Trẻ đột nhiên hay buồn ngủ hoặc khát nước nhiều hơn so với bình thường thì đó có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1. Khi có những dấu hiệu như vậy cách tốt nhất nên đưa trẻ đi khám sớm, từ đó có những biện pháp phòng được các biến chứng sau này.
1. Tiểu đường type 1 ở trẻ là gì?
Bệnh tiểu đường type 1 khác với bệnh tiểu đường type 2. Bệnh tiểu đường type 2 thường gặp ở người lớn béo phì và có thể gặp ở trẻ em nhưng thường là sau 10 tuổi.
Trẻ bị tiểu đường type 1 khi tuyến tụy trẻ tạo ra ít hoặc không có insulin. Nguyên nhân là của tình trạng này là do rối loạn tự miễn dịch, dẫn đến hệ thống phòng thủ của cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào tạo ra insulin.
2. Triệu chứng tiểu đường type 1 ở trẻ
Triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ nhỏ là:
- Đi tiểu thường xuyên, uống nhiều nước
- Giảm cân, ngày càng mệt mỏi và ốm yếu
Đây là các triệu chứng kinh điển của trẻ mắc bệnh tiểu đường type 1 khi mới khởi phát.
Nếu trẻ trước kia đã được dạy đi tiểu vào bô và không đái dầm vào ban đêm, nhưng tự nhiên trẻ bắt đầu đái dầm và tần suất tăng lên thì nguyên nhân có thể là do bệnh tiểu đường.
Mặc dù bác sĩ rất dễ phát hiện bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ bằng cách kiểm tra đường huyết, nhưng khó khăn nhất vẫn là bố mẹ rất khó nhận ra khi bệnh ở triệu chứng ban đầu.
Bệnh tiểu đường type 1 thường xuất hiện ở trẻ em có các triệu chứng giống như bệnh cúm. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể xảy ra hơi khác nhau ở trẻ, bao gồm:
- Nồng độ glucose trong máu và nước tiểu cao khi xét nghiệm
- Khát nước bất thường
- Mất nước
- Đi tiểu thường xuyên (em bé có thể cần thay tã nhiều hơn, hoặc trước đây trẻ rất tuần thủ hướng dẫn đi vệ sinh ở bô hoặc nhà vệ sinh nhưng đột nhiên trẻ đái dầm)
- Rất đói nhưng giảm cân
- Mất cảm giác ngon miệng ở trẻ nhỏ
- Nhìn mờ
- Buồn nôn và nôn
- Đau bụng
- Yếu và mệt mỏi
- Khó chịu và thay đổi tâm trạng
- Hăm tã nghiêm trọng nhưng nếu được điều trị thì sẽ được cải thiện
- Hơi thở có mùi trái cây và thở nhanh
- Nhiễm nấm ở bé gái
Khi thiếu insulin, cơ thể có thể tích tụ một lượng axit ketone cao. Sau khi chẩn đoán và điều trị ban đầu, một số trẻ có thể trải qua giai đoạn cơ thể tạo ra đủ insulin và có vẻ như bệnh tiểu đường đã được chữa khỏi, nhưng thực tế, theo thời gian, trẻ sẽ cần liều insulin với liều lượng thích hợp để giữ mức đường huyết ở mức bình thường.
3. Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ em bao gồm:
- Tiền sử gia đình: Bất cứ trẻ nào có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tiểu đường type 1 đều có nguy cơ mắc bệnh này.
- Di truyền: Một số gen có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 1.
- Chủng tộc: Ở Hoa Kỳ, nguy cơ mắc bệnh bệnh tiểu đường type 1 ở những đứa trẻ da trắng gốc Tây Ban Nha thấp hơn so với trẻ thuộc các chủng tộc khác.
- Một số virus: Phơi nhiễm với các loại virus khác nhau có thể kích hoạt quá trình tự phá hủy của các tế bào đảo tụy.
4. Biến chứng của bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ
Bệnh tiểu đường type 1 có thể ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể bạn. Do đó, việc giữ mức đường huyết gần với mức bình thường trong suốt cuộc đời còn lại có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các nhiều biến chứng của bệnh tiểu đường.
Các biến chứng có thể gồm:
4.1 Bệnh tim và mạch máu
Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề như mạch máu bị hẹp, huyết áp cao, bệnh tim và đột quỵ.
4.2 Tổn thương thần kinh
Lượng đường dư thừa có thể làm tổn thương các thành của các mạch máu nhỏ có chức năng nuôi dưỡng dây thần kinh của người bệnh. Biến chứng này dẫn tới người bệnh có triệu chứng ngứa ran, tê, nóng hoặc đau. Tổn thương thần kinh thường xảy ra từ từ trong một khoảng thời gian dài.
4.3 Tổn thương thận
Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng rất nhiều mạch máu nhỏ có chức năng lọc máu trong thận của trẻ.
4.4 Tổn thương mắt
Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu ở võng mạc và dẫn đến giảm thị lực.
4.5 Loãng xương
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến giảm mật độ xương thấp hơn bình thường và dẫn tới tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương khi trẻ trưởng thành.
Nếu trẻ có những triệu chứng nghi ngờ của bệnh tiểu đường tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ đi xét nghiệm tiểu đường để chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý ở trẻ, hiện nay khoa Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu ở trẻ. Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu kém hấp thu chất dinh dưỡng, chậm tăng cân, chậm phát triển,... cha mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ những bác sĩ có chuyên môn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: diabetes.org, mayoclinic.org, webmd.com