Các nguyên nhân gây sảy thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có kinh nghiệm trên 13 năm trong lĩnh vực khám chữa bệnh Sản phụ khoa.

Lo lắng về nguy cơ sảy thai là tâm trạng chung của nhiều phụ nữ đang mang thai. Tìm hiểu về những nguyên nhân sảy thai phổ biến sẽ giúp các bà bầu yên tâm hơn, chủ động nâng cao sức khỏe thai kỳ.

1. Tổng quan về sảy thai

Hầu hết các trường hợp sảy thai xảy ra trước tuần thứ 20 của thai kỳ, với hơn 80% xảy ra trong vòng ba tháng đầu. Sảy thai hiếm khi xuất hiện sau tuần thai thứ 20, nếu có thì tình trạng này được gọi là sảy thai muộn.

Theo dữ liệu thống kê, ít nhất 85% phụ nữ đã từng bị sảy thai sẽ có thai trở lại và sinh nở bình thường sau đó. Các nguyên nhân sảy thai thường không phản ánh khả năng sinh sản của nữ giới. Chỉ có khoảng 1 - 2% phụ nữ có thể bị sảy thai nhiều lần (từ ba trở lên) do phản ứng tự miễn dịch.

Các triệu chứng của sảy thai bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo tiến triển từ nhẹ đến nặng;
  • Đau bụng và lưng dưới;
  • Chuột rút, sốt và mệt mỏi;
  • Có dịch lỏng hoặc mô thai xổ ra âm đạo.

Tuy nhiên vẫn có nhiều thai phụ nữ bị xuất huyết âm đạo trong tam cá nguyệt đầu tiên mang thai thành công. Do đó, nếu có bất cứ triệu chứng nào nghi ngờ, chị em nên đến ngay phòng khám sản khoa để được chẩn đoán và theo dõi chính xác.


Có nhiều thai phụ nữ bị xuất huyết âm đạo trong tam cá nguyệt đầu tiên mang thai thành công
Có nhiều thai phụ nữ bị xuất huyết âm đạo trong tam cá nguyệt đầu tiên mang thai thành công

2. Các nguyên nhân sảy thai

2.1. Bất thường về nhiễm sắc thể

Hơn 50% nguyên nhân gây sảy thai 3 tháng đầu là do nhiễm sắc thể của em bé có vấn đề. Nhiễm sắc thể chứa các gen xác định những đặc điểm riêng biệt của thai nhi, chẳng hạn như tóc và màu mắt. Thai nhi sẽ không thể phát triển bình thường nếu có sự sai lệch về số lượng hoặc xuất hiện đột biến nhiễm sắc thể.

Thông thường, sự rối loạn nhiễm sắc thể xảy ra một cách ngẫu nhiên khi phôi phân chia và phát triển, không phải là vấn đề di truyền từ cha mẹ. Do vậy, nguyên nhân sảy thai tự nhiên sớm này thường không lặp lại một lần nữa nếu người mẹ tiếp tục mang thai trong tương lai.

Cho đến nay y học vẫn chưa thể tìm ra cách nào để ngăn chặn các vấn đề bất thường xảy ra ở nhiễm sắc thể. Tuy nhiên khi phụ nữ càng lớn tuổi, đặc biệt là sau tuổi 35, nguy cơ gặp phải các vấn đề về nhiễm sắc thể nói riêng và sảy thai nói chung sẽ tăng lên.

2.2. Tình trạng sức khỏe

Nguyên nhân sảy thai 3 tháng giữa, hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ hai, thường là do tình trạng sức khỏe của người mẹ. Một số vấn đề sức khỏe làm tăng nguy cơ sảy thai của phụ nữ bao gồm:

  • Các bệnh nhiễm trùng như mắc Cytomegalovirus (CMV) hoặc rubella;
  • Các bệnh mãn tính được kiểm soát kém như bệnh tiểu đường hoặc tăng huyết áp;
  • Bệnh tuyến giáp, lupus ban đỏ và các rối loạn tự miễn dịch hoặc hormone nội tiết khác;
  • Các vấn đề ở tử cung, chẳng hạn như u xơ tử cung hoặc dị tật tử cung;
  • Hở eo cổ tử cung (hay còn gọi là bất túc cổ tử cung) khiến cổ tử cung mỏng đi và mở rộng sớm trước khi thai lớn đủ tháng.

2.3. Lối sống

Một số thói quen nguy hiểm của thai phụ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và là nguyên nhân sảy thai tự nhiên sớm, bao gồm:

  • Hút thuốc (một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ sảy thai sẽ tăng ngay cả khi thai phụ chỉ hút thuốc thụ động, nghĩa là chỉ có người xung quanh hút thuốc);
  • Lạm dụng rượu bia;
  • Sử dụng ma túy và chất kích thích.

Lạm dụng bia rượu là một trong nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên
Lạm dụng bia rượu là một trong nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên

2.4. Yếu tố môi trường

Ngoài hút thuốc thụ động, một số chất trong môi trường xung quanh nhà ở và tại nơi làm việc của phụ nữ cũng có thể là nguyên nhân sảy thai, cụ thể là:

  • Sử dụng ống nước cũ hoặc tiếp xúc với lớp sơn của những ngôi nhà cổ được xây dựng trước thập niên 80s;
  • Ngộ độc thủy ngân từ nhiệt kế hoặc bóng đèn huỳnh quang bị hỏng, vỡ;
  • Tiếp xúc với các dung môi như chất pha loãng sơn, chất tẩy nhờn, tẩy vết bẩn và vecni;
  • Tiếp xúc với thuốc trừ sâu để diệt côn trùng hoặc động vật gặm nhấm;
  • Nhiễm độc asen do sống gần các bãi thải hoặc sử dụng nước giếng;

Nếu có lo ngại về các yếu tố độc hại từ môi trường sống, chị em phụ nữ cần trình bày rõ với bác sĩ sản khoa để được tư vấn và hỗ trợ thêm.

2.5. Các nguyên nhân khác

Thực tế, hầu hết các nguyên nhân sảy thai thường không thể kiểm soát được và rất khó để xác định chính xác. Tuy nhiên vẫn có một số yếu tố rủi ro khác nhau làm tăng nguy cơ sảy thai, bao gồm:

  • Tuổi tác: Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ sảy thai cao hơn khoảng 20% và tỷ lệ này sẽ tăng dần theo độ tuổi của chị em (40 tuổi: 40% và 45 tuổi: 80%);
  • Sau sảy thai nhiều lần: Phụ nữ đã từng bị sảy thai hai lần trở lên có nhiều nguy cơ sẽ lại sảy thai;
  • Cân nặng: Thiếu cân hoặc thừa cân cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ sảy thai;
  • Xét nghiệm tiền sản xâm lấn: Một số xét nghiệm di truyền tiền sản, chẳng hạn như lấy mẫu lông nhung màng đệm và chọc ối, có nguy cơ gây sảy thai nhẹ.

Mặt khác, cần phân biệt rõ các hoạt động thường ngày, như tập thể thao, quan hệ tình dục và làm việc trong môi trường không có hóa chất hoặc bức xạ độc hại, sẽ không phải là nguyên nhân sảy thai.

3. Các biện pháp bảo vệ thai kỳ


Khám thai thường xuyên để kịp thời ngăn ngừa và điều trị các vấn đề bất thường
Khám thai thường xuyên để kịp thời ngăn ngừa và điều trị các vấn đề bất thường

Mặc dù không có cách ngăn ngừa sảy thai tuyệt đối, thai phụ vẫn có thể thực hiện các bước sau nhằm tăng cường cơ hội có một thai kỳ khỏe mạnh:

  • Thăm khám và kiểm tra tiền sản;
  • Khám thai thường xuyên để kịp thời ngăn ngừa và điều trị các vấn đề bất thường, nhất là ưu tiên kiểm soát những bệnh lý đang mắc phải;
  • Uống vitamin tổng hợp hàng ngày, đặc biệt là Axit Folic (Vitamin B9);
  • Hạn chế các thói quen nguy hiểm, có thể nhờ bác sĩ hỗ trợ trong việc cai nghiện các chất kích thích;
  • Trình bày với bác sĩ về các nguy cơ từ môi trường đang sống và tham khảo cách bảo vệ thai kỳ thích hợp;
  • Tiến hành các xét nghiệm chuyên sản khoa cần thiết nếu đã từng sảy thai nhiều lần.

Cần lưu ý rằng đa phần nguyên nhân sảy thai tự nhiên sớm không xuất phát từ người mẹ, do đó chị em nên cố gắng vượt qua cảm giác tội lỗi hoặc tự trách mình, cũng như tránh rơi vào những cảm xúc tiêu cực trong thời gian dài. Thay vào đó, phụ nữ cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ và điều chỉnh lối sống sao cho lành mạnh hơn để yên tâm đón chờ một thai kỳ khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com; mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe