Lẹo mắt là tình trạng có thể khiến trẻ đau sưng và khó chịu. Khi đó, cha mẹ thường tìm đến các loại thuốc kháng sinh điều trị lẹo mắt cho trẻ để nhanh chóng chấm dứt tình trạng bệnh. Vậy các thuốc trị lẹo mắt cho trẻ gồm những thuốc nào và lưu ý gì khi điều trị lẹo mắt cho trẻ?
1. Phân biệt lẹo và chắp
Mọc lẹo ở mi mắt là bệnh không hiếm gặp ở trẻ em. Trước hết cần phân biệt với chắp vì hai bệnh này thường rất dễ bị nhầm lẫn và cách điều trị có chút khác biệt:
1.1. Lẹo là gì?
Lẹo là tình trạng tuyến nhờn ở bờ mi mắt bị nhiễm trùng. Có hai loại lẹo phổ biến thường gặp là lẹo trong và lẹo ngoài. Tuy nhiên triệu chứng của hai loại lẹo trên là tương tự nhau. Biểu hiện ban đầu khi bị lẹo là bệnh nhân xuất hiện một vùng lồi đỏ ấn đau ở vùng rìa của mi mắt, gây cảm giác khó chịu vùng mắt, và thường xuất hiện nhiều gỉ mắt vào sáng sớm.
Nguyên nhân gây lẹo mắt là khi một tuyến dầu trong nang lông mi hoặc mí mắt bị nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập. Tác nhân gây ra lẹo thường là do tụ cầu vàng Staphylococcus aureus.
Lẹo có thể không cần điều trị mà tự khỏi sau một thời gian. Mặc dù vậy, lẹo rất hay tái phát, có thể lan từ mi này sang mi khác, có khi sưng to cả mí mắt, gây ứ phù màng tiếp hợp và gây nguy hiểm cho trẻ. Để đẩy nhanh tốc độ lành của bệnh, có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt để vệ sinh mắt hằng ngày hoặc có thể sử dụng kháng sinh để điều trị khi cần thiết. Kháng sinh điều trị lẹo mắt giúp tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng mắt, cải thiện nhanh các triệu chứng lẹo mắt trong vòng một tuần, giúp giảm biến chứng của lẹo và giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh sang người khác.
1.2. Chắp là gì?
Chắp là một loại bệnh của mí mắt do nghẽn tắc tuyến sụn mí mắt gây nên. Do chất bã ứ đọng xâm nhập các mô lân cận và gây viêm hạt mạn tính. Bệnh nhân bị chắp thường xuất hiện nốt đỏ rắn ở mí mắt như hạt đậu, một số trường hợp còn có thể xuất hiện đầu mủ trắng.
Nhiều trường hợp ở trẻ có thể xuất hiện đa chắp, tức là có rất nhiều đầu chắp trên một mí, hai mí hoặc cả hai mắt. Khác với lẹo, chắp thường không đem lại cảm giác đau, hoặc nếu có thì biểu hiện đau thường nhẹ hơn so với lẹo.
Chắp có thể dần tiêu đi sau vài tháng mà không cần điều trị. Điều trị chắp có thể dùng biện pháp chườm nóng nhằm giảm đau và giảm các tổn thương sớm. Có thể sử dụng corticoid hoặc phương pháp chích chắp đối với những trường hợp chắp to hoặc chắp dai dẳng hoặc kết hợp cả hai phương pháp khi có chỉ định của bác sĩ.
2. Trẻ bị lên lẹo ở mắt phải làm sao?
2.1. Giai đoạn sớm mụn lẹo chưa tạo khối mủ, thường trong 5 ngày đầu
Cha mẹ tiến hành chườm ấm bằng một miếng vải thấm nước ấm lên mí mắt trong 10–15 phút và lặp lại 3–4 lần mỗi ngày tại chỗ lên lẹo cho trẻ để tăng thực bào và miễn dịch, tiêu viêm. Mục đích của phương pháp này là nhanh chóng làm khô đầu mụn. Hơi ấm từ miếng vải sẽ khiến lẹo mắt dần biến mất mà không gây tổn thương vật lý đến mí mắt của trẻ hay nhiễm trùng.
Ngoài ra, có thể kết hợp với dùng thuốc tra nhỏ có kháng sinh, cortisol và thuốc mỡ tra, bôi tại chỗ vào ban đêm để đẩy nhanh quá trình điều trị. Với lẹo do mầm bệnh là cầu khuẩn có thể cho trẻ uống kháng sinh nhóm macrolid (erythromycin), cephalosporin (cephalexin) theo chỉ định của bác sĩ.
2.2. Giai đoạn tạo mủ
Khi mụn lẹo xuất hiện đầu mủ hoặc nang mủ rõ cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám và có thể chích tháo mủ cho trẻ nếu được chỉ định. Trẻ em sẽ được gây tê, tiến hành chích tháo mủ nhằm nạo bỏ tổ chức hạt và hoại tử, băng ép trong vài giờ. Sau đó, tiếp tục dùng thuốc tra nhỏ, thuốc mỡ thêm vài ngày cho trẻ. Thông thường không cần dùng thêm kháng sinh đường toàn thân sau khi chích lẹo trừ khi có áp - xe.
2.3. Giai đoạn muộn hoặc lẹo đã có biến chứng
Phải dùng kháng sinh đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch, có thể được chỉ định chích rạch dẫn lưu mủ. Khi đó, cha mẹ nên cho trẻ nhập viện điều trị nội trú để các bác sĩ có thể theo sát được tình trạng bệnh của trẻ và can thiệp khi cần thiết.
3. Thuốc trị lẹo mắt
Thông thường, bác sĩ nhãn khoa sẽ kê đơn thuốc kháng sinh điều trị lẹo mắt theo đường uống. Thuốc bôi lẹo mắt cho trẻ em hoặc thuốc nhỏ mắt thường ít hiệu quả hơn nhưng vẫn có thể được kê đơn trong một số trường hợp.
Tùy theo mức độ nhiễm trùng, tiền sử dị ứng và tiền sử bệnh của trẻ mà bác sĩ có thể kê đơn phù hợp. Dưới đây là một số loại thuốc trị lẹo mắt bao gồm:
- Thuốc nhỏ mắt hỗ trợ điều trị lẹo mắt: Khi trẻ bị lẹo mắt, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc nhỏ mắt trị lẹo chứa các thành phần bao gồm: Levofloxacin; Natri sulfamethoxazol; Ciprofloxacin; Neomycin; Polymyxin B
- Thuốc bôi lẹo mắt cho bé: Kháng sinh điều trị lẹo mắt cũng có ở dạng bôi, các thuốc bôi lẹo thường có thành phần bao gồm: Chlortetracycline; Oxytetracycline; Chloramphenicol; Tobramycin; Neomycin, dạng thuốc mỡ; Polymyxin B, dạng thuốc mỡ.
- Thuốc kháng sinh điều trị lẹo mắt
Một số loại thuốc kháng sinh điều trị lẹo mắt đường uống thường được kê đơn như sau:
- Erythromycin
- Amoxicillin
- Doxycycline
- Cefalexin
- Cephalosporin.
Mụn lẹo sẽ dần khỏi sau khoảng 2 ngày sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải được uống kháng sinh đủ liều đã được kê đơn ngay cả khi đã khỏi, thường là trong 7 ngày để đảm bảo tác dụng.
Ngoài công dụng của kháng sinh điều trị lẹo mắt đem lại, cũng giống như các loại thuốc khác, các loại kháng sinh này có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người dùng.
Thuốc kháng sinh điều trị lẹo mắt đường uống có thể gây khó chịu cho dạ dày, đau bụng, hoặc các vấn đề về đường ruột (như tiêu chảy, buồn nôn hoặc có cảm giác chán ăn...)
Thuốc kháng sinh dùng tại chỗ thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc bôi lẹo mắt cho trẻ em thường gây ra các phản ứng tại chỗ như bỏng rát, kích ứng mắt, hoặc xuất hiện cảm giác châm chích, phát ban da.
Các loại thuốc khác nhau sẽ có những tác dụng phụ khác nhau. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để biết các tác dụng phụ có thể xảy ra và tương tác thuốc dựa trên từng trường hợp cụ thể.
4. Những phương pháp điều trị tại nhà khác
Lẹo mắt đa số thường bị nhẹ và có thể tự khỏi. Vì vậy, cha mẹ không nên lạm dụng sử dụng kháng sinh điều trị lẹo mắt cho bé nếu chưa được bác sĩ kê đơn. Lạm dụng kháng sinh không những có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng cho con trẻ mà còn làm giảm hiệu quả của thuốc kháng sinh trong tương lai. Vì vậy, cha mẹ nên áp dụng các mẹo chăm sóc tại nhà để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và thúc đẩy mụn lẹo nhanh lành. Các phương pháp điều trị lẹo tại nhà như sau:
- Để yên: Tuyệt đối không tiến hành bóp hoặc nặn mủ từ mụn lẹo bởi có thể khiến nhiễm trùng lan rộng hơn.
- Làm sạch mí mắt: Cha mẹ nên nhẹ nhàng rửa mí mắt bị lẹo của trẻ bằng nước sạch hoặc nước muối pha loãng.
- Chườm ấm: Phụ huynh hãy dùng khăn sạch thấm nước ấm và đắp lên mắt đã nhắm. Liên tục làm ướt lại khăn khi khăn đã giảm nhiệt. Lặp lại điều này trong 5 đến 10 phút để giúp giảm đau và nhanh khô cồi mụn.
- Không đeo kính áp tròng: Nếu trẻ có đeo kính áp tròng, hãy cố gắng không đeo chúng cho đến khi hết bệnh.
- Thường xuyên rửa tay kỹ lưỡng cho trẻ, đặc biệt là trước khi chạm vào mặt và mắt.
Tóm lại, tuyệt đối không nên lạm dụng kháng sinh điều trị lẹo mắt cho trẻ nếu chưa có sự chỉ định và kê đơn từ bác sĩ. Đừng quá lo lắng khi trẻ bị mụn lẹo, tình trạng này sẽ nhanh khỏi nếu cha mẹ đảm bảo việc giữ vệ sinh và ngăn ngừa nhiễm trùng tiến triển.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.