Tiêm phòng là một bước chuẩn bị quan trọng để mang lại cho trẻ khởi đầu khỏe mạnh trong những năm tháng đầu đời. Một số loại vắc xin trẻ đã nhận trước đây vẫn có mặt trong lịch tiêm chủng cho trẻ 6 tháng tuổi với những liều tiếp theo.
1. Lịch tiêm chủng cho trẻ 6 tháng tuổi
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các loại vacxin cho bé 6 tháng tuổi được khuyến nghị để chống lại những căn bệnh sau:
1.1. Bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTaP) - liều thứ 3
Bạch hầu bắt đầu với triệu chứng đau họng, sốt nhẹ và ớn lạnh. Sau đó, độc tố bạch hầu tạo ra một lớp phủ dày màu trắng hoặc xám ở phía sau mũi và cổ họng, làm cho bệnh nhân khó thở, khó nuốt.
Uốn ván là một căn bệnh nghiêm trọng do vi khuẩn xâm nhập cơ thể, độc tố khiến người bệnh bị cứng, co thắt và đau nhức cơ bắp. Vi khuẩn uốn ván còn tạo ra chứng khít hàm, khiến cơ cổ và cơ hàm của người bệnh bị khóa chặt, gây khó mở miệng hoặc nuốt, và có thể dẫn đến tử vong.
Ho gà bắt đầu với các triệu chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ho nhẹ và ngừng thở ở trẻ sơ sinh. Ho có thể bắt đầu sau khoảng 1 - 2 tuần tiếp xúc với vi khuẩn. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị ho gà có nguy cơ gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như khó thở, kém ăn, mất ngủ, nôn và cơ thể xanh xao vì ho.
CDC khuyến cáo trẻ nên tiêm đủ 5 liều vắc xin DTaP, bắt đầu từ lúc 2 tháng tuổi. Các liều sau đó được tiêm khi trẻ đủ 4 tháng tuổi, 6 tháng tuổi, khoảng từ 15 - 18 tháng tuổi và cuối cùng là từ 4 - 6 tuổi.
1.2. Viêm phổi và viêm màng não mủ do Haemophilus loại B (Hib) - liều thứ 3
Vắc xin Hib giúp chống lại vi khuẩn gây bệnh HIB (Haemophilus Influenzae type b). Đây là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị nhiễm trùng tai từ nhẹ đến nhiễm trùng máu nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiễm trùng phổi (viêm phổi) và nhiễm trùng niêm mạc não - tủy sống (viêm màng não mủ) cũng là 2 căn bệnh nguy hiểm do vi khuẩn Hib gây ra.
Bệnh Hib có thể gây tổn thương não, giảm thính lực hoặc thậm chí là tử vong. Có đến 1/5 trẻ em sống sót sau khi bị viêm màng não do Hib sẽ gặp biến chứng tổn thương não hoặc bị điếc. Trước khi có vắc xin chủng ngừa, khoảng 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm vi khuẩn Hib và mắc các bệnh nguy hiểm mỗi năm.
CDC khuyến cáo trẻ nên tiêm 3 - 4 liều vắc xin Hib tùy thuộc vào nhãn hiệu, bắt đầu từ 2 tháng tuổi. Các liều sau đó được tiêm khi trẻ đủ 4 tháng tuổi, 6 tháng tuổi và khoảng từ 15 - 18 tháng tuổi.
1.3. Bệnh bại liệt (IPV) - liều thứ 3
Bệnh bại liệt là một bệnh truyền nhiễm, gây ra bởi virus Polio có khả năng xâm chiếm não và tủy sống. Bại liệt có nguy cơ gây tê liệt cả đời và thậm chí khiến bệnh nhân tử vong. Nhờ vào chương trình tiêm phòng vắc xin bại liệt bất hoạt, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới WHO công nhận thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc vào năm 2000. Thời gian qua nước ta đã duy trì được tỷ lệ miễn dịch cao trong cộng đồng, tuy nhiên căn bệnh này vẫn là mối đe dọa ở một số quốc gia khác.
CDC khuyến cáo trẻ nên tiêm đủ 4 liều vắc xin IPV, bắt đầu từ lúc 2 tháng tuổi. Các liều sau đó được tiêm khi trẻ đủ 4 tháng tuổi, từ 6 - 18 tháng tuổi và cuối cùng là từ 4 - 6 tuổi.
1.4. Phế cầu khuẩn (PCV13) - liều thứ 3
Bệnh phế cầu khuẩn do vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae) gây ra, có thể gây nhiễm trùng tai và xoang, nặng hơn là nhiễm trùng phổi (viêm phổi), niêm mạc não và tủy sống (viêm màng não) và máu. Biến chứng của nhiễm khuẩn phế cầu nghiêm trọng có thể khiến bệnh nhân tàn phế suốt đời hoặc tử vong.
CDC khuyến cáo trẻ nên tiêm đủ 4 liều vắc xin PCV13, bắt đầu từ lúc 2 tháng tuổi. Các liều sau đó được tiêm khi trẻ đủ 4 tháng tuổi, 6 tháng tuổi và cuối cùng là từ 12 - 15 tháng tuổi.
1.5. Tiêu chảy cấp do Rotavirus (RV) - liều thứ 3
Rotavirus là một loại virus truyền nhiễm gây tiêu chảy nghiêm trọng, kèm theo nôn mửa, sốt và đau bụng, khiến bệnh nhân phải nhập viện. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng bị tiêu chảy cấp do nhiễm Rotavirus phổ biến nhất. Các triệu chứng của bệnh có xu hướng nhẹ hơn nếu xuất hiện ở người lớn.
CDC khuyến cáo trẻ nên tiêm 2 - 3 liều vắc xin RV tùy thuộc vào nhãn hiệu, bắt đầu từ 2 tháng tuổi. Các liều sau đó được tiêm khi trẻ đủ 4 tháng tuổi và 6 tháng tuổi (nếu dùng nhãn hiệu RotaTeq).
1.6. Cúm - hàng năm
Bởi vì virus cúm sẽ thay đổi liên tục theo thời gian, do đó vắc xin mới cũng được sản xuất mỗi năm để bảo vệ trẻ em và cả người lớn chống lại virus cúm tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh. Ngoài ra, khả năng miễn dịch của cơ thể sau tiêm phòng cúm cũng suy yếu dần, không có hiệu lực vĩnh viễn.
CDC khuyến nghị mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên chủng ngừa cúm theo mùa hàng năm, tốt nhất là vào khoảng cuối tháng 10, để đảm bảo khả năng phòng chống bệnh cúm tốt nhất.
2. Lưu ý sau khi tiêm phòng
Đôi khi trẻ sẽ có phản ứng nhẹ sau khi tiêm các mũi vacxin cho bé 6 tháng tuổi, chẳng hạn như đau tại chỗ tiêm, phát ban hoặc sốt. Những phản ứng này là bình thường và sẽ tự động khỏi trong thời gian ngắn. Có thể áp dụng một số cách điều trị tạm thời như sau:
- Chườm một miếng vải ẩm và mát để giúp giảm đỏ, sưng đau tại chỗ tiêm;
- Lau mình bằng khăn và nước mát cho bé để giảm sốt;
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho bé uống thuốc giảm đau không chứa aspirin.
Ngoài ra, sau khi tiêm phòng vacxin cho bé 6 tháng tuổi, phụ huynh nên:
- Tìm hiểu thông tin về các tác dụng phụ của loại vắc xin vừa tiêm mà con bạn có thể gặp phải;
- Cho bé bú sữa mẹ và uống nước thường xuyên hơn. Thông thường cũng có một số trẻ ăn ít hơn trong vòng 24 giờ sau khi tiêm vắc xin và điều này không đáng lo ngại;
- Để mắt và quan tâm đến bé nhiều hơn trong vài ngày. Nếu nhận thấy bất cứ điều gì bất thường, nên trao đổi với bác sĩ.
Tuân thủ đúng lịch tiêm chủng cho trẻ 6 tháng tuổi với các liều vắc xin bổ sung sẽ xây dựng khả năng miễn dịch của bé đủ vững vàng để ngăn ngừa bệnh tật nguy hiểm. Tiêm đủ số liều được khuyến nghị của các loại vacxin cho bé 6 tháng tuổi còn giúp tăng cường hệ miễn dịch vốn bị suy yếu theo thời gian, bảo vệ sức khỏe toàn diện của bé.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế sử dụng nguồn vắc xin chất lượng cao, có xuất xứ rõ ràng, phù hợp với từng độ tuổi cần tiêm chủng, đảm bảo an toàn từ khâu kiểm nhập, bảo quản đến khi đưa vào sử dụng.
Để được tư vấn trực tiếp hoặc đặt lịch hẹn tiêm phòng cho con tại Vinmec, cha mẹ vui lòng đặt lịch TẠI ĐÂY hoặc liên hệ theo HOTLINE:
- Vinmec Times City - Hà Nội: 024 3974 3556
- Vinmec Hạ Long : 0203 3828 188
- Vinmec Hải Phòng : 0225 730 9888
- Vinmec Đà Nẵng : 0236 3711 111
- Vinmec Nha Trang : 0258 3900 168
- Vinmec Central Park - Tp. Hồ Chí Minh : 028 3622 1166
- Vinmec Phú Quốc : 0297 398 5588
- Phòng khám Vinmec Royal City - Hà Nội: 024 3975 6887
- Phòng khám Vinmec Sài Gòn - (028) 3520 3366
- Phòng khám Vinmec Gardenia - Hà Nội: 024 3975 6788
- Phòng khám Vinmec Metropolis - Hà Nội: 024 3975 6886
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: cdc.gov