm và thuốc kháng sinh và thuốc chống phù nề cho người bệnh

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ gói Tầm soát ung thư vú giúp khách hàng có thể kiểm tra và tầm soát các dấu hiệu nang vú cũng như những nguy cơ gây ung thư vú. Trong gói khám sẽ bao gồm các phương pháp chụp x-quang vú và chẩn đoán siêu âm tuyến vú 2 bên cho kết quả chính xác, hỗ trợ bác sĩ trong việc thăm khám.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe