Các phương pháp chẩn đoán nghẹt mũi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Nam Phong - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Nghẹt mũi là một triệu chứng thường gặp ở bệnh lý mũi họng hoặc hô hấp, và gặp ở nhiều đối tượng khác nhau. Tuy không nguy hiểm nhưng bệnh làm người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm có thể trở thành bệnh lý mạn tính kéo dài, khó chữa trị.

1. Nghẹt mũi là gì?

Bình thường, khi chúng ta hít thở, không khí sẽ đi qua mũi và được hệ thống lông chuyển lọc bớt bụi bẩn, sau đó được lớp dịch tiết niêm mạc làm ẩm, cuối cùng được làm ấm bởi hệ thống mạch máu trước khi di chuyển xuống họng và tới phổi để hô hấp.

Nghẹt mũi là biểu hiện khi người bệnh không thể thở dễ dàng bằng mũi do cả hai hay một trong hai lỗ mũi bị dịch nhầy hoặc nguyên nhân khác ngăn bít tắc, thay vào đó người bệnh hít thở chủ yếu bằng miệng.

Bệnh nghẹt mũi có thể có nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ chỉ gây cảm giác khó chịu cho người bệnh cho đến mức độ nặng, gây khó thở và thiếu oxy (chủ yếu gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết thở bằng miệng). Bên cạnh đó, để chẩn đoán nghẹt mũi chính xác thì bệnh có thể kèm theo các dấu hiệu khác như: đau đầu, đau vùng mặt, chảy mũi, giảm khứu giác, hắt hơi...

2. Nguyên nhân gây bệnh nghẹt mũi

  • Dị tật bẩm sinh: Một số trẻ sơ sinh từ trong bụng mẹ đã có lớp màng hay mảnh xương bít kín cửa mũi sau, khiến trẻ nghẹt mũi không thở được.
  • Viêm nhiễm: nghẹt mũi có thể là dấu hiệu thường gặp của các bệnh về hô hấp như: Viêm họng, viêm xoang, viêm mũi dị ứng...
  • Chấn thương, dị vật trong mũi dẫn đến bệnh nghẹt mũi
  • Rối loạn nội tiết tố thường gặp ở bà bầu: khi mang thai, lượng estrogen tăng cao khiến màng mũi sưng và đóng dịch nhầy, gây bệnh nghẹt mũi.
  • Dị ứng: những người có cơ địa dị ứng có thể dễ bị ngạt mũi nếu tiếp xúc với các dị nguyên như bụi nhà, phấn hoa, lông thú vật, thức ăn bị dị ứng...
  • Dị dạng khoang mũi như: lệch vách ngăn mũi, tồn tại các khối u, polyp trong mũi... gây ra tình trạng tắc mũi, nghẹt mũi kéo dài.

3. Chẩn đoán nghẹt mũi như thế nào?


Bác sĩ hỏi tình trạng và thăm khám kĩ lưỡng để chẩn đoán nguyên nhân nghẹt mũi
Bác sĩ hỏi tình trạng và thăm khám kĩ lưỡng để chẩn đoán nguyên nhân nghẹt mũi

Với các dấu hiệu của bệnh nhân, bác sĩ sẽ hỏi bệnh, thăm khám kĩ lưỡng để chẩn đoán nghẹt mũi cũng như nguyên nhân gây ra dấu hiệu này. Các phương pháp chẩn đoán nghẹt mũi có thể bao gồm:

  • Soi vùng mũi họng bằng dụng cụ chuyên biệt để phát hiện tình trạng viêm nhiễm, tổn thương, dị vật hoặc nhưng bất thường về mặt giải phẫu của vùng mũi.
  • Chụp X quang vùng mặt để phát hiện các dị tật hoặc dị vật có thể gây ra bệnh nghẹt mũi.
  • CT hoặc MRI là kĩ thuật hiện đại nhất, giúp mô tả chính xác các cấu trúc hoặc tổn thương có thể gây nghẹt mũi.
  • Xét nghiệm máu để tìm ra các dấu hiệu nhiễm trùng trong các bệnh cảnh viêm xoang, viêm mũi để củng cố chẩn đoán nguyên nhân gây nghẹt mũi.

4. Biến chứng của bệnh ngạt mũi

Bệnh nghẹt mũi không phải là một bệnh cấp tính nguy hiểm tức thời đến tính mạng nhưng để bệnh kéo dài sẽ gây ra một số tác hại đáng kể đến sức khỏe người bệnh:

  • Người mệt mỏi, mất ngủ: Người bệnh cảm thấy khó thở, ngủ không ngon khiến người uể oải, mệt mỏi, lâu dần ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
  • Thiếu oxy cho não: Đường đi của không khí bị hạn chế, không khí ấm, sạch không qua được mũi khiến lượng oxy vào phổi giảm dẫn đến thiếu oxy lên não, từ đó gây chóng mặt, đau đầu.
  • Viêm thanh quản, viêm họng: Triệu chứng nghẹt mũi kéo dài khiến bệnh nhân phải thở bằng miệng dẫn đến cổ họng bị khô, không khí không được lọc sạch, khi vào đến thanh quản có thể gây viêm thanh quản, viêm họng.

5. Cách điều trị bệnh nghẹt mũi


Sử dụng thuốc điều trị chủ yếu giúp giảm nhẹ triệu chứng nghẹt mũi
Sử dụng thuốc điều trị chủ yếu giúp giảm nhẹ triệu chứng nghẹt mũi

5.1 Điều trị chung

  • Làm thông thoáng hốc mũi: rửa mũi bằng nước muối sinh lý, hút dịch mũi...
  • Nhỏ mũi bằng các thuốc gây co mạch: Ephedrin 1-3%, naphazolin 0.5-1% (không dùng cho trẻ sơ sinh)...
  • Xông hơi: Hơi nước ấm có pha dầu thơm.
  • Khí dung: Kháng sinh, corticoid, thuốc co mạch.

5.2 Điều trị nội khoa

Việc sử dụng thuốc chủ yếu là điều trị các nguyên nhân viêm nhiễm gây nghẹt mũi cũng như điều trị giảm nhẹ triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn:

  • Thuốc hạ sốt sử dụng khi có sốt cao, kéo dài do tình trạng nhiễm trùng.
  • Sử dụng kháng sinh chống nhiễm khuẩn và phòng bội nhiễm.
  • Thuốc chống dị ứng trong trường hợp viêm mũi dị ứng.
  • Chống viêm, giảm phù nề: Dùng corticoid giảm liều dần hoặc alphachymotrypsin...
  • Nâng cao sức đề kháng của cơ thể: Vitamin C, các thuốc tăng sức đề kháng...

5.3 Điều trị ngoại khoa

Điều trị phẫu thuật giúp giải quyết các nguyên nhân gây nghẹt mũi như dị tật bẩm sinh, chấn thương, dị vật hoặc các nguyên nhân khác như vẹo vách ngăn, lệch vách ngăn mũi...

  • Tiêm các thuốc gây xơ vào cuốn mũi như: tiêm corticoid...
  • Nạo V.A: Trong trường hợp viêm quá phát che kín cửa mũi sau.
  • Tạo hình lại các dị hình: sẹo hẹp, tịt lỗ mũi sau, dị hình vách ngăn...
  • Cuốn mũi thoái hóa: Có thể đốt bằng điện nhiệt, nitơ lỏng hoặc laser...
  • Lấy bỏ dị vật hốc mũi và phẫu thuật lấy bỏ các khối u và polyp (bằng phẫu thuật kinh điển hoặc nội soi).

6. Phòng ngừa nghẹt mũi như thế nào?

  • Xịt rửa mũi thường xuyên từ 1 đến 2 ngày/lần với dung dịch nước. muối sinh lý hoặc sử dụng các chai xịt chuyên dụng.
  • Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để tránh khói bụi, dị vật.
  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể, đặc biệt là khi thời tiết khô hoặc sử dụng máy điều hòa kéo dài.
  • Nếu có điều kiện có thể xông hơi bằng tinh dầu hoặc nước ấm vài lần trong tuần.
  • Vệ sinh răng miệng, súc miệng thường xuyên bằng nước sạch.
  • Ăn nhiều rau xanh, hoa quả để bổ sung các vitamin làm tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe