Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Suy giảm chức năng buồng trứng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nói chung và đời sống tình dục của người phụ nữ nói riêng. Hiểu rõ nguyên nhân gây suy giảm chức năng buồng trứng và các lưu ý giúp cải thiện suy buồng trứng sớm sẽ giúp chị em phụ nữ phòng tránh và phát hiện, điều trị bệnh kịp thời.
1. Nguyên nhân gây suy giảm chức năng buồng trứng sớm
Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm chức năng buồng trứng sớm ở phụ nữ, trong đó, nồng độ hormone estrogen sụt giảm được xem là nguyên nhân chính. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân gây suy buồng trứng sớm sau:
- Rối loạn kinh nguyệt: Kinh nguyệt không ổn định về cả lượng và chu kỳ trong khoảng thời gian dài.
- Sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cafe, ...
- Bị viêm âm đạo và các bộ phận sinh dục bị nhiễm virus, vi khuẩn, nấm
- Lạm dụng nạo hút, phá thai một cách bừa bãi, ảnh hưởng đến sức khỏe buồng trứng, rối loạn nội tiết tố.
- Mắc các bệnh lý phải phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng (một bên) hoặc vòi trứng, ...
2. Dấu hiệu của suy giảm chức năng buồng trứng sớm
Khi nồng độ hormone estrogen thay đổi dẫn đến suy buồng trứng sẽ xuất hiện những dấu hiệu sau:
- Da bị mất độ đàn hồi, chảy xệ, khô da, ngứa da, xuất hiện các nếp nhăn, vết nám, đồi mồi
- Rụng tóc, tóc bạc sớm, bị khô và xơ
- Móng tay, móng chân dễ gãy hơn bình thường
- Tính tình dễ bị kích động, hay thay đổi, bốc hỏa, nóng trong người, ra mồ hôi nhiều, đặc biệt là về đêm, gây khó ngủ
- Hay bị nhức đầu, mất tập trung, cơ thể mệt mỏi
- Thường xuyên bị đau mỏi vùng lưng
Ngoài ra, suy giảm chức năng buồng trứng cũng kéo theo suy giảm chức năng sinh lý như: giảm ham muốn tình dục, âm đạo bị khô khiến việc quan hệ gặp khó khăn, đau rát.
Trên đây là một số dấu hiệu cho biết chức năng buồng trứng bị suy giảm. Nếu xuất hiện những dấu hiệu này dưới 40 tuổi, cùng với chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn (hoặc mất kinh nguyệt nhiều hơn 3 tháng), người bệnh cần đến bệnh viện và các cơ sở y tế có chuyên khoa để được chỉ định xét nghiệm máu đo nồng độ FSH giúp phát hiện suy buồng trứng sớm. Nếu kết quả cho thấy bị suy buồng trứng sớm, kết quả siêu âm buồng trứng sẽ thấy buồng trứng bị nhỏ lại và tử cung mỏng hơn.
3. Thuốc điều trị suy buồng trứng
Suy buồng trứng chủ yếu được điều trị bằng thuốc. Các loại thuốc điều trị suy buồng trứng có tác dụng tăng cường hormone estrogen nhằm cân bằng nội tiết tố buồng trứng, kích thích và thúc đẩy buồng trứng hoạt động. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa hormone estrogen và progesteron cũng có tác dụng tái tạo lớp niêm mạc của tử cung, điều hòa kinh nguyệt. Cuối cùng, hormone estrogen được tăng cường giúp tái tạo hoạt động của các tuyến cổ tử cung, bài tiết dịch nhầy để đảm bảo độ ẩm của cơ quan sinh dục, từ đó, tăng cường chức năng sinh lý, ham muốn tình dục.
4. Các lưu ý giúp cải thiện suy buồng trứng sớm
Bên cạnh việc điều trị suy buồng trứng bằng cách dùng thuốc bổ sung hormone estrogen theo chỉ định của bác sĩ, các lưu ý dưới đây sẽ giúp cải thiện suy buồng trứng sớm ở phụ nữ:
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có chứa hormone sinh dục nữ như isoflavone, estrogen có trong: Đậu nành, các chế phẩm từ đậu nành, mè, đu đủ, trái anh đào, ...
- Tránh bị căng thẳng, quá áp lực, thay vào đó nên thư giãn, để tinh thần luôn được thoải mái.
- Để đời sống tình dục được cải thiện có thể áp dụng một số biện pháp giúp hỗ trợ và kích thích khi quan hệ như chất bôi trơn, thay đổi các tư thế khác nhau, ...
Suy giảm chức năng buồng trứng sớm khiến chị em phụ nữ lo lắng vì nó ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng và sức khỏe sinh sản. Do vậy, phụ nữ cần phát hiện sớm để điều trị và lưu ý một số biện pháp giúp cải thiện chức năng của buồng trứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.