Các phương pháp chăm sóc tại chỗ vết bỏng

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phan Phi Tuấn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Chăm sóc tại chỗ vết bỏng là một công tác hết sức quan trọng trong điều trị bỏng nhằm tránh các biến chứng nhiễm khuẩn, nhanh tái tạo mô hạt, hạn chế sẹo xấu và di chứng, giảm được sự đau đớn và thời gian nằm viện.

I. Đại cương

Khám vết bỏng hàng ngày là công việc bắt buộc của bác sĩ nhằm đánh giá diễn tiến tại chỗ của vết bỏng cũng như tình trạng toàn thân của bệnh nhân. Từ đó, có hướng xử trí phù hợp.

Việc chăm sóc tại chỗ vết bỏng được chia thành nhiều giai đoạn:

Trong giai đoạn sau, có thể dùng các phương pháp thay băng khác nhau như thay băng kín, nửa kín, bán hở hay hở hoàn toàn.


Vết bỏng cần được theo dõi hàng ngày để phòng ngừa nhiễm trùng
Vết bỏng cần được theo dõi hàng ngày để phòng ngừa nhiễm trùng

II. Các phương pháp chăm sóc vết bỏng

1. Băng kín

Đây là phương pháp được dùng phổ biến, nhất là trong điều kiện chiến tranh, khi phải vận chuyển bệnh nhân hoặc khi điều kiện vệ sinh buồng bệnh kém, chưa đảm bảo vô khuẩn để chăm sóc vết bỏng theo phương pháp hở.

Ưu điểm:

  • Che chở, bảo vệ vết bỏng chống nhiễm khuẩn và lây chéo.
  • Giảm đau cho bệnh nhân.
  • Thuận lợi cho việc phục vụ, đi lại hay vận chuyển bệnh nhân.
  • Giữ tác dụng thuốc kéo dài khi thoa, thấm hút dịch tiết, giữ độ ẩm vết bỏng.
  • Làm giảm quá trình mất nhiệt hay bay hơi qua vết bỏng.

Nhược điểm:

  • Không theo dõi được vết bỏng 1 cách liên tục.
  • Phải thay băng thường xuyên hàng ngày hoặc cách ngày.
  • Đau đớn hay tổn thương mô hạt khi thay băng.
  • Ứ đọng dịch tiết, dịch mủ tại vết bỏng.

Tiến hành

Sau khi thay băng theo quy trình, dùng các cách sau để băng kín vết bỏng:

  • Băng gạc ướt: gạc tẩm nước muối sinh lý hay thuốc ức chế vi khuẩn dạng mở hoặc kem đắp lên bỏng sau đó đắp 4-6-8 lớp gạc khô vô khuẩn.
  • Băng khô dày kín: dùng thuốc dạng bột rắc lên vết bỏng sau đó băng dày, kín vết bỏng.

Băng kín được áp dụng phổ biến trong chăm sóc vết bỏng
Băng kín được áp dụng phổ biến trong chăm sóc vết bỏng

2. Phương pháp nửa kín

Thay băng theo quy trình, tiến hành đắp gạc ướt tẩm thuốc rồi để hở. Sau đó tiến hành tưới rửa nhiều lần hoặc nhỏ giọt liên tục bằng nước muối sinh lý. Phương pháp này thường được dùng trong trường hợp vết bỏng sâu gây hoại tử hoặc viêm mủ khớp.

3. Phương pháp bán hở

Đây là phương pháp áp dụng với vùng lấy da. Sau mổ 24 giờ, tiến hành thay băng vùng lấy da, bóc bỏ lớp gạc ngoài, giữ lại lớp gạc vaseline trong cùng. Giữ vệ sinh và giữ khô, sau 7-10 ngày vùng lấy da hồi phục và gạc vaseline sẽ tự bong.

Phương pháp này còn được dùng khi phương pháp băng kín nhưng vết bỏng tương đối khô, gạc thuốc bám dính lên vết bỏng. Tiến hành thay băng, bóc bỏ lớp gạc ngoài, giữ lại lớp gạc có tẩm thuốc trong cùng đến khi khỏi.


Phương pháp bán hở thường dùng đối với những vết bỏng khô
Phương pháp bán hở thường dùng đối với những vết bỏng khô

4. Phương pháp để hở vết bỏng

Ưu điểm:

  • Làm khô vết bỏng và hoại tử, có thể chuyển hoại tử ướt thành hoại tử khô, do đó giảm được nhiễm khuẩn vết bỏng.
  • Có thể theo dõi vết bỏng thường xuyên.
  • Không thay băng, tránh đau đớn và tiết kiệm cho bệnh nhân.

Nhược điểm:

  • Đòi hỏi vệ sinh, vô khuẩn tốt để tránh nhiễm chéo hay bội nhiễm.
  • Chăm sóc công phu.
  • Gây mất nước do bốc hơi qua vết bỏng.

Tiến hành:

Đắp thuốc lên vết bỏng, để hở không thay băng.

Phương pháp này thường được tiến hành trong điều kiện tĩnh tại (không có ruồi muỗi, không thay vải trải giường nhiều lần, ít bệnh nhân trong 1 phòng bệnh, hạn chế thăm nuôi, tránh tiếp xúc nhiều người ....). Các trường hợp áp dụng phương pháp này gồm có:

  • Bỏng nông vùng mặt cổ, tầng sinh môn và bộ phận sinh dục ngoài. Vết bỏng sau khi làm vệ sinh sạch sẽ, để hở hay bôi betadine, thuốc đỏ ..... rồi để hở.

Thuốc betadine cần được bôi vào vết bỏng sau khi vệ sinh sạch sẽ
Thuốc betadine cần được bôi vào vết bỏng sau khi vệ sinh sạch sẽ

  • Bỏng sâu có thể áp dụng phương pháp này để biến hoại tử ướt thành hoại tử khô tránh nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Có thể phối hợp thêm bằng cách làm khô vết bỏng, để bệnh nhân trong buồng điều hòa, buồng không khí khô và nóng nhẹ.

Phương pháp trên đòi hỏi người thầy thuốc phải theo dõi sát tiến triển vết bỏng, khi thấy vết bỏng tiết dịch mủ nhiều phải chuyển sang phương pháp thay băng kín.

III. Theo dõi tại chỗ vết bỏng

Theo dõi hàng ngày, đặc biệt trong khi thay băng, thay đổi của các yếu tố sau:

  • Diện tích và độ sâu của bỏng.
  • Tình trạng tiết dịch, chảy mủ, giả mạc, mùi hôi và màu sắc dịch vết bỏng.
  • Tình trạng viêm phù nề vết bỏng và viền mép. Nếu vết bỏng viêm nề mạnh, lan tới da lành ( bỏng vùng chi dưới hay lan tới tầng sinh môn, vùng sinh dục) thường diễn tiến nặng, nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
  • Tình trạng sung huyết, xuất huyết tại vết bỏng.
  • Tính chất và diễn tiến mô hoại tử ( với bỏng sâu): có rụng hay chưa ? có mọc mô hạt hay chưa ?
  • Tính chất mô hạt đẹp hay phù nề, xơ hóa. Mô hạt đẹp có hình ảnh bằng phẳng, rướm máu đều, ít mủ và giả mạc, biểu mô hóa từ bờ mép tốt.

Cần phát hiện hoại tử thứ phát vết bỏng với những dấu hiệu sau:

  • Vết bỏng đột ngột khô lại, chuyển màu tím, nâu đen, đen.
  • Vết bỏng đột ngột tiết nhiều dịch, có mủ mùi hôi thôi, sung huyết xuất huyết mạnh.
  • Biểu mô hóa từ bờ mép vết bỏng kém, bờ mép lõm hẳn so với da lành, rụng hoại tử mà không mọc mô hạt.
  • Tổng trạng bệnh nhân nặng lên với biểu hiện nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe