Thoát vị bẹn ở trẻ là bệnh lý chủ yếu do bẩm sinh thường gặp ở khoảng 2 - 5% trẻ em, nguyên nhân chủ yếu là do còn ống phúc tinh mạc. Tỷ lệ mắc bệnh của bé trai lớn gấp khoảng 9 lần so với các bé gái, chủ yếu về phía bên phải. Trẻ sinh thiếu tháng thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao.
1. Dấu hiệu của bệnh thoát vị bẹn ở trẻ
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của bệnh là khi trẻ có một khối sưng phồng bất thường ở vùng bẹn – bìu đối với bé trai và vùng mu của bé gái. Đặc biệt, kích thước khối u có thể to lên khi vận động mạnh, chơi nhiều hoặc quấy khóc, cũng có thể xẹp xuống khi bé nằm yên ngủ. Khối phồng thường có từ ngay từ khi trẻ chào đời, mềm, nắn không đau. Chính vì vậy, gia đình thường chủ quan, đến khi có những biểu hiện bất thường như đau vùng ống bẹn, nôn hoặc buồn nôn, bụng trướng, khối thoát vị không lên được mới đưa bé đi khám.
Khi được thăm khám, thoát vị bẹn được chẩn đoán xác định khá dễ dàng qua lâm sàng như nhìn, sờ... và siêu âm thoát vị bẹn.
Một số xét nghiệm khác có thể được bác sĩ chỉ định như:
- Soi đèn
- Nội soi ổ bụng
- CT Scan bụng
Khi đã có chẩn đoán là thoát vị bẹn, bé cần được điều trị càng sớm càng tốt. Suy nghĩ chủ quan là để lâu khối phồng sẽ tự xẹp xuống là hoàn toàn sai lầm, vì để càng lâu thì khối thoát vị ngày càng to, thành bụng ngày càng yếu và khả năng phục hồi thành bụng càng khó.
Nếu để lâu, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, như nghẹt, đau ở cổ túi thoát vị, có thể gây tắc ruột, thủng ruột, hoại tử ruột, hoại tử buồng trứng ở bé gái hoặc tổn thương tinh hoàn ở bé trai.
2. Các phương pháp điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em
Nguyên tắc là điều trị ngoại khoa. Bệnh nhân có thể được điều trị theo Phương pháp phẫu thuật truyền thống hoặc Phương pháp mổ nội soi.
Phương pháp phẫu thuật truyền thống: Mổ mở cắt bao thoát vị. Với kỹ thuật mổ hở truyền thống này, bệnh nhân sẽ được gây mê, do đó không cảm thấy đau trong khi phẫu thuật. Bác sĩ chuyên khoa sẽ rạch một vết mổ nhỏ theo nếp lằn bụng dưới, đẩy ruột hoặc tổ chức bên trong bao thoát vị trở lại vào vị trí thích hợp, phẫu tích bao thoát vị và thắt lại. Thời gian nằm viện trung bình tương đối ngắn, chỉ khoảng 2 – 3 ngày.
Phương pháp mổ nội soi: Phẫu thuật nội soi đã được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh thoát vị bẹn. Phẫu thuật nội soi sử dụng những đường rạch da rất nhỏ để đưa dụng cụ vào trong ổ bụng. Kích thước dụng cụ chỉ 3mm, dành riêng cho trẻ em, vết mổ đạt kết quả thẩm mĩ và giảm đau tối đa sau mổ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.