Tràn dịch màng phổi là bệnh lý phức tạp, ngày càng phổ biến trong cộng đồng, có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Nắm được nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi sẽ giúp mỗi người chủ động phòng ngừa hữu hiệu cho tình trạng này.
1. Tràn dịch màng phổi là gì?
Mỗi lá phổi trong lồng ngực được bao quanh bởi 2 lớp màng phổi rất mỏng. Giữa 2 lớp màng này là khoang màng phổi, bình thường chỉ chứa vài ml chất lỏng, giúp bề mặt phổi trơn láng khi cọ xát vào nhau, tạo điều kiện để phổi giãn nở tốt hơn trong mỗi nhịp thở.
Hội chứng tràn dịch màng phổi là bệnh lý nội khoa thường gặp. Đây là tình trạng ứ nước trong khoang màng phổi, tức là sự tích tụ bất thường của chất lỏng trong khoang màng phổi. Bình thường, lượng dịch trong khoang màng phổi chỉ khoảng 10 - 20ml. Tràn dịch màng phổi xảy ra khi lượng dịch trong khoang màng phổi nhiều hơn mức bình thường, khiến bạn bị tức ngực, khó thở,...
Tràn dịch màng phổi là biểu hiện của nhiều loại bệnh khác nhau, nhưng thường được phân thành 2 loại:
- Tràn dịch màng phổi dịch thấm: Chủ yếu do suy dinh dưỡng, suy tim, suy thận, xơ gan cổ trướng, giảm albumin máu, thận hư, ứ nước thận, viêm màng ngoài tim co thắt, xẹp phổi, thẩm phân phúc mạc, phổi treo, hội chứng rò rỉ mao mạch toàn thân, suy giáp,...;
- Tràn dịch màng phổi dịch tiết: Do lao, ung thư, viêm phổi, thuyên tắc phổi, nhiễm virus, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, tăng ure máu, áp xe dưới hoành, nhiễm HIV, viêm khớp dạng thấp, thuốc, hội chứng quá kích buồng trứng, viêm tụy, vỡ thực quản, hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên, u buồng trứng lành tính,....
2. Một số nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi nguyên nhân từ đâu? Đó là:
2.1 Tràn dịch màng phổi do lao
Tràn dịch màng phổi do lao có thể xuất hiện ở thời kỳ lao tiên phát - thường sau khi mắc lao tiên phát khoảng 3 - 6 tháng hoặc lao phổi tái phát. Nguyên nhân tràn dịch màng phổi do lao màng phổi là hậu quả của phản ứng quá mẫn muộn, kết hợp với vi khuẩn lao ở các săng sơ nhiễm, hạch bạch huyết hoặc theo đường máu. Ngoài ra, tràn dịch màng phổi do lao còn do tắc dẫn lưu bạch huyết trong lồng ngực khi các hạch trung thất bị lao hoặc do vỡ ổ áp xe lao cạnh cột sống,...
Tình trạng tràn dịch màng phổi do lao có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở nhóm tuổi từ 20 - 40. Những yếu tố thuận lợi cho bệnh phát triển là:
- Người bệnh có tiếp xúc với người bị lao phổi
- Người cao tuổi
- Suy dinh dưỡng
- Người bệnh mới phẫu thuật
- Phụ nữ mang thai và sinh con
- Bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính (suy tim, suy thận, tiểu đường,...).
Người bệnh thường mắc phải một hoặc nhiều các triệu chứng sau đây:
- Bệnh khởi phát với biểu hiện đau ngực và sốt từ 38 - 39,5°C
- Bệnh nhân có dấu hiệu suy nhược trước đó nhiều tuần, kém ăn, mất ngủ,...
- Người bệnh bị nặng ngực bên tổn thương, đau nhiều ở vùng mạng sườn, thường sốt về buổi chiều, ra mồ hôi vào ban đêm,...
- Bệnh nhân thường bị ho khan, có thể ho ra đờm hoặc ra máu nếu bị tổn thương ở nhu mô phổi.
2.2 Tràn dịch màng phổi do ung thư di căn
Nguyên nhân tràn dịch màng phổi có thể là do ung thư di căn. Các loại ung thư thường gặp nhất di căn vào màng phổi gây tràn dịch màng phổi là: Ung thư phế quản, ung thư vú, u hạch ác tính,... Tràn dịch màng phổi ác tính còn gặp ở trường hợp ung thư di căn vào các hạch bạch huyết ở trung thất, gây tắc nghẽn dẫn lưu bạch huyết và gây tràn dịch màng phổi.
Tràn dịch màng phổi do di căn ung thư thường xảy ra ở người già, trên 40, 50 tuổi, đa số là di căn từ 1 ung thư nguyên phát trong lồng ngực hoặc ngoài lồng ngực. Có một số trường hợp có tràn dịch màng phổi nhưng không phát hiện ổ ung thư nguyên phát.
Bệnh nhân tràn dịch màng phổi do di căn ung thư thường ít bị sốt, ăn kém, cơ thể mệt mỏi, sút cân, da xanh nhợt, thiếu máu,... Người bệnh bị đau ngực nổi trội, đau âm ỉ kéo dài, ho khan hoặc ho ra máu, khó thở,... Khi khám có thể thấy hạch thượng đòn, hội chứng cận u khiến bệnh tiến triển nặng dần dù được điều trị.
2.3 Tràn dịch màng phổi do khối u lympho ác tính
Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi do u lympho ác tính (gồm bệnh Hodgkin và u lympho không Hodgkin) cũng khá thường gặp. Bệnh Hodgkin là nguyên nhân đứng thứ 3 gây tràn dịch màng phổi ác tính sau ung thư phế quản và ung thư vú.
Cơ chế bệnh sinh: Trong bệnh u lympho tràn dịch màng phổi thường do tổn thương ung thư ở hạch trung thất, gây tắc nghẽn bạch huyết, dẫn tới tràn dịch màng phổi (nếu ống ngực bị tắc có thể gây tràn dưỡng chấp lồng ngực). Có thể tràn dịch màng phổi do thâm nhiễm từ u lympho ở phổi xâm nhập màng phổi.
Bệnh Hodgkin và u lympho không Hodgkin gây dịch màng phổi thường xuất hiện lặng lẽ, âm thầm, khó phát hiện sớm qua các triệu chứng lâm sàng. Các biểu hiện sốt, sụt cân, sưng to hạch ngoại vi ở nhiều vị trí,... thường xuất hiện muộn. Dịch màng phổi là dịch có màu vàng chanh hoặc huyết thanh máu. Bệnh sẽ tiến triển xấu dần, dẫn tới tử vong.
2.4 Tràn dịch màng phổi do u trung biểu mô màng phổi ác tính
Một nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi thường gặp là u trung biểu mô màng phổi. Đây là các u nguyên phát, phát triển từ những tế bào trung biểu mô màng phổi. Có 2 loại là: U trung biểu mô màng phổi lành tính và U trung biểu mô màng phổi ác tính. Ngoài ra, u nguyên phát ở phổi còn bao gồm các u xơ của màng phổi.
U trung biểu mô màng phổi ác tính là ung thư màng phổi nguyên phát do các tế bào ác tính phát triển từ tế bào trung biểu mô màng phổi. Những người có tiền sử tiếp xúc với amiăng có nguy cơ cao phát triển bệnh này. Bệnh có tiên lượng xấu.
Tuổi phát hiện bệnh thường khoảng 50 - 60 tuổi (vì đa số gặp ở bệnh nhân có thời gian tiếp xúc với amiăng từ 30 năm trở lên). Bệnh phổ biến ở nam giới hơn nữ giới, thường khởi phát lặng lẽ, triệu chứng nghèo nàn. Bệnh nhân ít khi sốt, ban đầu bị đau ngực mơ hồ, về sau cơn đau rõ ràng hơn (lúc này thường có tràn dịch màng phổi). Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân bị đau ngực nghiêm trọng, lồng ngực bị co kéo dàn,... Nếu là u trung biểu mô màng phổi ác tính thì cơ thể suy yếu dần, thời gian sống trung bình là 8 - 14 tháng.
3. Những đối tượng dễ mắc bệnh tràn dịch màng phổi
Những đối tượng có nguy cao mắc bệnh tràn dịch màng phổi gồm:
- Người có bệnh lý ở phổi: Xẹp phổi, viêm phổi, ung thư phổi, thuyên tắc động mạch phổi, lao phổi, di căn ung thư từ cơ quan khác đến phổi;
- Người có bệnh lý về tim mạch: Suy tim, viêm màng ngoài tim co thắt, đã thực hiện phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành;
- Người bị suy giảm chức năng các cơ quan hoặc suy giảm miễn dịch: Suy thận, thận hư, xơ gan cổ trướng, viêm khớp, suy giáp, nhiễm HIV, ký sinh trùng, mắc bệnh lý hệ thống,...
4. Biện pháp phòng tránh nguy cơ tràn dịch màng phổi
Nắm được các nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi sẽ giúp bạn có biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Một số lời khuyên cho bạn gồm:
- Phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh có thể gây tràn dịch màng phổi như: Suy tim, suy thận, áp xe gan, xơ gan cổ trướng, áp xe dưới cơ hoành,...;
- Hạn chế làm việc, sinh hoạt ở khu vực có môi trường ô nhiễm, tích cực cải thiện môi trường sống;
- Thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi, tránh những thực phẩm sống;
- Cách ly, giữ khoảng cách an toàn, dùng thuốc dự phòng khi tiếp xúc với người bệnh lao phổi;
- Giữ vệ sinh răng miệng và vòm họng, điều trị triệt để viêm nhiễm đường hô hấp trên để tránh viêm nhiễm ở phổi;
- Bỏ thuốc lá hoặc hạn chế tiếp xúc với những người hút thuốc.
Dựa trên các nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi, người bệnh có thể phòng ngừa trước tình trạng này. Trường hợp có những biểu hiện của tràn dịch màng phổi, bệnh nhân nên đi khám sớm để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.