Các loại đau đầu và cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Cơn đau đầu gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc và cuộc sống. Do đó, tìm hiểu thông tin về các loại đau đầu và phương pháp điều trị sẽ giúp người bệnh kiểm soát cơn đau tốt hơn cũng như hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

1. Đau đầu do căng thẳng

  • Triệu chứng

Đau đầu do căng thẳng là loại đau đầu phổ biến nhất. Cơn đau xảy ra ở cả hai bên thái dương, làm bạn có cảm giác như thể một chiếc thắt lưng đang buộc chặt trên đầu hoặc có thứ gì đó tác động mạnh vào vùng đầu, mặt hoặc cổ. Cơn đau đầu xảy ra còn có thể làm bạn nhạy cảm hơn với ánh sáng và âm thanh.

  • Nguyên nhân

Cơn đau đầu do căng thẳng xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Chủ yếu là do sử dụng máy tính và điện thoại trong nhiều giờ. Ngoài ra, còn có thể do trạng thái tâm lý căng thẳng, bỏ bữa, chán nản, lo lắng, ngủ quá ít. Chúng đều gây ảnh hưởng đến các cơ vùng cổ, mặt, da đầu và hàm, gây ra cơn đau đầu.

  • Điều trị

Nếu nguyên nhân gây bệnh là do viêm khớp, nghiến răng hoặc chứng ngưng thở khi ngủ, bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị đau đầu bằng cách chữa căn nguyên bệnh trước. Nếu không, bạn có thể được cung cấp thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen để hỗ trợ giảm triệu chứng đau đầu. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn các phương pháp tự nhiên như tắm nước nóng, đắp khăn ấm sau gáy, tập thiền, tập yoga, v.v để giúp kiểm soát trạng thái căng thẳng.


Dùng các thiết bị điện tử nhiều giờ liên tục có thể khiến đau đầu do căng thẳng
Dùng các thiết bị điện tử nhiều giờ liên tục có thể khiến đau đầu do căng thẳng

2. Chứng đau nửa đầu

  • Triệu chứng

Cơn đau nửa đầu thường xảy ra ở 1 bên đầu, dữ dội hơn khi người bệnh nói chuyện hoặc di chuyển. Ngoài ra, bạn còn có thể bị buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn và mùi. Cụ thể, bạn có thể ngửi thấy mùi lạ, nghe có tiếng chuông bên tai, nhìn thấy đèn nhấp nháy, đường lượn sóng hoặc có điểm mù trước mắt. Trước khi xuất hiện cơn đau nửa đầu một ngày, bạn có thể có cảm giác thèm ăn hoặc thay đổi số lượng nước tiểu.

  • Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây đau nửa đầu, nhưng được biết đến nhiều nhất là di truyền và môi trường sống. Thay đổi nội tiết tố, căng thẳng, khó ngủ, mùi khó ngửi, thuốc lá, bỏ bữa, lo lắng có thể là một trong những điều kiện kích hoạt cơn đau nửa đầu. Một số loại thực phẩm như cà phê, rượu vang, pho mát lâu năm, thực phẩm ngâm hoặc muối chua, pepperoni, salami cũng được cho là có khả năng gây ra đau nửa đầu.

  • Điều trị

Để làm giảm cơn đau, người bệnh nên đắp khăn mát lên trán, nghỉ ngơi trong một căn phòng tối, yên tĩnh. Uống nhiều nước, đặc biệt là trong trường hợp bị nôn. Khi đi khám, bác sĩ có thể điều trị đau đầu cho bạn bằng cách kê thuốc giảm đau. Bạn cần tránh lạm dụng thuốc, theo đó, bạn chỉ nên uống theo theo chỉ định của bác sĩ. Để tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh, bạn nên chuẩn bị một cuốn sổ và ghi lại các hoạt động thường ngày.


Cà phê cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh đau nửa đầu
Cà phê cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh đau nửa đầu

3. Đau đầu chùm

  • Triệu chứng

Đau đầu chùm là cơn đau đầu xuất hiện đột ngột, rất đau ở một bên đầu, thường ở phía sau một mắt. Cơn đau thường xảy ra vào một thời điểm nhất định trong ngày và kéo dài khoảng vài tuần. Đau đầu đạt đỉnh sau 5 - 10 phút và có thể kéo dài đến 3 giờ. Khi cơn đau diễn ra, bạn có thể bị đỏ, sưng ở bên cạnh chỗ đau, nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, mùi hoặc cảm thấy hoa mắt, buồn nôn trước khi xuất hiện cơn đau.

  • Nguyên nhân

Cơn đau đầu chùm thường xảy ra vào ban đêm, nên nguyên nhân có thể là do ngủ không ngon giấc. Các chất kích thích như rượu, thuốc lá cùng với yếu tố di truyền hoặc chấn thương đầu cũng được cho là một trong các yếu tố gây bệnh. Cơn đau xảy ra nhiều hơn và mùa xuân và mùa thu, đôi khi bị nhầm với dị ứng.

  • Điều trị

Khi đến khám bệnh, bạn có thể được hỗ trợ hô hấp bằng hít thở oxy nguyên chất nhằm tăng lưu lượng máu đến não. Các nghiên cứu đã chứng minh phương pháp này có tác dụng đối với hầu hết người bị đau đầu chùm. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc triptan, làm thu hẹp các mạch máu, giảm đau. Các trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ được chỉ định truyền điện xung hoặc phẫu thuật để ngăn chặn các tín hiệu đến và đi từ một số dây thần kinh.

4. Đau đầu do viêm xoang

  • Triệu chứng

Đau đầu do viêm xoang rất dễ bị nhầm lẫn với đau nửa đầu. Cả hai loại đau đầu này đều có triệu chứng đau ở vùng mặt, nghẹt mũi và chảy nước mắt, cơn đau tăng lên khi nghiêng về phía trước. Để phân biệt, bạn nên chú ý các triệu chứng chỉ xuất hiện ở đau đầu do viêm xoang như chất nhầy đặc, màu vàng ở mũi, bị sốt và khó ngửi thấy mùi vị.


Đau đầu do viêm xoang sẽ kèm theo xuất hiện chất nhầy chảy ra từ mũi
Đau đầu do viêm xoang sẽ kèm theo xuất hiện chất nhầy chảy ra từ mũi
  • Điều trị

Viêm xoang thường tự khỏi trong vòng một tuần hoặc lâu hơn. Nếu tình trạng viêm kéo dài hơn, có thể là do bạn đã bị nhiễm vi khuẩn và cần điều trị bằng kháng sinh. Khi đến khám, bạn có thể được làm sạch xoang bằng dung dịch nước muối và chỉ định thuốc corticosteroid để giảm viêm. Khi viêm xoang được điều trị khỏi, cơn đau đầu của bạn cũng biến mất theo.

5. Đau đầu thứ phát

  • Nguyên nhân

Đau đầu thứ phát xảy ra do một bệnh lý nào đó tác động đến não bộ gây đau. Trong đó, đau đầu do viêm xoang cũng được xem là đau đầu thứ phát, vì nó gây ra bởi bệnh viêm xoang. Các yếu tố khác gây đau đầu có thể là chấn thương, vấn đề về mạch máu, khối u nãoco giật.

  • Điều trị

Bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và điều trị dứt điểm. Theo đó, bác sĩ khuyên bạn nên bớt chú ý đến cơn đau đầu thì tình trạng bệnh sẽ trở nên tốt hơn.

Đau đầu không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống mà còn tác động đến nhiều mặt sức khỏe của con người. Vì thế nếu tình trạng đau đầu kéo dài, bệnh nhân cần đến các trung tâm y tế, bệnh viện chuyên khoa thần kinh để thăm khám, tìm ra nguyên nhân để có hướng điều trị bệnh kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe