Với thành phần chính là Bisoprolol fumarat, Prolol savi 10 giúp điều trị dứt điểm tình trạng bệnh lý về tim mạch như đau thắt ngực, tăng huyết áp,... giúp bệnh nhân cải thiện hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Vậy thuốc Prolol savi 10 là thuốc gì? Thuốc Prolol savi 10 có tác dụng gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những công dụng thuốc Prolol savi 10.
1. Công dụng thuốc Prolol savi 10 là gì?
1.1. Thuốc Prolol savi 10 là thuốc gì?
Prolol savi 10 thuộc nhóm thuốc tim mạch, có số đăng ký VD-13870-11, được sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược phẩm Savi Pharm – Việt Nam.
Thuốc Prolol savi 10 có thành phần chính là Bisoprolol fumarat (2:1) hàm lượng 10mg, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim vỉ 10 viên, 3 vỉ một hộp.
Thuốc được khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành.
1.2. Thuốc Prolol savi 10 có tác dụng gì?
Bisoprolol tác dụng chọn lọc trên tim, phong bế hệ thần kinh giao cảm giúp làm giảm nhịp tim nên được dùng trong điều trị loạn nhịp nhanh. Bisoprolol cũng làm giảm sức co của cơ tim và gây hạ huyết áp. Do làm giảm nhịp tim và sức co cơ tim, các chất chẹn beta làm giảm nhu cầu oxy cho tim, giúp giải quyết được nguyên nhân gây nên cơn đau thắt ngực.
Thuốc Prolol savi 10 được bác sĩ kê đơn chỉ định trong các trường hợp:
- Tăng huyết áp từ nhẹ đến vừa. Có thể dùng đơn trị liệu hoặc phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác, đặc biệt là thuốc lợi tiểu.
- Cơn đau thắt ngực.
- Hỗ trợ trong điều trị bệnh suy tim mãn tính ổn định.
2. Cách sử dụng của Prolol savi 10 thuốc huyết áp
2.1. Cách dùng thuốc Prolol savi 10
Thuốc dùng đường uống
2.2. Liều dùng của thuốc Prolol savi 10
Điều trị tăng huyết áp và đau thắt ngực ổn định mạn tính:
Liều đầu tiên thường dùng: 2, 5 - 5 mg, mỗi ngày một lần; người bệnh có bệnh co thắt phế quản bắt đầu điều trị với liều 2,5 mg, mỗi ngày một lần. Có thể tăng dần liều dung nạp tới mức tối đa 20 mg, một lần mỗi ngày.
Điều trị suy tim mạn ổn định:
+ Việc điều trị phải do bác sĩ chuyên khoa tim mạch theo dõi. Trước khi điều trị bisoprolol, người bệnh bị suy tim mạn không có đợt cấp tính trong vòng 6 tuần và phải được điều trị ổn định, Sau đó bắt đầu dùng thêm bisoprolol vào phác đồ điều trị với nguyên tắc khởi đầu cùng liều thấp và tăng dần chậm, theo các bước sau:
+ Bước 1: 1,25 mg/lần/ngày (uống vào buổi sáng trong 2 tuần. Nếu dung nạp được, chuyển sang bước.
+ Bước 2: 2,5 mg/lần/ngày trong 2 tuần, nếu dung nạp được tốt, chuyển sang bước 3
+ Bước 3: 5 mg/lần/ngày trong 4 tuần sau, nếu dung nạp tốt, chuyển sang bước 4. + Bước 4: 7,5 mg/lần/ngày trong 4 tuần sau, nếu dung nạp tốt, chuyển sang bước 5.
+ Bước 5: 10 mg/lần/ngày để điều trị duy trì. Sau khi bắt đầu cho liệu đầu tiên 1,25 mg, người bệnh được theo dõi trong vòng 4 giờ (đặc biệt theo dõi huyết áp, tần số tim, rối loạn dẫn truyền, các dấu hiệu suy tim nặng lên).
+ Liều tối đa khuyến cáo: 10mg/lần/ngày.
+ Điều trị suy tim mạn ổn định bằng bisoprolol là một điều trị lâu dài, không được ngừng đột ngột, có thể làm suy tim nặng lên. Nếu cần ngừng, phải giảm liều dần dần, chia liều ra một nửa mỗi tuần.
Suy gan hoặc suy thận:
+ Bệnh nhân có tổn thương thận (Cler < 40ml/phút) hoặc tổn thương gan nên khởi đầu liều 2,5 mg/lần/ngày; phải hết sức thận trọng tăng liều ở những người bệnh này.
+ Bệnh nhân có Cler < 20ml/phút, có cơn đau thắt ngực và tăng huyết áp có kèm tổn thương gan nặng không nên dùng quá 10 mg/lần/ngày.
Người cao tuổi: Không cần phải hiệu chỉnh liều.
2.3. Xử trí khi quên liều và quá liều khi dùng thuốc Prolol savi 10
Dùng liều đó ngay khi nhớ ra, nếu gần với thời gian sử dụng liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên, chỉ sử dụng liều tiếp đó. Không dùng gấp đôi liều.
Các dấu hiệu quả liều thuốc gồm có nhịp tim chậm, hạ huyết áp và ngủ lịm và nêu nặng, mê sảng, hôn mê, co giật và ngừng hô hấp, suy tim sung huyết, co thắt phế quản và giảm glucose huyết có thể xảy ra, đặc biệt ở người đã có sẵn bệnh ở các cơ quan này.
Trong trường hợp quá liều, người bệnh cần đến gặp ngay bác sĩ hoặc các cơ sở y tế gần nhất.
3. Chống chỉ định của thuốc Prolol savi 10
- Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Bisoprolol fumarat của thuốc
- Người bệnh có sốc do tim, suy tim cấp, suy tim chưa kiểm soát được bằng điều trị nền, suy tim độ III hoặc độ IV với chức năng co bóp thất trái thấp (ET < 30%), blốc nhĩ - thất độ hai hoặc ba và nhịp tim chậm xoang (dưới 60 ml/phút trước khi điều trị), bệnh nút xoang.
- Hen nặng hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính năng. Hội chứng Reynaud nặng. U tủy thượng thận (u tế bào da crôm) khi chưa được điều trị. Huyết áp thấp (< 100 mmHg). Toan chuyển hóa. Mẫn cảm với bisoprolol hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
4. Tác dụng phụ của thuốc Prolol savi 10
Rất thường gặp:
Tim mạch: Nhịp tim chậm.
Thường gặp:
- Tim mạch: Suy tim.
- Thần kinh: Chóng mặt, nhức đầu.
- Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón.
- Mạch máu: Cảm giác lạnh hoặc tệ ở các chi, hạ huyết áp,
- Chung: Suy nhược, mệt mỏi.
Ít gặp:
- Tim mạch: Rối loạn dẫn truyền nhĩ - thất.
- Cơ xương: Yếu cơ, chuột rút.
- Tâm thần: Rối loạn giấc ngủ, trầm cảm.
- Hô hấp: Co thắt phế quản ở bệnh nhân hen phế quản hoặc có tiền sử bệnh đường hô hấp.
Hiếm gặp:
- Thần kinh: bệnh nhân có thể bị ngất.
- Thị giác: Giảm tiết nước mắt (cần phải xem xét nếu bệnh nhân có sử dụng kính áp tròng).
- Thính giác: Rối loạn thính giác mức độ nhẹ và vừa.
- Hô hấp: Tình trạng viêm mũi dị ứng.
- Da và các mô dưới da: Phản ứng quá mẫn với da như ngứa, phát ban, đỏ bừng.
- Gan: tình trạng viêm gan.
- Sinh sản: có rối loạn chức năng sinh sản.
- Tâm thần: Hay gặp ác mộng, ảo giác.
Rất hiếm gặp:
- Thị giác: Viêm kết mạc.
- Da và các mô dưới da: Các thuốc chẹn beta có thể gây ra hoặc làm trầm trọng hơn bệnh vẩy nến hoặc gây ra phát ban vẩy nến, rụng tóc.
Các bất thường xét nghiệm:
- Thường có sự tăng triglycerid huyết thanh nhưng không chắc do thuốc gây ra.
- Có sự tăng nhẹ acid uric, creatinin, BUN, kali huyết thanh, glucose và phospho, sự giảm nhẹ tế bào bạch cầu và tiểu cầu. Những sự thay đổi này không có ý nghĩa lâm sàng quan trọng và hiếm khi phải ngưng dùng Bisoprolol fumarate.
5. Lưu ý khi dùng thuốc Prolol savi 10
- Không nên phối hợp với các thuốc chẹn beta khác.
- Điều trị đồng thời Bisoprolol với các thuốc làm cạn kiệt catecholamine (reserpin, alpha-methyldopa, clonidin và guanethidine) có thể làm giảm đáng kể nhịp tim. Ở bệnh nhân được điều trị đồng thời với clonidine, nếu muốn ngừng thuốc, khuyến cáo nên ngưng sử dụng Bisoprolol trong vài ngày trước khi ngưng clonidine.
- Sử dụng đồng thời Bisoprolol với thuốc làm giãn cơ tim hay ức chế dẫn truyền nhĩ thất như một số thuốc đối vận calci (đặc biệt là nhóm phenylalkylamine [verapamil] và nhóm benzothiazepine [diltiazem]), hoặc tác nhân chống loạn nhịp (disopyramide) có thể xảy ra hạ huyết áp, nhịp chậm, loạn nhịp tim hoặc suy tim.
- Khi dùng đồng thời với reserpin, alpha-methyldopa, guanfacine, clonidine hoặc các glycosid có thể làm giảm đáng kể nhịp tim.
- Rifampicin làm tăng chuyển hóa thải trừ Bisoprolol fumarate do đó rút ngắn thời gian bán thải của thuốc. Tuy nhiên, việc điều chỉnh liều của Bisoprolol là không cần thiết.
- Sử dụng Bisoprolol cùng lúc với insulin và thuốc làm giảm đường huyết đường uống, có thể làm tăng khả năng tác dụng của chúng. Các triệu chứng hạ đường huyết (đặc biệt là nhịp tim nhanh) bị che lấp đi hoặc bị giảm nhẹ. Hàm lượng đường huyết phải được kiểm tra theo dõi một cách đều đặn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.