Các lý do khiến bạn cảm thấy kiệt sức

Tình trạng mệt mỏi, kiệt sức có thể gây ra bởi các yếu tố thường gặp như cảm lạnh hoặc cảm cúm. Tuy nhiên nó cũng có thể được gây ra bởi những tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Bài viết dưới đây sẽ đề cập tới những nguyên nhân khiến bạn kiệt sức và giải pháp để cơ thể luôn khỏe mạnh.

1. Kiệt sức là gì?

Kiệt sức là tình trạng suy kiệt về tinh thần lẫn thể chất mà nguyên nhân do căng thẳng quá độ và kéo dài.

Kiệt sức cũng xảy ra khi bạn kiệt quệ về mặt cảm xúc và không thể bắt kịp với những đòi hỏi của cuộc sống. Khi căng thẳng kéo dài, bạn bắt đầu mất đi hứng thú và động lực trong cuộc sống.

2. Các lý do khiến bạn cảm thấy kiệt sức

2.1. Không ngủ đủ giấc và giấc ngủ kém chất lượng

Ngủ đủ giấc là điều cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh, nhưng thật không may, nhiều người trong chúng ta gặp vấn đề về giấc ngủ và điều này có thể khiến cho cơ thể cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức.

Trong khi ngủ, cơ thể thực hiện một số chuyển hóa thiết yếu, bao gồm giải phóng các hormone tăng trưởng, sửa chữa và tái tạo tế bào. Đây là lý do tại sao hầu hết mọi người thức dậy với cảm giác sảng khoái, tỉnh táo và tràn đầy năng lượng sau một đêm ngủ ngon và cảm thấy cạn kiệt sức lực khi mất ngủ.

Điều quan trọng là giấc ngủ phải yên tĩnh và không bị gián đoạn để cho phép não của bạn trải qua các giai đoạn của giấc ngủ. Mặc dù thời gian ngủ nên phụ thuộc vào từng cá thể, nhưng Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ và Y học về Giấc ngủ của Hoa Kỳ đã khuyến nghị rằng người lớn nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm để có sức khỏe tối ưu.

Mất ngủ là thuật ngữ chỉ bất kỳ tình trạng nào khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ. Có nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm thời kỳ mãn kinh, bệnh lý nền, căng thẳng tâm lý, môi trường ngủ kém chất lượng và kích thích thần kinh quá mức. Tình trạng mất ngủ là rất phổ biến. Trên thực tế, một bài đánh giá đã lưu ý rằng có tới 40% người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị mất ngủ vào một thời điểm nào đó trong một năm nhất định

Nếu bạn đang bị mất ngủ, các phương pháp điều trị như thay đổi chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc và kiểm soát các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có thể hữu ích. Đến gặp bác sĩ để được tư vấn phù hợp.

Tóm lại, ngủ không đủ giấc hoặc giấc ngủ kém chất lượng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến mệt mỏi, kiệt sức. Căng thẳng, điều kiện môi trường ngủ kém chất lượng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ và gây ra chứng mất ngủ. Nếu bạn đang bị mất ngủ, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để được tư vấn phương pháp

2.2. Thiếu hụt chất dinh dưỡng

Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể khiến cơ thể cảm thấy kiệt sức cả ngày, ngay cả khi bạn ngủ hơn 7 tiếng. Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng sau đây có liên quan đến sự mệt mỏi, kiệt sức:

Sự thiếu hụt trong nhiều nhóm chất dinh dưỡng này là khá phổ biến. Điều cần làm là bạn phải được kiểm tra, xét nghiệm xem mức độ thiếu hụt chất này là bao nhiêu nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức không rõ nguyên nhân.

2.3. Căng thẳng

Mặc dù một số căng thẳng được coi là bình thường, nhưng căng thẳng mãn tính khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt sức.

Trên thực tế, căng thẳng mãn tính có thể dẫn đến chứng kiệt sức liên quan đến căng thẳng (ED), một tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi các triệu chứng kiệt sức cả về tinh thần và thể chất. Hơn nữa, căng thẳng mãn tính có thể gây ra những thay đổi về cấu trúc và chức năng trong não bộ của bạn, đồng thời dẫn đến chứng viêm mãn tính, có thể góp phần gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, kiệt sức.

Trong cuộc sống hàng ngày không thể tránh khỏi những tình huống căng thẳng, đặc biệt là liên quan đến công việc, gia đình. Vậy căng thẳng gây kiệt sức nên làm gì?

Cách tốt nhất là bạn hãy việc quản lý căng thẳng để ngăn ngừa tình trạng kiệt sức...Ví dụ: Bạn có thể dành thời gian để giải tỏa căng thẳng bằng cách đi tắm, thiền hoặc đi dạo. Hoặc một nhà trị liệu cũng có thể giúp bạn thực hiện các liệu pháp để giảm căng thẳng.

2.4. Chế độ ăn uống mất cân bằng

Chế độ ăn uống gây ảnh hưởng đáng kể đến cơ thể của bạn. Để duy trì năng lượng và nhận các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần để thực hiện các chuyển hóa thiết yếu thì cần phải có một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều thực phẩm giàu chất dinh dưỡng.

Ăn thiếu chất và khi cơ thể không nhận đủ lượng calo, chất dinh dưỡng như protein, cơ thể sẽ bắt đầu phân hủy mỡ và cơ để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Điều này dẫn đến việc mất khối lượng mỡ và cơ trong cơ thể, gây ra tình trạng suy kiệt.

Người lớn tuổi đặc biệt có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và thiếu hụt chất dinh dưỡng do các yếu tố như thay đổi khẩu vị liên quan đến tuổi tác và giảm hoạt động thể chất. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn làm giảm mức năng lượng của cơ thể. Ví dụ, chế độ ăn nhiều đường có thể gây hại cho giấc ngủ và dẫn đến lượng đường trong máu tăng, gây mệt mỏi, kiệt sức.

Nhìn chung, một chế độ ăn ít thực phẩm chế biến sẵn, giảm đường, bổ sung thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như trái cây, rau, các loại đậu và các nguồn protein như cá và trứng có thể giúp giảm mệt mỏi và hỗ trợ giấc ngủ khỏe mạnh, cung cấp cho cơ thể bạn dinh dưỡng tối ưu.

2.5. Tiêu thụ quá nhiều caffeine

Mặc dù đồ uống chứa caffein như cà phê và nước tăng lực giúp bạn tăng cường năng lượng tạm thời, nhưng việc phụ thuộc quá nhiều vào chúng có thể khiến bạn mệt mỏi hơn vào ngày hôm sau. Đó là bởi vì quá nhiều caffein có thể gây hại cho giấc ngủ, mệt mỏi, kiệt sức.

Nghiên cứu cho thấy cảm giác mệt mỏi vào buổi sáng khiến mọi người tiêu thụ một lượng lớn caffeine, điều này làm thay đổi chu kỳ giấc ngủ của bạn. Đổi lại, bạn có thể lạm dụng cà phê hoặc đồ uống chứa caffein khác để lấy năng lượng, điều này tiếp tục chu kỳ ngủ kém và sau đó là nghiện caffeine.

Uống quá nhiều caffein có liên quan đến việc tăng lo lắng vào ban đêm, mất ngủ, tăng thức giấc vào ban đêm, giảm tổng thời gian ngủ và buồn ngủ vào ban ngày. Do đó, cắt giảm lượng caffein có thể giúp phục hồi giấc ngủ và mức năng lượng của bạn.

2.6. Mất nước

Lượng nước trong cơ thể là rất quan trọng để duy trì mức năng lượng. Nhiều phản ứng sinh hóa diễn ra trong cơ thể bạn hàng ngày dẫn đến tình trạng mất nước cần được bổ sung. Mất nước xảy ra khi bạn không uống đủ chất lỏng để thay thế lượng nước bị mất qua mồ hôi, hơi thở, nước tiểu, phân. Khi cơ thể mất nước dẫn đến mức năng lượng thấp hơn và giảm khả năng tập trung.

Trên thực tế, tình trạng mất nước ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể của bạn, bao gồm cả chu kỳ giấc ngủ của bạn. Một nghiên cứu trên 26.000 người trưởng thành ở Trung Quốc và Mỹ liên quan đến việc cơ thể không đủ nước dẫn đến thời gian ngủ ngắn hơn

Mất nước cũng có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn khi tập thể dục và ảnh hưởng tiêu cực đến sức chịu đựng của bài tập. Mặc dù bạn có thể đã nghe nói rằng bạn nên uống 8 cốc nước mà mỗi cốc khoảng 240 ml mỗi ngày, nhưng nhu cầu hydrat hóa phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cân nặng, tuổi tác, giới tính và mức độ hoạt động của bạn. Điều quan trọng là uống đủ để duy trì hydrat hóa tốt.

Các triệu chứng mất nước phổ biến bao gồm khát nước, mệt mỏi, chóng mặt và đau đầu.

2.7. Thừa cân béo phì

Béo phì không chỉ liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường type 2, bệnh tim và một số bệnh ung thư mà còn có thể làm tăng nguy cơ mệt mỏi mãn tính.

Béo phì làm tăng đáng kể nguy cơ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, đây là nguyên nhân phổ biến gây mệt mỏi vào ban ngày. Nó cũng liên quan đến việc tăng cảm giác buồn ngủ vào ban ngày bất kể chứng ngưng thở khi ngủ, cho thấy béo phì ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ giấc ngủ.

Hơn nữa, những người mắc bệnh béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến mệt mỏi, bao gồm trầm cảmtiểu đường type 2. Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh có thể hỗ trợ giấc ngủ ngon và mức năng lượng, trong khi giấc ngủ chất lượng cao có thể giúp ngăn ngừa tăng cân và giảm mệt mỏi.

2.8. Các nguyên nhân khác gây ra tình trạng kiệt sức

Có rất nhiều nguyên nhân khác có thể khiến bạn mệt mỏi như:

  • Nghiện ma túy và rượu: Nghiên cứu cho thấy những người nghiện ma túy hoặc rượu dễ bị mệt mỏi, kiệt sức hơn;
  • Làm việc theo ca: Làm việc theo ca khiến giấc ngủ bị gián đoạn và có thể dẫn đến kiệt sức.
  • Ít vận động: Các nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục nhiều hơn có thể cải thiện các triệu chứng mệt mỏi ở một số người, kể cả những người mắc các bệnh như đa xơ cứng (MS).
  • Một số thuốc như thuốc chống trầm cảm, steroid, thuốc huyết áp có liên quan đến các tác dụng phụ như mất ngủ và tăng mệt mỏi, kiệt sức;
  • Bệnh lý mạn tính: Một số bệnh lý mạn tính gây ra triệu chứng mệt mỏi, kiệt sức mà bạn cần được thăm khám để chẩn đoán, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ, suy giáp, ung thư, hội chứng mệt mỏi mãn tính, bệnh đa xơ cứng, rối loạn lo âu, bệnh thận, trầm cảm, tiểu đường và đau cơ xơ hóa,

Nhìn chung có nhiều yếu tố có thể gây ra tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, chẳng hạn như tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, thiếu hụt chất dinh dưỡng, rối loạn giấc ngủ, uống caffein và căng thẳng mãn tính. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân, điều quan trọng là phải đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân. Trong nhiều trường hợp, tình trạng mệt mỏi của bạn sẽ được cải thiện khi xác định được những nguyên nhân cơ bản và thực hiện các điều chỉnh về lối sống, chế độ ăn uống phù hợp hoặc điều trị các bệnh lý mắc phải.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe