Việc duy trì huyết sắc tố hemoglobin trong giới hạn sinh lý rất quan trọng với phụ nữ mang thai. Trong đó, điều kiện tiên quyết là một thực đơn đáp ứng yêu cầu cung cấp đầy đủ năng lượng phù hợp với từng giai đoạn thai kỳ. Đồng thời mẹ bầu nên tập trung nhiều vào các nguồn thực phẩm giàu chất sắt.
1. Vai trò của sắt với bà bầu
Ở người bình thường, nếu nồng độ hemoglobin (Hb) trong máu dưới 13g/dl ở nam, dưới 12g/dl ở nữ sẽ được xem là thiếu máu. Riêng phụ nữ có thai, do nhu cầu sử dụng Hb rất cao, chẩn đoán thiếu máu khi Hb xuống dưới 11g/dl. Nguyên nhân gây thiếu máu ở nhóm đối tượng này thường gặp nhất là thiếu máu do thiếu sắt. Đây là hệ quả của tình trạng cơ thể không được cung cấp đủ lượng sắt cần thiết để tạo hemoglobin, một thành phần có bản chất là protein, đảm nhiệm chức năng chủ yếu của hồng cầu.
Lúc này, thiếu máu ở sản phụ sẽ gây ảnh hưởng xấu không chỉ bản thân người mẹ mà còn ở cả thai nhi. Đối với sản phụ, sảy thai dễ xảy ra trong tam cá nguyệt đầu hay thai lưu hoặc vỡ ối sớm, nhau bong non, sinh non trong tam cá nguyệt cuối. Đồng thời, giai đoạn thai kì cũng phải đối diện với nguy cơ cao bị tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật – sản giật, nhiễm trùng ối, ối vỡ sớm; giai đoạn chuyển dạ dễ bị chuyển dạ kéo dài, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản. Khi trẻ chào đời, bà mẹ có thể bị thiếu sữa nuôi con, dễ suy kiệt... Đối với bào thai, tình trạng suy thai trường diễn do suy dinh dưỡng thường gặp. Trẻ sinh ra hay bị nhẹ cân, sinh non tháng, vàng da sau sinh, thời gian điều trị dưỡng nhi kéo dài. Bên cạnh đó, con của những bà mẹ thiếu máu trong thai kỳ sẽ bị tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch cao hơn trẻ khác về sau này.
Trắc nghiệm: Chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ của mẹ bầu như thế nào?
3 tháng đầu được coi là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của thai nhi. Để phát triển toàn diện, thai nhi cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là các vi chất cần thiết. Làm bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I, Lê Hồng Liên , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
2. Các thực phẩm chứa nhiều sắt cho bà bầu
Các nguồn thực phẩm giàu chất sắt được trình bày sau đây:
2.1. Thịt đỏ
Chất sắt được quan sát thấy có nhiều trong thịt động vật, nhất là thịt đỏ. Cụ thể là thịt bò, thịt heo, thịt cừu... Thịt càng sẫm màu thì càng chứa nhiều chất sắt.
2.2. Gan và nội tạng động vật
Bên cạnh thịt, đây cũng là thành phần cực kỳ bổ dưỡng. Các loại nội tạng phổ biến dễ chế biến là gan, thận, não và tim - tất cả đều chứa nhiều chất sắt. Chẳng những vậy, thịt nội tạng cũng giàu protein, vitamin A, vitamin B, đồng, selen và nhất là choline, đặc biệt tốt cho sự hình thành và phát triển trí não của thai nhi.
2.3. Động vật thân mềm
Động vật thân mềm là những loài sống dưới nước có vỏ cứng. Chúng thường được chế biến thành những món ăn khá ngon và bổ dưỡng, như sò, ốc, trai, nghêu... Chẳng hạn, một phần nghêu 100 gram có thể chứa tới 28 mg sắt, đủ lượng sắt cần cho một ngày.
2.4. Rau chân vịt (cải bó xôi)
Rau chân vịt hay còn gọi là cải bó xôi, cũng như các nguồn rau có lá xanh đậm khác, chứa nhiều chất sắt nhưng lại rất ít calo, thích hợp cho các mẹ bầu muốn tránh béo phệ.
Tuy nhiên, chất sắt từ thực vật khó hấp thu hơn chất sắt từ động vật nhưng rau chân vịt lại rất giàu vitamin C. Điều này làm tăng đáng kể sự hấp thụ sắt.
2.5. Bông cải xanh
Cùng là một thành viên của gia đình rau họ cải, bông cải xanh cũng cực kỳ bổ dưỡng và là nguồn cung cấp chất sắt khá tốt. Hơn thế nữa, bông cải xanh cũng có nhiều folate, vitamin K và một lượng lớn chất xơ.
2.6. Các loại đậu
Các loại đậu như đậu xanh, đậu Hà Lan và đậu nành hay tàu hũ... thực sự là nguồn protein và chất sắt tuyệt vời cho người ăn chay, không ngoại trừ mẹ bầu. Không những thế, các loại đậu cũng có thể chế biến thành món ăn vặt cho các mẹ bầu nhâm nhi, vừa không phải tiêu thụ quá nhiều calories, vừa cung cấp lượng lớn chất xơ hòa tan.
2.7. Hạt bí ngô
Hạt bí ngô cũng là một nguồn dồi dào chất sắt, thường được dùng như một món ăn nhẹ, ngon miệng và tiện sử dụng. Ngoài ra, hạt bí ngô còn cung cấp vitamin K, kẽm, mangan, magiê giúp giảm nguy cơ đề kháng insulin, tiểu đường và trầm cảm.
2.8. Sô-cô-la đen
Thật ngạc nhiên khi sô-cô-la đen cũng là một nguồn cung cấp chất sắt. Đây là một món khoái khẩu của nhiều người và cả mẹ bầu hay thèm ăn vặt giữa các cữ. Ngoài ra, sô-cô-la còn có hoạt tính chống oxy hóa cao, có lợi đối với cholesterol và giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch.
3. Cách tiêu thụ chất sắt hiệu quả như thế nào?
Sắt từ thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ có khả năng hấp thu tốt hơn so với sắt từ nguồn gốc thực vật. Vì vậy, các sản phụ ưu tiên ăn nhiều thịt, cá, trứng, vừa tăng thể lực cho mẹ và vừa cung cấp dưỡng chất cho thai nhi.
Việc hấp thu chất sắt sẽ trở nên hiệu quả hơn nếu các mẹ bầu đồng thời tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu vitamin C sau bữa ăn. Lúc này, nguồn trái cây tươi vùng nhiệt đới sẽ cho phép các sự lựa chọn đa dạng cho sản phụ. Đó là các loại hoa quả có tính chua như ổi, cam, quýt, bưởi, dâu, cà chua, kiwi, đu đủ, sơ ri... Nên ăn nguyên trái thay vì ép lấy nước, vì trái cây còn cung cấp lượng lớn chất xơ, giúp mẹ bầu đi đại tiện dễ dàng, phòng tránh táo bón.
Bên cạnh đó, việc cung cấp chất sắt sẽ gặp hạn chế nếu như sản phụ vô tình dùng chung với những chất làm ức chế hấp thu sắt. Đó là chất tannin có trong trà hay chất phytat có trong ngũ cốc thô. Ngoài ra, cũng hạn chế dùng các sản phẩm từ sữa bởi vì các sản phẩm từ sữa ngăn chặn sự hấp thụ chất sắt từ thực phẩm, đặc biệt là đối với phụ nữ; nếu dùng thì nên dùng cách xa bữa ăn chính. Tương tự, chất caffeine cũng kìm hãm sự hấp thụ chất sắt từ thực phẩm; do đó, cũng không uống cà phê, coca hay nước ngọt có gas trong bữa ăn mà chỉ uống sau ăn 2 tiếng.
Riêng với các sản phụ gặp vấn đề thiếu máu hồng cầu nhỏ do thiếu sắt nổi bật, không đảm bảo cải thiện với chế độ ăn đơn thuần thì nên dùng thêm viên thuốc sắt. Nên chọn loại có phối hợp acid folic, giúp đề phòng các dị tật bẩm sinh thai nhi do thiếu acid folic như thai vô sọ, cột sống chẻ đôi...
Sắt rất quan trọng với cả thai phụ và thai nhi, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bà bầu trong khi mang thai và khi sinh. Nguy cơ băng huyết, sản giật, nhiễm trùng hậu sản cao, vô cùng nguy hiểm. Để biết rõ mình có thiếu sắt hay không, khi khám thai, bạn thực hiện xét nghiệm Ferritin đặc biệt khi phụ nữ mang thai có những biểu hiện như: cơ thể bị mệt mỏi; người ốm yếu xanh xao; thường xuyên bị nhức đầu chóng mặt. Bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ để được tư vấn kỹ về tình trạng sức khỏe và thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.