Các phương pháp hỗ trợ cho trẻ sơ sinh suy hô hấp

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Triệu Thị Hồng Thái - Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Hệ hô hấp, tuần hoàn của trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh non chưa được chuyển đổi hoàn toàn từ hệ hô hấp, tuần hoàn bào thai sau sinh và cần thời gian để trưởng thành. Nên trẻ dễ suy hô hấp, suy tuần hoàn hơn trẻ đủ tháng.

Khi trẻ sơ sinh khó thở, hệ hô hấp sẽ không cung cấp đủ oxy cho các mô cơ quan trong cơ thể, đặc biệt các cơ quan quan trọng (tim, não, thận, gan). Trẻ rất dễ chuyển sang các rối loạn do thiếu oxy nặng như: tăng áp động mạch phổi dai dẳng, suy tim, viêm ruột, suy thận...

Hỗ trợ hô hấp cho trẻ kịp thời giúp các cơ quan, mô có đủ nuôi dưỡng/cung cấp oxy, tránh tổn thương biến chứng nặng. Các phương pháp hỗ trợ hô hấp cho trẻ sơ sinh chia làm nhiều mức độ, tùy thuộc tình trạng, khả năng đáp ứng của trẻ.


Trẻ sinh non dễ bị suy hô hấp hơn trẻ đủ tháng
Trẻ sinh non dễ bị suy hô hấp hơn trẻ đủ tháng

1. Các phương pháp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập (không đặt nội khí quản)

Chỉ định sau giai đoạn hỗ trợ hô hấp xâm nhập hay với các trẻ suy hô hấp nhẹ - vừa có đáp ứng. Bao gồm:

  • Chỉ hỗ trợ oxy: thường với các trường hợp suy hô hấp ở trẻ đủ tháng, hay giai đoạn sau khi cai thở máy. Như:
  • Thở oxy gọng
  • Thở oxy mask
  • Thở oxy lồng

Hỗ trợ cả áp lực và oxy qua mũi: thở NCPAP đặc biệt hay áp dụng cho các trẻ sinh non giúp nở phổi, hỗ trợ nở phổi khi bơm Surfactant.

  • Thở NCPAP (Nasal continuous positive airway pressure): trẻ được hỗ trợ liên tục 1 áp lực dương cuối thì thở ra giúp phổi nở tốt hơn, giảm gắng sức, giảm ngừng thở cho trẻ.
  • Thở HFNC (High-flow nasal cannula): Sử dụng dòng khí lưu lượng cao, được làm ấm, ẩm hỗ trợ qua gọng mũi cho trẻ, giúp trẻ trao đổi khí tốt hơn, giảm ngừng thở, nhưng áp lực hỗ trợ rất ít.
  • Thở máy mũi: hỗ trợ trẻ cả áp lực khi hít vào và áp lực dương cuối thì thở ra.

Các nguy cơ xảy ra: tổn thương mũi, vách mũi, tràn khí màng phổi.


Trẻ suy hô hấp được hỗ trợ áp lực và oxy qua mũi
Trẻ suy hô hấp được hỗ trợ áp lực và oxy qua mũi

2. Các phương pháp hỗ trợ hô hấp xâm nhập (trẻ cần đặt nội khí quản)

Chỉ định khi đã hỗ trợ bằng phương pháp không xâm nhập nhưng hiệu quả kém hay không có hiệu quả, trẻ vẫn rất gắng sức thở và trao đổi oxy không đạt đích. Hoặc trong một số bệnh lý phải chống chỉ định của hỗ trợ hô hấp không xâm nhập như: thoát vị hoành, trẻ ngừng thở dài, hẹp lỗ mũi sau....Gồm các chế độ thở:

  • Thở máy thường
  • Thở máy HFO: cho các trường hợp bệnh nhân nặng hơn: như hít phân su, tăng áp động mạch phổi, chảy máu phổi, nguy cơ cao tràn khí màng phổi...
  • Thở máy HFO + hít iNO: cho các trường hợp trẻ tăng áp lực động mạch phổi nặng do iNO là khí hỗ trợ giãn mạch máu phổi.
  • ECMO: là hệ thống tuần hoàn tim và/ hoặc phổi nhân tạo, thay thế toàn bộ chức năng phổi khi tổn thương phổi rất nặng không đáp ứng với các phương pháp hỗ trợ hô hấp khác.

Các nguy cơ biến chứng khi trẻ thở máy xâm nhập: Chấn thương do áp lực: tràn khí màng phổi, khí phế thũng,... viêm phổi bệnh viện,...

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe