Các nguyên nhân khiến trẻ nghiến răng khi ngủ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II, Bác sĩ cao cấp Đoàn Dư Đạt - Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Theo thống kê, trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng rất dễ mắc phải tật nghiến răng khi ngủ. Đây là tình trạng hàm răng trên và hàm răng dưới của trẻ nghiến, siết chặt vào nhau và phát ra tiếng kêu ken két. Nguyên nhân nghiến răng khi ngủ ở trẻ có thể xuất phát từ yếu tố khách quan hoặc chủ quan.

1. Nguyên nhân nghiến răng khi ngủ ở trẻ em là gì?


Nghiến răng khi ngủ ở trẻ em
Nghiến răng khi ngủ ở trẻ em

Nghiến răng ban đêm thường xuất hiện ở những người bị căng thẳng hoặc rối loạn thần kinh. Tức giận, đau và thất vọng có thể gây ra tình trạng nghiến răng vào ban đêm.

Chứng nghiến răng khi ngủ ở trẻ em mặc dù không nghiêm trọng và không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đến quá trình phát triển toàn diện ở trẻ, tuy nhiên, nếu như tình trạng này kéo dài thì có thể sẽ gây ra những căng thẳng và rối loạn về thần kinh. Chính vì thế, ngay từ thời điểm phát hiện trẻ nghiến răng thì cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân nghiến răng khi ngủ ở trẻ, tuy nhiên, một số yếu tố chủ quan và khách quan được cho là nguyên nhân nghiến răng khi ngủ ở trẻ bao gồm:

  • Do tâm lý lo lắng: Trẻ em rất dễ bị thay đổi cảm xúc và trở nên căng thẳng, lo lắng đôi chỉ chỉ vì một lý do đơn giản nào đó. Chính tâm lý này có thể gây ra nghiến răng khi ngủ ở trẻ, như một cơ chế để giúp cơ thể trẻ đối phó với những cảm xúc thất thường này;
  • Do trẻ mọc răng: Trẻ em độ tuổi đang mọc răng cũng là đối tượng dễ bị nghiến răng khi ngủ. Việc nghiến răng có thể giúp trẻ giảm đau và cảm thấy thoải mái hơn khi mọc răng;
  • Do trẻ bị sai lệch khớp cắn: Một trong những nguyên nhân nghiến răng khi ngủ ở trẻ có thể là do trẻ bị sai lệch khớp cắn và cảm thấy khó chịu khi cơ hàm khép lại. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, có khoảng 13% trẻ bị mắc cả chứng nghiến răng khi ngủ và đồng thời bị lệch khớp cắn, chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau;
  • Do trẻ bị nhiễm giun kim: Nhiều trường hợp nghiến răng khi ngủ ở trẻ em là do bị nhiễm giun kim. Loại ký sinh trùng này khi ký sinh trong cơ thể người sẽ tiết ra một loại độc tố khiến cơ thể bị căng thẳng và hình thành thói quen nghiến răng;
  • Do trẻ bị dị ứng: Nguyên nhân nghiến răng khi ngủ ở trẻ cũng có thể là do trẻ bị dị ứng, việc nghiến răng có thể giúp trẻ giảm cảm giác khó chịu trên cơ thể;
  • Do trẻ bị phản ứng thuốc: Nếu trẻ đang bị bệnh nào đó và phải sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm thì đây cũng có thể là nguyên nhân nghiến răng khi ngủ ở trẻ.

Trắc nghiệm: Sự phát triển tinh thần, vận động của bé thế nào là đúng chuẩn?

Khi nào bé biết nói, biết hóng chuyện hay biết cầm cốc là "đúng chuẩn"? Điểm xem bạn biết được bao nhiêu mốc phát triển tinh thần, vận động "đúng chuẩn" của bé nhé!

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

Ma Văn Thấm
Ma Văn Thấm
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Nhi
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

2. Dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị nghiến răng khi ngủ

Để có thể phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì các bậc phụ huynh cần biết các dấu hiệu nghiến răng khi ngủ ở trẻ em, cụ thể:

  • Răng của trẻ bị mòn và mẻ;
  • Trẻ thường kêu đau ở trán, tai;
  • Trẻ bị đau hàm khi nhai và việc nhai thức ăn trở nên khó khăn;
  • Khi trẻ ngủ thường phát ra những âm thanh ken két.

3. Chứng nghiến răng khi ngủ ở trẻ em kéo dài bao lâu?

Trẻ em là đối tượng dễ mắc phải chứng nghiến răng khi ngủ nhưng chúng sẽ bỏ thói quen này khi lớn lên hoặc khi răng đã mọc đủ vĩnh viễn. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp trẻ không thể tự từ bỏ thói quen này mà cần phải nhờ đến sự giúp đỡ hay can thiệp của bố mẹ, nhân viên y tế.

Tình trạng nghiến răng khi ngủ ở trẻ em nếu kéo dài thì có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và quá trình phát triển của trẻ. Một số vấn đề có thể xảy ra như:

  • Nghiến răng có thể dẫn đến hội chứng rối loạn khớp thái dương ở trẻ;
  • Răng của trẻ có thể bị hư hại do phải chịu áp lực liên tục từ việc nghiến răng;
  • Tủy răng bị lồi ra ngoài;
  • Nghiến răng có thể khiến răng của trẻ bị mất đi lớp men và trở nên nhạy cảm hơn với nhiệt độ;
  • Gãy xương ở vùng hàm;
  • Các vấn đề sâu răng trở nên tồi tệ hơn do răng bị mài mòn liên tục.

4. Điều trị nghiến răng khi ngủ ở trẻ em bằng cách nào?


Điều trị nghiến răng khi ngủ ở trẻ em
Điều trị nghiến răng khi ngủ ở trẻ em

Để giúp trẻ nhanh chóng chữa khỏi chứng nghiến răng thì cần phải tìm hiểu nguyên nhân nghiến răng khi ngủ ở trẻ là gì và điều trị theo nguyên nhân đó.

Nếu như nguyên nhân là do trẻ bị căng thẳng và vấn đề có liên quan đến học tập hay bạn bè thì hãy giúp trẻ được thư giãn, giải quyết các vấn đề khiến trẻ bị căng thẳng và trước giờ đi ngủ thì không nên tạo áp lực gì cho trẻ. Thay vào đó hãy nói chuyện hoặc kể chuyện cho trẻ nghe, giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ ngon và sâu hơn.

Trường hợp nghiến răng khi ngủ ở trẻ em mà nguyên nhân là do mọc răng đau nướu thì hãy giúp trẻ chườm một túi nước ấm lên má để giảm đau. Đặc biệt, sử dụng một núm vú giả có thể sẽ giúp trẻ giảm được sự khó chịu trong thời gian mọc răng và như vậy trẻ sẽ không nghiến răng khi ngủ nữa.

Đối với trường hợp trẻ nghiến răng do răng mọc không đều và gặp khó khăn trong việc khép miệng thì cha mẹ hãy đưa trẻ đến gặp nha sĩ để giải quyết vấn đề.

Ngoài ra, có thể cho trẻ sử dụng máng mặt nhai để chống nghiến răng, tuy nhiên, không phải lúc nào máng nhai cũng hiệu quả trong tất cả các trường hợp. Chính vì thế, đồng thời với các phương pháp điều trị nghiến răng ở trẻ thì cha mẹ hãy chú ý đến chế độ dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ canxi và magie trong khẩu phần ăn hàng ngày vì khi thiếu các chất này cũng có thể làm cho trẻ bị nghiến răng.

Tóm lại, chứng nghiến răng khi ngủ ở trẻ em cũng không phải là quá nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ nên cha mẹ cũng không cần phải quá lo lắng, đa số các trường hợp trẻ lớn lên sẽ từ bỏ được thói quen này. Điều duy nhất là cần đảm bảo trẻ không gặp phải vấn đề gì căng thẳng trong cuộc sống. Nếu như các biện pháp can thiệp của cha mẹ không đem lại hiệu quả khi chữa nghiến răng cho trẻ thì hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên môn để có được lời khuyên hữu ích nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe