Các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu mãn tính dòng tế bào Lympho T

Đối với bệnh bạch cầu mãn tính dòng tế bào Lympho, tùy vào loại bệnh, mong muốn và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn phương pháp điều trị hữu hiệu nhất. Dưới đây là một số thông tin về các cách tiếp cận điều trị phổ biến với bệnh bạch cầu lympho T mãn tính.

1. Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho T là gì?

Tế bào lympho T là bạch cầu hỗ trợ hệ thống miễn dịch của cơ thể một cách trực tiếp. Bệnh bạch cầu cấp dòng tế bào lympho được chia thành 2 loại cấp tính và mãn tính.

Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho T là khi tế bào lympho T trở thành tế bào ung thư, được phân thành 4 loại gồm:

  • Bệnh bạch cầu dòng tế bào lympho có hạt lớn;
  • Bệnh bạch cầu dòng tế bào tiền lympho T;
  • Bệnh ung thư tế bào bạch cầu dòng lympho trưởng thành;
  • Hội chứng Sezary.

Điều trị bệnh bạch cầu mãn tính
Điều trị bệnh bạch cầu mãn tính

2. Điều trị bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho T như thế nào?

Giám sát chủ động

Giám sát chủ động/quan sát và chờ đợi là quá trình theo dõi định kỳ ở các bệnh nhân bệnh bạch cầu. Bệnh nhân được theo dõi số lượng tế bào máu và làm các xét nghiệm khác nhau để tìm kiếm các dấu hiệu của sự chuyển biến bệnh trong các đợt kiểm tra định kỳ. Nếu người bệnh có các biểu hiện xấu như mệt mỏi, đổ mồ hôi vào ban đêm, hạch bạch huyết sưng to, số lượng tế bào máu giảm xuống thì sẽ được bắt đầu đưa vào điều trị.

Trước khi thực hiện điều trị, bệnh nhân cần phải trao đổi với các bác sĩ về những triệu chứng của bệnh, cân nhắc về lợi ích và các tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra

Hóa trị liệu

Hóa trị liệu là cách thức sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phân chia và phát triển của tế bào ung thư. Hóa trị liệu toàn phần được đưa vào máu bằng cách đặt vào tĩnh mạch một ống truyền tĩnh mạch bằng kim tiêm, hoặc uống thuốc để tiếp cận tế bào ung thư ở khắp cơ thể.

Chu kỳ điều trị hóa trị liệu được kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định, trong một lần bệnh nhân có thể được nhận một loại thuốc hoặc kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau.

Những biểu hiện như mệt mỏi, nhiễm trùng, buồn nôn, nôn, rụng tóc, chán ăn và tiêu chảy là các tác dụng phụ thường gặp ở các bệnh nhân điều trị bằng phương pháp hóa trị. Tuy nhiên, những biểu hiện này chỉ xảy ra trong quá trình điều trị và sẽ biến mất sau khi kết thúc lộ trình điều trị.

Người có khả năng đề xuất điều trị bằng phương pháp hóa trị phải là bác sĩ chuyên khoa ung thư hoặc một nhà huyết học chuyên việc điều trị các chứng rối loạn máu.

Liệu pháp miễn dịch/liệu pháp sinh học

Bản chất của liệu pháp này là thúc đẩy khả năng tự bảo vệ của cơ thể trong việc chống lại bệnh bạch cầu bằng các nguyên liệu được tạo ra từ cơ thể hoặc ở các phòng thí nghiệm, nhằm khôi phục lại chức năng hệ miễn dịch.

Điều trị đích

Đây là phương pháp điều trị hướng đến các gen, protein hoặc môi trường đang giúp cho tế bào ung thư sống sót và phát triển. Phương pháp này ngăn chặn sự phát triển và tăng sinh của tế bào ung thư, đồng thời vẫn giảm thiểu thiệt hại cho các tế bào khỏe mạnh.

Kháng thể đơn dòng là một trong những kiểu điều trị đích đối với bệnh bạch cầu Lympho T. Tế bào bạch cầu được nhận biết và gắn protein đặc hiệu trên bề mặt. Phương pháp này không những không gây ảnh hưởng đến các tế bào không có protein mà còn có thể tiêu diệt một số tế bào ung thư bạch cầu. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải trao đổi với bác sĩ về tác dụng phụ có thể gặp đối với những loại thuốc được đưa vào áp dụng điều trị theo phương pháp này.

Để có được một phương pháp điều trị hữu hiệu nhất, bệnh nhân sẽ được tiến hành các xét nghiệm để xác định gen, protein và các yếu tố liên quan khác đến bạch cầu.

Xạ trị

Phương pháp xạ trị nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách sử dụng tia X hoặc các hạt năng lượng cao. Phương pháp này thường được các bác sĩ nội khoa ung thư chuyên xạ trị thực hiện.

Có 2 loại xạ trị là ngoại xạ trị - dùng chùm tia phóng xạ từ một thiết bị ngoài cơ thể, và nội xạ trị - dùng các chùm tia trong việc thực hiện các cấy ghép. Phác đồ điều trị theo phương pháp này thường được quy định trong khoảng thời gian nhất định. Tác dụng phụ của phương pháp xạ trị có thể kể đến như cảm giác mệt mỏi, đau bụng hoặc có thể gây tiêu chảy.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt bỏ nơi sản sinh ra bạch cầu còn gòn là loại bỏ lách. Bệnh nhân được khuyến cáo nên tìm hiểu thêm các thông tin trước khi thực hiện phương pháp này. Phẫu thuật loại bỏ lách chỉ được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên điều trị ung thư bằng phẫu thuật.


Phẫu thuật cắt bỏ nơi sản sinh ra bạch cầu
Phẫu thuật cắt bỏ nơi sản sinh ra bạch cầu

Ghép tế bào gốc

Ghép tế bào gốc/cấy ghép xương tủy là cách thức đưa các tế bào gốc tạo máu vào thay thế cho tủy xương có chứa bạch cầu. Sau khi được cấy ghép thì các tế bào gốc sẽ phát triển thành tủy xương khỏe mạnh.

Phương pháp này không phổ biến đối với bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu dòng tế bào lympho T vì có thể gặp rủi ro khi thực hiện ghép tế bào, đặc biệt là đối với những người cao tuổi.

Trước khi áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân về rủi ro có thể gặp phải khi điều trị và sẽ thực hiện các đánh giá các yếu tố khác như tiền sử điều trị của bệnh nhân, tuổi và tình trạng sức khỏe chung. Dị ghép Allogeneic là dùng các tế bào hiến tặng còn Autologous là sử dụng tế bào gốc của bệnh nhân để ghép. Đối với bệnh nhân bệnh bạch cầu dòng tế bào lympho T thì thường áp dụng dị ghép


Sau khi được cấy ghép thì các tế bào gốc sẽ phát triển thành tủy xương khỏe mạnh.
Sau khi được cấy ghép thì các tế bào gốc sẽ phát triển thành tủy xương khỏe mạnh.

3. Điều trị các triệu chứng và tác dụng phụ

Một trong những đặc tính của các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu là thường gây ra các tác dụng phụ, vì vậy quá trình điều trị không chỉ cần làm chậm hay hạn chế bệnh mà còn phải kết hợp thực hiện chăm sóc điều trị các triệu chứng và tác dụng phụ do điều trị mang lại. Nói cách khác, bệnh nhân sẽ được thực hiện các chăm sóc giảm nhẹ hoặc hỗ trợ cả về thể chất, tinh thần và xã hội.

Quá trình chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào việc giảm các triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và gia đình người bệnh bằng nhiều phương pháp khác nhau như dùng thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng hoặc cung cấp các hỗ trợ về cảm xúc,... Thực hiện chăm sóc giảm nhẹ càng sớm thì càng thuận lợi cho bệnh nhân trong quá trình điều trị ung thư. Kết hợp song song giữa điều trị bệnh bạch cầu và điều trị giảm nhẹ sẽ giúp bệnh nhân tránh được các tác dụng phụ nghiêm trọng và đảm bảo được chất lượng sống tốt hơn.

Mục đích cuối cùng của các phương pháp tiếp cận điều trị là sự thuyên giảm của các dấu hiệu bệnh, được định nghĩa là khi không xác định được yếu tố bệnh trong cơ thể người bệnh. Sự thuyên giảm này có thể sẽ kéo dài vĩnh viễn nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại, vì vậy bệnh nhân cần phải trao đổi với bác sĩ về khả năng tái phát bệnh, tìm hiểu các nguy cơ và có tâm lý sẵn sàng trong trường hợp bệnh tái phát.

Tuy nhiên, không phải tất cả các phương pháp điều trị sẽ đưa lại kết quả như mong đợi và vẫn còn một số bệnh nhân không được phát hiện và điều trị sớm. Một khi bệnh không được điều trị hoặc kiểm soát thì có thể tiến triển đến giai đoạn cuối. Bệnh nhân ở giai đoạn cuối có thể cân nhắc đến phương pháp chăm sóc đặc biệt để cải thiện chất lượng cuộc sống ở giai đoạn này. Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: cancer.net

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe