Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Nam - Khoa Gây mê phẫu thuật, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Ảnh hưởng của truyền máu đồng nhóm; Ảnh hưởng của stress tâm lý; Ảnh hưởng của hạ thân nhiệt chu phẫu đối với tái phát ung thư cũng như Bằng chứng lâm sàng hồi cứu về mối liên quan giữa gây tê vùng và tái phát ung thư sẽ được đề cập trong nội dung bài viết.
1. Ảnh hưởng của truyền máu đồng nhóm
Truyền máu đồng nhóm có liên quan đến điều hòa hệ miễn dịch và cũng có thể liên quan với tăng nguy cơ tái phát ung thư, nhiễm trùng và tử vong chu phẫu. Bạch cầu được truyền có thể tham gia vào quá trình điều hòa miễn dịch liên quan đến truyền máu, dẫn đến thay đổi tế bào lympho tuần hoàn, tế bào T trợ giúp , tỷ lệ tế bào T ức chế và chức năng tế bào B. Các tế bào hồng cầu được chiếu xạ hoặc loại bỏ bạch cầu thường được truyền cho bệnh nhân ung thư, người ta thấy có sự liên quan giữa các bệnh nhân được truyền hồng cầu bị loại bỏ bạch cầu và giảm đáng kể tỷ lệ sống không bệnh và sống sót chung so với các bệnh nhân không được truyền máu . Một phân tích gộp gần đây đã kiểm tra ảnh hưởng của truyền máu đối với tái phát ung thư, sống sót không bệnh và sống sót chung ở bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ ung thư phổi ở 5378 bệnh nhân. Không có kết luận chắc chắn nào được đưa ra, tuy nhiên, dường như có mối liên hệ giữa truyền máu và giảm tỷ lệ sống không có bệnh.
2. Ảnh hưởng của stress tâm lý đến tái phát ung thư
Có tới 30% phụ nữ mắc bệnh ung thư vú bị lo lắng và trầm cảm, và tiền sử trầm cảm có thể dự đoán tái phát ung thư và sống sót chung. Stress tâm lý và lo lắng chu phẫu kích thích các phản ứng stress sinh lý thông qua trục Hạ đồi- Tuyến yên- Thượng thận và hệ thần kinh giao cảm. Điều này dẫn đến việc phóng thích glucocorticoids, opioids nội sinh và catecholamine mà có tác động đáng kể đến môi trường vi mô khối u. Người ta nghĩ rằng chất đối kháng β-adrenoreceptor có thể ức chế một số tác động xấu của stress.
Phụ nữ dùng propranolol- thuốc đối kháng β không chọn lọc trong suốt 1 năm trước khi chẩn đoán ung thư vú ít có khả năng xâm lấn khối u tại chỗ và có tỷ lệ tử vong liên quan đến ung thư thấp hơn so với phụ nữ không uống propranolol. Tác dụng này không thấy ở bệnh nhân dùng atenolol thuốc đối kháng β1 chọn lọc nhưng một số lượng nhỏ phụ nữ trong đoàn hệ propranolol và dữ liệu hồi cứu cho thấy kết quả này nên được giải thích thận trọng.
3. Ảnh hưởng của hạ thân nhiệt chu phẫu đối với tái phát ung thư
Có tới 70% bệnh nhân được gây mê bị hạ thân nhiệt chu phẫu không cố ý do nhiệt độ phòng mổ mát mẻ, điều hòa nhiệt độ bị giảm do gây mê và luồng không khí đối lưu trong phòng mổ. Hạ thân nhiệt gây ra những thay đổi ở cấp độ tế bào tác động tiêu cực đến khả năng miễn dịch bẩm sinh và thích nghi. Thời kỳ ủ bệnh của các tế bào đơn nhân ở người từ những tình nguyện viên khỏe mạnh ở 340C trong 4 giờ liên quan đến sự ức chế trình bày kháng nguyên được đánh giá bằng biểu hiện của HLA-DR. Một nghiên cứu đoàn hệ gần đây đã đánh giá hiệu quả của hạ thân nhiệt (< 360 C) ở bệnh nhân ung thư buồng trứng tiến triển trong phẫu thuật cắt u. Hạ thân nhiệt liên quan với giảm đáng kể sống sót chung, ở mức 34 tháng so với 45 tháng.
4. Bằng chứng lâm sàng hồi cứu về mối liên quan giữa gây tê vùng và tái phát ung thư
Một số phân tích hồi cứu liên quan đến tác động của gây tê vùng trong phẫu thuật ung thư đối với sự tái phát, di căn và sống sót của một số loại u, mang lại bằng chứng mâu thuẫn. Chúng được tóm tắt, cùng với phân tích tiếp theo của một số thử nghiệm ngẫu nhiên, có kiểm soát (FARCT) trước đây được thiết kế để đánh giá kết quả không ung thư ở bảng 2.
Một nghiên cứu cơ sở dữ liệu quy mô lớn gần đây cho thấy việc sử dụng giảm đau ngoài màng cứng kết hợp với gây mê toàn thân trong phẫu thuật ung thư đại trực tràng có liên quan đến khả năng sống sót sau 5 năm được cải thiện (61 so với 56% đối với bệnh nhân gây mê), nhưng không có sự khác biệt nào về tái phát ung thư như đã đánh giá bởi hóa trị hoặc xạ trị. Có lẽ tác động của gây tê vùng là đặc hiệu với khối u, tuy nhiên, sự khác biệt vẫn còn. Các nghiên cứu hồi cứu vốn đã dễ bị ảnh hưởng sự lựa chọn khuynh hướng và chỉ hữu ích để làm nổi bật các liên kết và tạo ra các giả thuyết. Chỉ các thử nghiệm tiền cứu, đa trung tâm, ngẫu nhiên, có kiểm soát mới có thể xác nhận mối liên hệ nhân quả và những thử nghiệm này đang diễn ra ở một số loại u, được tóm tắt trong Bảng 3.
Bảng 3. Tương lai: tóm tắt một số thử nghiệm lâm sàng, ngẫu nhiên, tiền cứu đang thực hiện bởi Outcome Research Consortium, Cleveland, OH
5. Kết luận
Một số, nhưng không phải tất cả, bằng chứng thực nghiệm, động vật và hồi cứu cho thấy mối liên quan giữa phương pháp gây mê và tái phát ung thư, nhưng chỉ các thử nghiệm lâm sàng, tiền cứu, ngẫu nhiên, có thể chứng minh mối liên hệ nhân quả. Bệnh nhân bị ung thư nguyên phát đang tiến hành, ngẫu nhiên để nhận được phương pháp gây mê chống ung thư (bao gồm gây tê vùng kết hợp gây mê toàn thân dựa vào Propofol) hoặc gây mê toàn thân chuẩn với giảm đau opioid, và kết quả được háo hức chờ đợi; điều này cần thêm 3- 7 năm nữa. Trong khi đó, không có bằng chứng hỗ trợ thay đổi thực hành gây mê lâm sàng thường ngày hiện nay ở bệnh nhân phẫu thuật ung thư.
Lược dịch theo A ́. Heaney1 and D. J. Buggy, “Can anaesthetic and analgesic techniques affect cancer recurrence or metastasis?”, British Journal of Anaesthesia 109 (S1): i17–i28 (2012) doi:10.1093/bja/aes421