Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Trần Lâm Khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Các tổn thương lành tính ở cổ tử cung rất hay gặp. Tuy không phải là ung thư song các tổn thương này cần được điều trị vì chúng có thể gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của bệnh nhân.
1. Đặc điểm cổ tử cung
Về hình dạng, cổ tử cung có thể thay đổi hình dạng tùy thuộc vào thực tế người phụ nữ đã có con hay chưa. Ở phụ nữ chưa sinh con, cổ tử cung thường tròn. Ở những người đã có con, lỗ cổ tử cung có thể bè ra theo chiều ngang.
Về tổ chức học, phía ngoài cổ tử cung được bao phủ bởi lớp biểu mô lát tầng (các tế bào gai). Phía trong lỗ cổ tử cung được che phủ bởi lớp biểu mô tuyến (biểu mô trụ đơn). Vùng chuyển tiếp ở lỗ ngoài cổ tử cung là ranh giới giữa biểu mô lát tầng và biểu mô tuyến. Khi phụ nữ mang thai, cổ tử cung hé mở, có thể thấy được một phần biểu mô tuyến của ống tử cung. Sau khi mãn kinh, lớp tế bào biểu mô ở phía ngoài nhạt màu hơn, ranh giới tổ chức học tụt vào sâu trong ống cổ tử cung.
2. Các tổn thương lành tính thường gặp ở cổ tử cung
Cổ tử cung là đoạn thấp nhất của tử cung, có phần nằm trong âm đạo và phần nằm trên âm đạo. Phần nằm trong âm đạo chịu ảnh hưởng trực tiếp của các thay đổi sinh lý hoặc bệnh lý khác nhau như thay đổi nội tiết tố nữ, tuổi tác, hoạt động sinh sản, pH trong môi trường âm đạo, virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,... dễ tạo nên nhiều tổn thương lành tính khác nhau.
2.1 Các tổn thương không đặc hiệu
Viêm mặt ngoài cổ tử cung
Nguyên nhân gây viêm cổ tử cung thường do các vi khuẩn có mặt trong âm đạo như: Lậu cầu khuẩn, xoắn khuẩn giang mai, vi khuẩn gây bệnh hạ cam, herpes simplex virus, HPV (human papilloma virus), Chlamydia trachomatis, trichomonas,... Triệu chứng bệnh là cổ tử cung đỏ rực, khí hư đục, nhầy, đôi khi có màu vàng xanh như mủ, hôi. Vùng viêm nhiễm có thể bị giả mạc che phủ, chạm vào dễ chảy máu.
Lộ tuyến cổ tử cung
Lộ tuyến cổ tử cung là sự hiện diện của biểu mô tuyến ở mặt ngoài cổ tử cung, chủ yếu xảy ra sau khi mang thai và sinh đẻ do lộ tuyến trong thai kỳ không thoái triển hoàn toàn. Số ít trường hợp bị lộ tuyến cổ tử cung do bẩm sinh.
Khi kiểm tra, phát hiện vùng biểu mô lát không nhẵn bóng mà xù xì, có màu đỏ, thường bị một lớp dịch nhầy bao phủ. Khi bôi acid acetic 3% lên, chất nhầy đông lại. Soi cổ tử cung thấy hình ảnh chùm nho, bôi Lugol không bắt màu (âm tính).
Về việc điều trị, nếu lộ tuyến không kèm theo viêm thì có thể tự khỏi. Trong trường hợp lộ tuyến rộng, gây tiết dịch nhiều, kèm theo viêm, tái phát thì cần điều trị chống viêm bằng thuốc đặc hiệu. Sau đó, đốt lộ tuyến bằng nhiệt, hóa chất, đốt điện hoặc đốt lạnh để diệt biểu mô trụ, giúp biểu mô lát phục hồi. Đốt lộ tuyến thường được chỉ định sau sạch kinh 3 - 5 ngày. Không được đốt khi bệnh nhân đang có thai, khi đang bị viêm âm đạo cấp tính hoặc có các tổn thương đáng ngờ.
Các tái tạo lành tính cổ tử cung
- Nang Naboth: Xuất hiện khi biểu mô lát che phủ biểu mô tuyến, nhưng chưa thay thế được mô tuyến ở dưới nên các tuyến vẫn tiếp tục tiết chất nhầy, lâu ngày tạo thành nang. Nang có kích thước to nhỏ khác nhau, có màu trong, trắng đục hoặc vàng nhạt, trên bề mặt có thể có các mạch máu. Trong nang chứa dịch nhầy do biểu mô tuyến tiết ra. Khi nang vỡ sẽ để lại lỗ nang;
- Cửa tuyến: Biểu mô lát có nguồn gốc chuyển sản bao quanh một miệng tuyến;
- Đảo tuyến: Biểu mô lát có nguồn gốc chuyển sản bao quanh một vùng biểu mô tuyến rộng.
Đây là những tái tạo lành tính ở cổ tử cung nhưng trong quá trình tái tạo biểu mô lát vẫn có thể có những tái tạo bất thường nên cần phải theo dõi chặt. Đối với các di chứng lành tính, nếu ít thì chỉ cần chống viêm để biểu mô lát tự phục hồi. Trường hợp nặng có thể đốt hoặc chọc hút nang Naboth.
2.3 Các tổn thương viêm đặc hiệu
Lao cổ tử cung
Hiếm khi xảy ra lao cổ tử cung đơn thuần. Lao cổ tử cung thường xuất hiện khi có lao phần phụ và lao nội mạc tử cung. Bệnh biểu hiện ở tình trạng có tổn thương dạng loét, sùi, dễ chảy máu nên dễ nhầm lẫn với ung thư cổ tử cung. Lao cổ tử cung khi được chẩn đoán bằng sinh thiết sẽ thấy các nang lao và tế bào viêm đặc hiệu.
Săng giang mai
Săng giang mai có thể có ở cổ tử cung. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện ổ loét cứng, có bờ rõ ràng, dễ chảy máu và thường kèm nổi hạch. Khi xét nghiệm sẽ phát hiện thấy xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum).
2.3 Các tổn thương khác
Polyp cổ tử cung
Đây là khối mô lành tính, phát triển từ mô đệm cổ tử cung, được che phủ bởi biểu mô trụ. Về sau, polyp do hiện tượng chuyển sản trở thành biểu mô lát, thường có cuống nhỏ, tổ chức mềm, mọc lên từ ống cổ tử cung, có thể từ thân hoặc từ đoạn eo cổ tử cung thò ra ngoài, kích thước có thể thay đổi từ vài mm đến vài cm, thường thấy ở phụ nữ sinh đẻ nhiều lần.
Người bị polyp cổ tử cung thường không có triệu chứng. Đôi khi bệnh nhân có thể ra khí hư nhiều, rong huyết hoặc ra máu sau giao hợp. Đối với các polyp cuống nhỏ có thể xoắn bằng kẹp. Khi điều trị cần thăm dò chân polyp, nếu chân polyp mọc lên từ buồng tử cung thì cần soi buồng tử cung để cắt polyp.
Lạc nội mạc cổ tử cung
Đây là tình trạng tế bào nội mạc tử cung lạc chỗ. Lạc nội mạc tử cung ở cổ tử cung thường thấy rõ sau sạch kinh, biểu hiện dưới dạng các nốt màu xanh tím hay đen sẫm, nhỏ, đơn độc, mọc rải rác quanh cổ tử cung. Các nốt này sẽ to lên và rõ hơn khi có kinh.
Phương pháp điều trị bệnh phù hợp là đốt ổ lạc nội mạc.
U xơ cổ tử cung
U xơ cổ tử cung thường là u lồi ra, chắc, đôi khi che lấp cổ tử cung hoặc làm xóa cổ tử cung. Phương pháp điều trị phù hợp là cắt u xơ cổ tử cung.
Sùi mào gà cổ tử cung
Tổn thương sùi mào gà có thể gặp ở cả thành âm đạo và cổ tử cung hoặc chỉ trên bề mặt cổ tử cung. Trong thai kỳ, sùi mào gà thường lan tràn nhanh và nhiều. Để điều trị bệnh, bác sĩ thường đề nghị đốt điện, đốt laser hoặc áp lạnh.
3. Chẩn đoán các tổn thương lành tính ở cổ tử cung
3.1 Chẩn đoán lâm sàng
Có thể nhìn thấy và sờ được cổ tử cung khi thăm khám:
- Khám âm đạo: Đánh giá độ lớn của cổ tử cung, mật độ cổ tử cung và phát hiện đau khi lay cổ tử cung;
- Khám mỏ vịt: Quan sát được các tổn thương như viêm, polyp cổ tử cung, viêm lỗ trong cổ tử cung,... Ngoài ra, phương pháp này còn giúp bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm để nhuộm Gram, cấy, làm phiến đồ âm đạo, phết mỏng cổ tử cung để tầm soát ung thư.
3.2 Chẩn đoán cận lâm sàng
- Sinh thiết trực tiếp: Soi cổ tử cung: Giúp đánh giá các cấu trúc lành tính của bề mặt cổ tử cung, vùng chuyển tiếp, loạn dưỡng cổ tử cung, polyp hay lộ tuyến,... Sau khi bôi acid acetic có thể phát hiện các tổn thương không điển hình như loạn sản, tổn thương tiền ung thư và ung thư, giúp sinh thiết đúng vị trí tổn thương;
- Khoét chóp: Là một sinh thiết lớn, lấy được cổ ngoài và vùng chuyển tiếp, lấy được những tổn thương ở những vùng soi cổ tử cung không thấy.
4. Phòng ngừa các tổn thương lành tính ở cổ tử cung
- Tổn thương lành tính thường do nhiễm trùng, sinh đẻ nhiều. Vì vậy, phụ nữ cần chú trọng tới việc vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt, vệ sinh cá nhân và vệ sinh trước, sau khi quan hệ tình dục;
- Khám phụ khoa định kỳ mỗi năm một lần để phát hiện sớm các tổn thương, có kế hoạch điều trị và theo dõi;
- Sàng lọc nguy cơ nhiễm HPV, xét nghiệm tế bào âm đạo - cổ tử cung để phát hiện sớm nguy cơ gây ung thư cổ tử cung và các tổn thương tiền ung thư;
- Điều trị dứt điểm các tổn thương ở cổ tử cung, không để xảy ra các tái tạo bất thường.
Phần lớn các tổn thương lành tính ở cổ tử cung không nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân nhưng chúng vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe sinh sản. Vì vậy, phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và sàng lọc ung thư cổ tử cung theo khuyến cáo.
Hiện nay, tại hệ thống bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang áp dụng gói Khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.