Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Vắc-xin thủy đậu được sử dụng để kích thích miễn dịch chủ động đối với bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, sau khi sử dụng vắc-xin sẽ gây ra một số phản ứng phụ, trong đó có hiện tượng sốt, đau nhức cơ, ban đỏ... Hiện tượng sốt, quầng đỏ tại vị trí tiêm có trong 1-2 ngày, còn hiện tượng ban đỏ có mụn nước với số lượng ít sau 1-3 tuần.
1. Thủy đậu là gì?
Thủy đậu hay bệnh thủy đậu là một bệnh rất dễ lây lan do vi rút Varicella-zoster (VZV) gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em, vào mùa đông - xuân. Khi nhiễm virus, thời gian ủ bệnh từ 10 - 14 ngày trước khi phát bệnh. Nó gây ra phát ban giống như phồng rộp, ngứa, mệt và sốt. Thủy đậu có thể nghiêm trọng đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, người lớn và những người có hệ miễn dịch kém.
Nó lây lan dễ dàng từ người nhiễm bệnh sang người khác chưa bao giờ bị thủy đậu hoặc chưa bao giờ tiêm vắc-xin thủy đậu. Khi một người mang vi rút thủy đậu nói, hắt hơi chảy nước mũi hoặc ho... thì các vi rút đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi và người khác hít phải những hạt bụi đó sẽ lây bệnh ngay. Bên cạnh đó, vi rút này có khả năng sống được vài ngày trong vảy thủy đậu khi bong ra và tồn tại trong không khí nên bệnh cũng có thể lây lan từ dịch của nốt phỏng thủy đậu. Mặt khác, bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc gián tiếp với đồ vật, dụng cụ sinh hoạt có dính vi-rút gây bệnh. Một đường lây truyền khác là từ mẹ truyền sang thai nhi qua nhau thai hoặc khi sinh. Do đó, biện pháp phòng chống thủy đậu hiệu quả là tiêm phòng vắc-xin thủy đậu.
2. Các tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin thủy đậu
Vắc-xin thủy đậu rất an toàn và có hiệu quả phòng chống bệnh thủy đậu tối ưu nhất trong các phương pháp phòng ngừa hiện nay. Vắc-xin này giống như các loại thuốc khác, cũng có tác dụng phụ khi sử dụng. Hầu hết mọi người tiêm vắc-xin thủy đậu không có bất kỳ vấn đề gì với liều vắc-xin. Vắc-xin này thường được tiêm hai liều. Tác dụng phụ xuất hiện sau liều tiêm thứ nhất cao hơn so với liều tiêm thứ hai.
Tác dụng phụ phổ biến nhất của vắc-xin thủy đậu:
- Đau nhức cơ và đỏ, bầm tím, sưng xung quanh vị trí tiêm - tác dụng phụ này chỉ xảy ra ở khoảng 1 trong 5 trẻ em và 1 trong 4 thanh thiếu niên hoặc người lớn.
- Sốt, phát ban nhẹ trên da trông giống như bị thủy đậu nhưng ít các mẩn đỏ hơn, có thể xảy ra khoảng 2 tuần sau khi tiêm.
- Phát ban - chỉ xảy ra ở khoảng 1 trong 10 trẻ em và 1 trong 20 người lớn.
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ho, đau họng, đau đầu, buồn nôn.
- Cảm giác mệt mỏi, có thể bị mất ngủ.
- Đau dạ dày hoặc có thể bị tiêu chảy.
Sau khi tiêm vắc-xin thủy đậu, cơ thể thường xuất hiện sốt và có thêm các tác dụng phụ phổ biến khác. Tác dụng phụ nguy hiểm có thể xuất hiện nhưng những trường hợp này cực kỳ hiếm xảy ra. Một số ít trường hợp được báo cáo sau khi tiêm vắc-xin thủy đậu bao gồm phát ban nghiêm trọng, nhiễm trùng phổi hoặc gan, viêm màng não, co giật, viêm phổi hoặc nhiễm trùng nặng hơn với chủng vi rút từ vắc-xin.
Tác dụng phụ nghiêm trọng của vắc-xin thủy đậu như phản ứng dị ứng (sốc phản vệ) cũng là rất hiếm. Phản ứng này chỉ xảy ra ở khoảng 1/1 triệu người được tiêm chủng. Một số trẻ có những tác dụng phụ nghiêm trọng này sau khi tiêm vắc-xin đã làm suy yếu hệ thống miễn dịch trước khi tiêm, nhưng chúng chưa được bác sĩ chẩn đoán tại thời điểm tiêm chủng.
Những người tiêm vắc-xin thủy đậu có thể truyền vi rút Varicella-zoster sang người khác. Tuy nhiên, điều này để xảy ra được cũng cực kì hiếm.
Phụ nữ mang thai, những người bị bệnh vừa hoặc nặng vào thời điểm tiêm chủng đã được lên lịch và những người bị dị ứng với bất kì thành phần nào của vắc-xin thì không nên tiêm vắc-xin thủy đậu.
3. Vấn đề tiêm vắc-xin thủy đậu ở trẻ em
Tất cả trẻ em từ 12 tháng tuổi nên được phòng ngừa bằng hai liều vắc-xin thủy đậu. Tiêm vắc-xin thủy đậu không được khuyến cáo cho trẻ dưới 12 tháng tuổi ngay cả khi điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến cáo rằng một trẻ sơ sinh khoẻ mạnh (nghĩa là không bị ức chế miễn dịch, vì vậy không cần phải là người bệnh dùng globulin miễn dịch với thủy đậu (VZIG)), không nên điều trị cụ thể hoặc tiêm vắc-xin sau khi tiếp xúc với vi rút thủy đậu. Trẻ em có thể điều trị bằng acyclovir nếu bệnh thủy đậu xảy ra.
Tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ em có khả năng phòng bệnh lên tới 97%. Với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: tiêm mũi đầu tiên lúc 12 tháng, mũi thứ hai tiêm khoảng từ 4-6 tuổi. Với trẻ trên 13 tuổi tiêm hai mũi và mũi thứ hai cách mũi thứ nhất từ 4-8 tuần.
Vắc-xin thủy đậu sau khi đưa vào cơ thể cần từ 1-2 tuần để phát huy tác dụng. Tại Việt Nam, mùa bệnh thủy đậu thường xuất hiện vào tháng 2-6 hàng năm. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng thủy đậu trước mùa dịch ít nhất 1 tháng.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin thủy đậu Varivax 0,5ml do hãng MSD (Mỹ) sản xuất. Vắc-xin Varivax của MSD đã được Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cấp phép lưu hành ngày 23/7/2019.
Khách hàng lựa chọn tiêm phòng tại Vinmec sẽ được hưởng những lợi ích như:
- Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm chủng.
- Vắc-xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt để đảm bảo chất lượng.
- Trẻ được thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế Thế giới.
- 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
- Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp - ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
- Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu vui chơi, giúp trẻ có cảm giác thoải mái và tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
- Bố mẹ sẽ nhận tin nhắn nhắc lịch trước ngày tiêm và thông tin tiêm chủng của bé sẽ được đồng bộ với hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: cdc.gov; vnvc.vn