Các nguyên nhân gây thiếu ối

Bài viết bởi Bác sĩ CKII Nguyễn Thu Hoài - Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Tùy thuộc và thời điểm xuất hiện thiếu ối, nguyên nhân và tuổi thai tại thời điểm sinh, thiếu ối có thể gây ra thai lưu, tử vong sau sinh do thiểu sản phổi.... Chính vì thế việc chẩn đoán chính xác thiếu ối, tìm ra nguyên nhân thiếu ối có vai trò quan trọng trong quản lý thai.

1. Nguyên nhân gây thiếu ối khi mang thai

Thiểu ối khi mang thai là tình trạng bệnh lý xuất hiện khá nhiều trong thai kỳ, ước tính trung bình cứ 100 thai phụ thì 1 thai phụ có tình trạng thiểu ối. Chẩn đoán thiểu ối dựa vào siêu âm khi số đo dọc buồng ối sâu nhất (chỗ chỉ có nước ối, không có các phần cơ thể của thai nhi) nhỏ hơn 2cm hoặc chỉ số ối AFI (tổng 4 buồng ối) nhỏ hơn 5 cm.

Có 4 nguyên nhân chính gây ra thiểu ối:

  • Vỡ ối, rỉ ối trước chuyển dạ: Do màng ối bị rách gây nước ối thoát ra ngoài từ đó dẫn đến thiểu ối. Việc chẩn đoán vỡ ối, rỉ ối dựa trên khai thác triệu chứng ra nước, ra dịch âm đạo, bệnh nhân cần được bác sỹ thăm khám, test kiểm tra nước ối trong dịch âm đạo (test quỳ, amnisure..), xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng nhiễm trùng.
  • Chức năng tử cung - bánh nhau bị suy giảm gây ra thai chậm phát triểncạn ối kèm theo, chẩn đoán dựa vào siêu âm chỉ số trở kháng PI Doppler động mạch tử cung và/ hoặc động mạch rốn cao và có sự tái phân bố tuần hoàn thai nhi.
  • Bất thường hệ tiết niệu thai nhi: Bất sản thận 2 bên, thận đa nang hoặc thận nhiều nang, tắc nghẽn niệu quản, hội chứng van niệu đạo sau, suy chức năng thận.... Phát hiện bằng siêu âm, xét nghiệm máu tĩnh mạch rốn thai nhi.
  • Bất thường nhiễm sắc thể thai nhi: Chẩn đoán dựa vào chọc ối xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ hoặc Micro array nếu siêu âm thai có hình ảnh bất thường hoặc thai nhi chậm phát triển.

Nhiễm sắc thể thai nhi bất thường có thể gây thiếu ối
Nhiễm sắc thể thai nhi bất thường có thể gây thiếu ối

Nếu được xác định là thiếu ối khi mang thai, bệnh nhân cần có kế hoạch theo dõi sát tùy thuộc vào chỉ số ối, nguyên nhân gây thiếu ối, cụ thể:

  • Siêu âm theo dõi tình trạng thai nhi và đánh giá lượng nước ối 1-3 tuần/ 1 lần.
  • Đánh giá mức độ suy tử cung - bánh nhau bằng cách đo chỉ số phát triển thai nhi và chỉ số Doppler động mạch rốn, ống tĩnh mạch và động mạch não giữa giúp quyết định thời điểm sinh tốt nhất.
  • Trong trường hợp thiểu ối không rõ nguyên nhân, truyền ối có thể hữu ích trong việc cho phép kiểm tra chi tiết thai nhi, phối hợp xét nghiệm di truyền cho thai.

Phụ nữ mang thai khi xuất hiện thiểu ối cần được khám, tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa, việc theo dõi sát và tìm nguyên nhân chiếm vai trò rất quan trọng để xây dựng kế hoạch chăm sóc cụ thể cho từng bệnh nhân. Nếu thai phụ thiểu ối do vỡ ối, rỉ ối, cần được đánh giá tình trạng nhiễm trùng thường xuyên, dự phòng nhiễm trùng thông qua sử dụng kháng sinh, đặt thuốc trị viêm âm đạo, tăng cường vệ sinh vùng sinh dục. Nếu thai phụ thiểu ối do chức năng tử cung – bánh nhau bị suy giảm cần được hỗ trợ về chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, đánh giá tổng thể phát hiện bệnh lý nội khoa như tăng huyết áp....Bên cạnh hỗ trợ về mặt chuyên khoa sản, bà mẹ cũng cần được hỗ trợ về mặt tâm lý từ chồng, gia đình, bác sĩ tâm lý để phòng tránh stress, lo lắng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ và thai nhi.

Video đề xuất:

Chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai: Cẩm nang mẹ bầu cần biết

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe