Dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng, giúp tuyến giáp hoạt động khỏe mạnh, đồng thời hỗ trợ người có vấn đề tuyến giáp trong điều trị bệnh và phục hồi sức khỏe. Vậy những thực phẩm nào tốt cho tuyến giáp và những thực phẩm nào có tác động tiêu cực đến tuyến giáp?
1. Tìm hiểu về chức năng của tuyến giáp
Tuyến giáp là một cơ quan rất nhỏ nằm phía trước cổ (tương đương với đốt sống cổ 5 - đốt sống ngực 1) và có hình dạng giống con bướm, có thể tích trung bình khoảng 10 - 15 ml. Đây là tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể. Phía trước tuyến giáp là da và các tổ chức dưới da như mỡ, cơ vùng cổ, phía sau tuyến giáp là khí quản và thực quản. Cấu tạo thường thấy của tuyến giáp bao gồm 2 thùy (thùy phải, thùy trái) và 1 eo tuyến nối 2 thùy lại với nhau. Đôi khi có thể có 1 thùy nhú phía trên thùy eo, gọi là thùy tháp.
Tuyến giáp đảm nhận nhiều vai trò quan trọng đối với hoạt động của cơ thể. Chức năng chính của tuyến giáp là tiết ra các hormone tuyến giáp (Triiodothyronin - T3 và Thyroxine - T4) giúp kiểm soát các hoạt động của tất cả các cơ quan trong cơ thể.
Trên thực tế, có rất nhiều bệnh lý về tuyến giáp thường gặp như: Cường giáp, suy giáp, nang tuyến giáp, u tuyến giáp,... Các bệnh lý về tuyến giáp có rất nhiều đặc điểm rất khác nhau, và do đó cũng có những chế độ ăn rất khác nhau. Có loại thực phẩm này tốt cho bệnh lý này, nhưng lại không tốt cho bệnh lý khác. Do đó việc tìm hiểu kỹ về các loại thực phẩm là hết sức quan trọng để xây dựng được chế độ ăn phù hợp với từng bệnh lý khác nhau.
2. Thực phẩm tốt cho sự hoạt động của tuyến giáp
Dưới đây là một số loại thực phẩm tốt cho sự hoạt động của tuyến giáp, những nhóm thực phẩm này nên được bổ sung hàng ngày với tất cả mọi người, kể cả có tuyến giáp khỏe mạnh.
- Iốt: Iốt là thành phần rất cần cho tuyến giáp, bởi nó là nguyên liệu chính cho tuyến giáp sản sinh ra các hormon cần thiết. Cách đơn giản nhất để bổ sung iốt là sử dụng muối iod, ăn các tảo, rong biển, trứng, các loại cá biển hay các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, pho mai.... Lưu ý rằng bổ sung quá nhiều iod cũng có thể gây ra ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp, nhưng những rối loạn do thừa iod là rất rất hiểm gặp.
- Các thực phẩm giàu selen: Selen hay selenium là một khoáng chất rất cần cho sức khỏe chung của các tế bào tuyến giáp. Nó là chất cần thiết cho sự sản xuất hormone tuyến giáp và giúp tránh những tác hại xấu đến tế bào giáp. Các thực phẩm giàu selen bao gồm các loại hạt, các ngừ, cá mòi, trứng và các loại đậu, đỗ...
- Các thực phẩm giàu kẽm: Giống như Selen, kẽm cần thiết cho sự hoạt động của tuyến giáp. Thậm chí việc bổ sung kẽm có thể giúp cải thiện chức năng tuyến giáp ở các bệnh nhân suy giáp do viêm giáp Hashimoto. Kẽm được tìm thấy trong nhiều thực phẩm khác nhau như hàu, thịt đỏ, thịt gia cầm và các loại hạt, hay trong một số loại hải sản.
- Một số vi chất dinh dưỡng quan trọng khác: Cũng giống như các cơ quan khác nhau trong cơ thể, tuyến giáp cần có đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết khác để có thể hoạt động tốt, do đó một chế độ ăn đầy đủ các vi chất dinh dưỡng là rất cần thiết, đặc biệt là vitamin D, vitamin B12, Magie và sắt.
3. Những thực phẩm có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp
Trái lại với những thực phẩm tốt cho hoạt động của tuyến giáp, có một số thực phẩm có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
- Đậu nành: Trong đậu nành có thành phần isoflavone, được biết đến với 2 hợp chất chính là genistein, daidzein. Cả 2 hợp chất này đều có thể ức chế quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, may mắn rằng iod sẽ ngăn chặn quá trình ức chế này, do đó, nếu chế độ ăn đầy đủ lượng iod thì đậu nành hoàn toàn có thể được sử dụng một cách bình thường trong bữa ăn hàng ngày
- Các loại rau họ cải: Súp lơ (bông cải xanh), cải bắp, su hào, rau chân vịt... có chứa isothiocyanates có thể ngăn chặn quá trình iod đi vào trong tuyến giáp của bạn. Do đó nó sẽ ức chế quá trình sinh hormone của tuyến giáp, làm cho tuyến giáp của bạn giảm khả năng hoạt động. Mặc dù vậy, tình trạng ức chế iod chỉ xảy ra khi bạn ăn những loại rau này mà không nấu chín. Việc nấu chín kỹ các loại rau họ cải có thể giảm bớt quá trình ngăn iod đi vào trong tuyến giáp, và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp của bạn.
- Các loại quả mọng: Các loại quả mọng chứa Goitrogenic, là một chất được cho rằng sẽ ngăn ngừa quá trình hoạt động bình thường của tuyến giáp. Những loại quả này bao gồm: mơ, mận, lê, dâu tây, cherry...
Tóm lại, tuyến giáp là một cơ quan rất quan trọng trong cơ thể, nhưng lại dễ bị ảnh hưởng bởi các loại thực phẩm khác nhau. Mặc dù vậy, hầu hết các loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp đều có cách khắc phục. Do đó, nếu bạn có hoặc muốn có một tuyến giáp khỏe mạnh, hãy duy trì một chế độ ăn phù hợp và đẩy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.