Khi có dấu hiệu gây bệnh áp xe não cần đưa người bệnh đi khám càng sớm càng tốt vì não là bộ phận quan trọng điều hành sự sống và mọi vận động của cơ thể. Bệnh áp xe não nếu như được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ giảm bớt nguy cơ tử vong và các biến chứng sau này.
1. Áp xe não
Não bộ là trung tâm điều khiển của hệ thần kinh trung ương chịu trách nhiệm điều khiển hành vi của con người. Một số vi khuẩn và các sinh vật khác có thể vượt qua vòng bảo vệ từ hệ miễn dịch sọ não và các lớp mô xung quanh gây ra nhiễm trùng. Các bọc mủ ở các vị trí ngoài màng cứng, dưới màng cứng và trong não do nhiễm khuẩn làm mủ trong não gọi là áp xe não gây ra các biến chứng viêm màng não mủ, vỡ ổ áp xe, tụt kẹt não có tỉ lệ tử vong với tỷ lệ rất cao. Ngoài ra chấn thương não vì một số lý do nào đó cũng gây áp xe não.
2. Nguyên nhân gây áp xe não
Thường nếu bị chấn thương ở đầu mặt cổ cũng là một trong những nguy cơ gây áp xe não.
Nhiễm khuẩn ở gần não bộ như viêm xoang trán, xoang sàng, viêm tai giữa, viêm xương chũm. Vi khuẩn vào máu rồi gây bệnh như áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm màng trong tim, áp xe gan, viêm tủy xương, viêm bể thận, mụn nhọt. Nếu áp xe não theo đường máu có đặc điểm là ổ áp xe thường ở sâu trong não, có một hay nhiều ổ ở các vị trí khác nhau.
Những loại vi khuẩn thương gây ra áp xe não là trực khuẩn đường ruột, tụ cầu vàng, liên cầu không gây tan huyết, vi khuẩn kỵ khí, nấm, amíp.
Ổ áp xe có thể ở ngoài màng cứng, dưới màng cứng và trong não hoặc cũng có các trường hợp áp xe não không tìm thấy ổ nhiễm khuẩn tiên phát.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc áp xe não như bị chấn thương ở vùng đầu, bị nhiễm trùng ở khu vực gần đầu như: tai, mũi, mũi, mặt, bệnh tiểu đường hoặc các bệnh mãn tính, bệnh tim bẩm sinh, viêm màng não, người lạm dụng thuốc hoặc có hệ miễn dịch yếu hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch như: người bị ung thư, người bị bệnh nặng, người nhiễm HIV AIDS...
3. Quá trình hình thành áp xe não
Áp xe não chia làm 4 giai đoạn gồm giai đoạn não viêm, giai đoạn viêm não muộn, giai đoạn vỡ áp xe sớm, giai đoạn vỡ áp xe muộn. Vi khuẩn gây bệnh tạo ra ổ viêm ở một chỗ hoặc các vùng xung quanh theo đường máu làm cho khu vực trung tâm mủ hoại tử phù nề hóa lỏng mạnh, vùng lân cận có một số nguyên bào sợi, ngoài cùng là vùng phù nề lan rộng.
Vùng hoại tử là trung tâm ổ viêm dần tiến rộng lan ra xung quanh, có các tế bào viêm như bạch cầu hạt xen lẫn với tế bào hoại tử và bắt đầu tạo mủ. Các mạch máu được vận chuyển đến bổ sung nhiều hơn ngăn chặn bao vây ổ mủ không cho trải rộng ra xung quanh tạo thành một vòng vây vững chắc tạo thành bão áp xe.
4. Chẩn đoán áp xe não
Hội chứng nhiễm khuẩn kéo dài trên 2 đến 3 tuần kèm sốt, đau đầu.
Hội chứng tăng áp lực sọ não có các triệu chứng đau đầu, nôn hay đổi ý thức như kích thích, lơ mơ, ngủ gà, bán mê, hôn mê.
Hội chứng thần kinh khu trú như liệt dây VII trung ương, liệt nửa người thường là áp xe ở bán cầu não.
Mất ngôn ngữ do biến chứng từ viêm xương chũm, áp xe thuỳ thái dương.
Thất điều, rung giật nhãn cầu, cứng gáy gây áp xe tiểu não.
Bác sĩ cho xét nghiệm cận lâm sàng để kiểm tra soi đáy mắt thì thấy khoảng 60 – 70% trường hợp có phù gai thị. Công thức máu tăng bạch cầu đa nhân trung tính, tăng tốc độ lắng máu, hematocrit tăng ở bệnh nhân có Fallot 4. Chọc dò dịch não tuỷ cần thận trọng và chống chỉ định khi có phù gai thị, khi áp lực sọ não tăng cao. Chụp cắt lớp điện toán xác định chẩn đoán ổ áp xe có hình tròn, hoặc oval có ranh giới rõ nhất là khi chụp CT có cản quang để xác định được vị trí, kích thước của ổ áp xe.
5. Điều trị áp xe não
Điều trị nội khoa dùng kháng sinh để điều trị vi khuẩn gây bệnh, từ 4 – 8 tuần. Cefotaxime (Claforan) 200 – 300mg/kg/24 giờ, chia 2 – 3 lần tiêm TM, hoặc Ceftriaxone (Rocephine) ; Ceftazidime pentahydrate (Fortum) 70 – 100mg/kg/24h, chia 2 – 3 lần tiêm TM. Kết hợp Metronidazol 40mg/kg/24h truyền tĩnh mạch chia làm 2 lần. Thuốc điều trị tăng áp lực sọ não: Manitol 20% liều 0,5g/kg x 2 lần/ngày, từ 3 – 5 ngày, truyền Ringer Lactate 30 – 50mg/kg/ngày (kiểm soát điện giải đồ). Thuốc chống co giật: Phenobarbital 3 – 5mg/kg/ngày chia 2 lần hoặc Seduxen 0,3 – 0,5mg/kg/1 lần, uống. Thuốc giảm sốt: Paracetamol 15mg/kg/lần, uống.
Điều trị ngoại khoa khi điều trị kháng sinh không hiệu quả, ổ áp xe có kích thước lớn đe dọa tụt kẹt. Phương pháp chọc hút mủ, phân lập vi khuẩn và điều trị theo kháng sinh đồ hoặc cắt bỏ ổ áp xe nếu là bọc mủ lớn. Sau mổ điều trị kháng sinh 4 tuần tiêm tĩnh mạch, sau chuyển uống 2 – 4 tuần và hẹn khám lại. Phải mất nhiều tháng mới thấy biến mất ổ áp xe trên phim chụp cắt lớp điện toán. Người bệnh cần được theo dõi sau khi ra viện cũng như hẹn khám lại đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ
Áp xe não là bệnh rất nặng và có tỉ lệ tử vong cao. Muốn phòng bệnh cần tránh các nguyên nhân gây áp xe. Ngoài ra phải có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý. Hạn chế nhiễm khuẩn tai mũi họng và răng miệng bằng cách chăm sóc răng miệng thường xuyên khi ngủ dậy và sau các bữa ăn. Nếu các triệu chứng của xoang hoặc nhiễm trùng răng vẫn tồn tại dai dẳng thì phải đưa người bệnh cần đến cơ sở Y tế khám và can thiệp thuốc. Đặc biệt phòng tránh tai nạn chấn thương như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; sử dụng các trang bị bảo hộ lao động trong các ngành nghề như thợ xây, thợ mộc, công nhân vận hành máy móc.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.