Các tác nhân dễ gây viêm nang lông

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Bác sĩ Da Liễu, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Viêm nang lông là bệnh ngoài da thường gặp, xuất hiện do một nhiễm trùng của các nang lông do virus, vi khuẩn hoặc nấm. Viêm nang lông có thể xuất hiện ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Những tác nhân gây viêm nang lông là rối loạn tuyến dầu, tụ cầu trùng vàng, nấm men,...

1. Tổng quan về viêm nang lông

Viêm nang lông là bệnh lý nhiễm trùng ở nang lông do các nguyên nhân như vi khuẩn, virus, nấm,... Biểu hiện của viêm nang lông là các sẩn, mụn mủ, vảy tiết ở cổ nang lông, ngứa tại vùng da bị viêm, sau đó vùng da viêm sần sùi nốt đỏ, lông không mọc ra ngoài được mà xoắn vào bên trong, gây ngứa ở vùng nang lông. Những nốt đỏ mọc quanh vùng da bị viêm không lớn nhưng dày đặc gây thiếu thẩm mỹ và ảnh hưởng tới sinh hoạt của bệnh nhân.

Sau khi các nốt đỏ hình thành và gây ngứa, tình trạng nhiễm khuẩn có thể lan sâu hơn xuống toàn bộ nang lông, thường gặp ở viêm chân tốc. Viêm nang lông sẽ chuyển qua mụn nước có mủ trắng ở đầu, khi sờ vào thấy đau nhức. Sau đó, các mụn nước vỡ ra, đóng vảy làm khô da. Cuối cùng, bệnh có thể biến chứng thành áp xe, nhọt, nhọt cụm, ổ gà hoặc viêm mô dưới da.

2. Các tác nhân gây viêm nang lông

Các tác nhân gây viêm nang lông bao gồm: tác nhân bên trong cơ thể và tác nhân bên ngoài cơ thể bệnh nhân. Cụ thể là:

2.1 Tác nhân bên trong cơ thể

  • Rối loạn tuyến dầu: Tuyến dầu (tuyến nhờn) hoạt động quá mức hoặc chất dầu ngày càng đặc tính sẽ gây bức bí, làm kín nang lông, cản trở sự phát triển của sợi lông. Do tốc độ thay mới tế bào tăng bất thường nhưng lại không được bài tiết lên bề mặt da, chúng tích tụ lại trong nang lông và làm kín chặt nang lông, gây viêm;
  • Mất cân bằng về độ axit: Làm tăng tốc độ mất nước ở da, tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm bên trong nang lông;

Mắc một số bệnh lý: Suy giảm sức đề kháng, rối loạn thần kinh, mắc bệnh đường tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa, mắc bệnh nội tiết, tiểu đường,...


Tiểu đường là một trong những tác nhân gây bệnh viêm nang lông
Tiểu đường là một trong những tác nhân gây bệnh viêm nang lông

2.2 Tác nhân bên ngoài cơ thể

Có nhiều nguyên nhân viêm nang lông. Đa số các trường hợp viêm nang lông là do tụ cầu trùng. Ngoài ra, vi khuẩn gram âm, Proteus, Pseudomonas, nấm men, nấm sợi, virus herpes, u mềm lây và ký sinh vật demodex,... cũng gây viêm nang lông.

Biểu hiện lâm sàng theo vùng da bị viêm và tác nhân gây viêm nang lông là:

  • Viêm nang lông vùng mặt: Thường do tụ cầu, trứng cá bội nhiễm hoặc vi khuẩn gram âm, u mềm lây và nhiễm Demodex folliculorum ở nang lông
  • Viêm nang lông vùng râu: Do tụ cầu trùng vàng (Staphylococcus aureus), các vi khuẩn gram âm, nấm sợi, virus herpes, u mềm lây và nhiễm Demodex gây thương tổn tương tự trứng cá đỏ. Bệnh thường dai dẳng, khó trị, tái phát nhiều lần. Tình trạng viêm có thể nghiêm trọng hơn khi nhiễm trùng lan sâu vào nang lông, gây áp xe hoặc nhọt
  • Viêm nang lông vùng da đầu và vùng gáy: Do tụ cầu trùng và nấm sợi
  • Viêm nang lông ở chân: Hay gặp ở phụ nữ có thói quen cạo lông hoặc tẩy lông chân
  • Viêm nang lông ở các vùng da khác: Ở nách thường do tụ cầu trùng, Pseudomonas aeruginosa, nấm men Malassezia, Candida; ở mông và các vùng da nóng ẩm chủ yếu là do tụ cầu trùng và nấm sợi

3. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm nang lông

  • Mắc bệnh về da như viêm da và mụn trứng cá
  • Bị lông mọc ngược do cọ xát với quần áo hoặc cạo râu
  • Bị thương do tai nạn hoặc phẫu thuật
  • Sử dụng một số loại thuốc như kem bôi steroid hoặc kháng sinh trị mụn trứng cá lâu dài tạo điều kiện cho các vi khuẩn kỵ khí phát triển
  • Béo phì
  • Mắc bệnh làm giảm sức đề kháng với vi khuẩn, virus như tiểu đường, bệnh bạch cầu, suy thận, ghép tạng hoặc HIV/AIDS;
  • Sinh sống ở những vùng khí hậu nóng và ẩm

4. Các biện pháp phòng bệnh


Uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi để có làn da khỏe mạnh, đủ dưỡng chất
Uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi để có làn da khỏe mạnh, đủ dưỡng chất
  • Uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi để cung cấp đủ dưỡng chất cho một làn da khỏe mạnh
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ hằng ngày để tránh trình trạng da tiết bã quá nhiều, phòng tránh bệnh viêm nang lông
  • Bảo vệ da trước những loại hóa chất, chế phẩm vệ sinh có thành phần tẩy rửa mạnh
  • Không đội mũ nón chật, mặc quần áo chật
  • Chọn trang phục thoải mái bằng chất liệu cotton
  • Tránh dùng chung vật dụng cá nhân, đặc biệt là khăn tắm
  • Tránh cạo lông nếu có thể
  • Tránh sử dụng sản phẩm gây tiết nhiều dầu trên da

Bệnh nhân viêm nang lông chú ý, nếu có biểu hiện nhiễm trùng, có mủ, các nốt viêm lan rộng hoặc tái phát thì cần đi khám da liễu để có biện pháp điều trị phù hợp. Trong trường hợp bị viêm nhẹ, bệnh nhân chỉ cần giữ da sạch sẽ, thực hiện các biện pháp như vệ sinh da bằng xà phòng có chứa chất kháng sinh, dùng thuốc kháng sinh ngoài da và giặt khăn, quần áo bằng nước nóng sau mỗi lần sử dụng là được.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói khám và tư vấn điều trị viêm da cơ địa dị ứng dành cho mọi khách hàng ở mọi lứa tuổi. Khách hàng có nguy cơ như cơ địa dị ứng, bị ảnh hưởng của điều kiện môi trường xung quanh như thời tiết, khí hậu, độ ẩm,...sẽ được khám và thực hiện các xét nghiệm bao gồm:

  • Khám chuyên khoa Da liễu
  • Thực hiện các xét nghiệm như: định lượng IgE, vi nấm soi tươi, định lượng IgE đặc hiệu với các dị nguyên dị ứng hô hấp – thức ăn (Panel 1 Việt), xét nghiệm Rida Allergy Screen (panel 1)...

Bác sĩ Thu Hằng đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực da liễu. Đặc biệt dày dặn kinh nghiệm trong điều trị bệnh da người lớn và trẻ em, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh da tự miễn và hiếm gặp. Bác sĩ từng đạt các chứng chỉ, bằng đại học trong và ngoài nước như: Bằng chuyên khoa I - Da liễu, Đại học Y Hà Nội, Bằng DFMS - Da liễu, Đại học Paris XIII, Cộng hòa Pháp trước khi là bác sĩ da liễu tại khoa Nội tổng hợp bệnh viện Vinmec Hải Phòng như hiện nay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Healthline.com và Mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe