Các nguyên tắc điều trị sốt rét

Nguyên tắc điều trị bệnh sốt rét rất quan trọng. Việc điều trị càng sớm càng tốt, đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian thì sẽ ngăn ngừa được biến chứng và tái phát bệnh.

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt rét

Thời gian ủ bệnh sốt rét kể từ khi bị muỗi nhiễm ký sinh trùng sốt rét đốt đến khi có các biểu hiện lâm sàng tuỳ thuộc loại ký sinh trùng:

  • Nhiễm Plasmodium falciparum từ 9 - 14 ngày, trung bình 12 ngày.
  • Nhiễm Plasmodium vivax từ 12 - 17 ngày, trung bình 14 ngày.
  • Nhiễm Plasmodium malariae từ 20 ngày đến nhiều tháng.
  • Nhiễm Plasmodium ovale từ 11 ngày đến 10 tháng.
  • Nhiễm sốt rét do truyền máu thì thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng ký sinh trùng trong máu truyền vào, thời gian ủ bệnh ngắn trong khoảng vài ngày.

Theo cơ sở phân loại bệnh sốt rét, triệu chứng bệnh sốt rét ở Việt Nam được phân chia theo 2 mức độ lâm sàng:

Sốt rét thông thường:

  • Cơn sốt sơ nhiễm: sốt cao liên tục trong vài ngày.
  • Cơn sốt điển hình: Cơn sốt rét điển hình qua 3 giai đoạn gồm: rét run (kéo dài khoảng 30 phút - 2 giờ); sốt nóng (thân nhiệt có thể tới 40 độ C – 41 độ C, mặt đỏ, da khô nóng, thở nhanh, đau đầu, kéo dài khoảng 1-3 giờ); vã mồ hôi (thân nhiệt giảm nhanh, vã mồ hôi, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu).
  • Cơn sốt thể cụt: sốt không thành cơn, chỉ thấy rét run, kéo dài khoảng 1-2 giờ.
  • Thể người lành mang trùng: xét nghiệm máu có ký sinh trùng nhưng không bị sốt.
  • Chu kỳ của cơn sốt khác nhau tùy loại ký sinh trùng gây bệnh:
  • Sốt do Plasmodium falciparum: sốt hàng ngày, sốt nặng, hay gây sốt rét ác tính.
  • Sốt do Plasmodium vivax: cách 1 ngày sốt 1 cơn.
  • Sốt do Plasmodium malariae và Plasmodium ovale: sốt cách nhật hoặc sốt 3 ngày 1 cơn.

Biểu hiện của sốt rét
Biểu hiện của sốt rét

Sốt rét ác tính:

  • Thể não (chiếm 80-95% sốt rét ác tính): Rối loạn ý thức, sốt cao liên tục, đau đầu, nôn hoặc tiêu chảy nhiều, hôn mê, co giật, rối loạn cơ vòng, đồng tử giãn, rối loạn hô hấp hoặc suy hô hấp do phù não, huyết áp hoặc tăng. Có thể gặp suy thận, tiểu ít hoặc vô niệu.
  • Thể tiểu huyết sắc tố: sốt thành cơn dữ dội, nôn khan hoặc dịch màu vàng, đau lưng. Vàng da, niêm mạc do tán huyết. Nước tiểu giảm dần, màu đỏ nâu sau đó chuyển sang màu cà phê. Thiếu máu và thiếu oxy cấp.
  • Thể giá lạnh: Toàn thân lạnh, huyết áp tụt, ra nhiều mồ hôi và có cơn đau đầu.
  • Thể phổi: Khó thở, thở nhanh, tím tái.
  • Thể gan mật: Vàng da và mắt, buồn nôn và nôn. Phân, nước tiểu màu. Hôn mê.
  • Thể tiêu hóa: Đau bụng, nôn, tiêu chảy cấp, hạ thân nhiệt.
  • Sốt rét ở trẻ em: Trẻ trên 6 tháng tuổi dễ mắc sốt rét do không còn miễn dịch từ mẹ và huyết sắc tố F. Trẻ mắc bệnh sốt rét thường sốt cao liên tục hoặc dao động, nôn, tiêu chảy, bụng chướng, có dấu hiệu màng não và co giật. Tỷ lệ tử vong cao.

2. Các nguyên tắc điều trị sốt rét

Khi nhận thấy các triệu chứng ban đầu của bệnh sốt rét, người bệnh thường rất lo lắng và không biết khi bị bệnh sốt rét nên làm gì? Sốt rét phải làm sao?

Theo đó, điều đầu tiên mà người mắc bệnh sốt rét cần làm là tuyệt đối không được tự điều trị tại nhà, mà cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị, tránh trường hợp lây nhiễm bệnh sang người lành, bên cạnh đó nếu tình trạng bệnh kéo dài, không thuyên giảm sẽ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong cho người bệnh.

Trong điều trị sốt rét, các nguyên tắc điều trị như sau:

  • Điều trị sớm: Nhận biết dấu hiệu bệnh sớn để được điều trị càng sớm càng tốt, ngay sau khi các triệu chứng bệnh xuất hiện (trẻ em trong vòng 12 giờ, người lớn trong vòng 24 giờ).
  • Điều trị đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian (theo đúng phác đồ). Phải đảm bảo người bệnh uống được và uống đủ liều thuốc cần thiết.
  • Điều trị chống lây lan và điều trị chống tái phát (diệt thể ngủ trong gan với Plasmodium vivax, Plasmodium ovale).
  • Theo dõi chặt chẽ kết quả điều trị để có biện pháp xử lý kịp thời và thích hợp.

Sốt rét cần được phát hiện và điều trị sớm
Sốt rét cần được phát hiện và điều trị sớm

3. Điều trị sốt rét

Người bị sốt rét không nên tự điều trị tại nhà, cần đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và kê đơn thuốc phù hợp. Vậy sốt rét uống thuốc gì để điều trị bệnh? Theo đó, các loại thuốc điều trị bệnh chủ yếu là giúp hạ sốt rét và dựa vào loại ký sinh trùng gây bệnh, vùng nhiễm bệnh...

3.1. Điều trị sốt rét thông thường

Điều trị cắt cơn sốt:

  • Nhiễm Plasmodium vivax: Chloroquine tổng liều 25mg/kg cân nặng chia 3 ngày điều trị. Hoặc artesunat tổng liều 16 mg/kg cân nặng chia làm 7 ngày điều trị (không dùng artesunat cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu trừ trường hợp sốt rét ác tính). Hoặc Quinin sulfat liều 30 mg/kg/24 giờ chia 3 lần uống trong ngày, điều trị trong 7 ngày.
  • Nhiễm Plasmodium falciparum: Thuốc phối hợp có dẫn xuất artemisinin (không dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.

Điều trị chống tái phát và lây lan:

  • Primaquine viên 13,2mg chứa 7,5mg bazơ (không dùng primaquine cho trẻ em dưới 3 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh gan và người thiếu men G6PD).
  • Liều dùng: 0,5mg bazơ/kg cân nặng/ 24 giờ.

Primaquine được sử dụng trong điều trị chống tái phát và lây lan sốt rét
Primaquine được sử dụng trong điều trị chống tái phát và lây lan sốt rét

3.2. Điều trị sốt rét ác tính

Artesunat tiêm tĩnh mạch: Giờ đầu 2,4 mg/kg cân nặng, 24 giờ sau tiêm nhắc lại 1,2 mg/kg cân nặng, sau đó mỗi ngày tiêm 1 liều 1,2 mg/kg cân nặng cho đến khi bệnh nhân có thể uống được thì chuyển sang thuốc uống cho đủ 7 ngày.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe