Các kiểu loại rối loạn nội tiết thường gặp

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Hệ nội tiết là một hệ thống của các tuyến nội tiết, nơi sản xuất và giải phóng các nội tiết tố giúp kiểm soát nhiều hoạt động quan trọng của cơ thể, trong đó bao gồm cả khả năng chuyển hóa calo thành năng lượng cung cấp cho các tế bào và cơ quan trong cơ thể. Hệ nội tiết tác động tới nhịp đập của tim, sự phát triển của mô và xương, khả năng sinh sản,... Là một hệ thống mang vai trò sống còn, bất kì rối loạn nào của hệ nội tiết cũng đều ảnh hưởng nặng nề tới con người, thậm chí đe dọa tử vong.

1. Các tuyến nằm trong hệ nội tiết

Mỗi một tuyến của hệ nội tiết giải phóng những nội tiết tố riêng biệt vào trong máu. Những nội tiết tố này theo dòng máu đi tới các tế bào và giúp kiểm soát hoặc phối hợp thực hiện các quá trình của cơ thể.

Các tuyến nội tiết gồm có:

  • Tuyến thượng thận: Hai tuyến nằm ở cực trên của hai thận, giải phóng nội tiết tố cortisol.
  • Vùng dưới đồi: Một bộ phận của phần trung não dưới, chỉ huy hoạt động của tuyến yên.
  • Buồng trứng: Cơ quan sinh sản của nữ giới, giải phóng trứng và sản xuất nội tiết tố sinh dục.
  • Các tế bào tiểu đảo tụy: Các tế bào của tụy kiểm soát việc giải phóng nội tiết tố insulin và glucagon.
  • Tuyến cận giáp: Gồm bốn tuyến nhỏ ở cổ, đóng vai trò trong quá trình phát triển xương.
  • Tuyến tùng: Một tuyến nằm gần trung tâm não bộ, có thể có mối liên hệ tới quá trình giấc ngủ.
  • Tuyến yên: Một tuyến nằm ở nền não, thường được coi là “tuyến chỉ huy” bởi nó tác động tới nhiều tuyến khác, đặc biệt là tuyến giáp. Các vấn đề xảy ra với tuyến yên sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển của xương, chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới và sự tiết sữa mẹ.
  • Tinh hoàn: Tuyến sinh dục ở nam giới, sản xuất tinh trùng và nội tiết tố sinh dục.
  • Tuyến ức: Một tuyến ở vùng ngực trước, giúp cơ thể phát triển hệ miễn dịch trong những năm đầu đời.
  • Tuyến giáp: Một tuyến có hình như con bướm ở vùng cổ trước, kiểm soát quá trình trao đổi chất.

Hình ảnh hệ nội tiết trong cơ thể con người
Hình ảnh hệ nội tiết trong cơ thể con người

Một vấn đề dù là nhỏ nhất xảy ra với các tuyến nội tiết cũng có thể gây mất cân bằng nội tiết tố, dẫn tới các rối loạn nội tiết tố hay bệnh lý nội tiết.

2. Nguyên nhân gây ra rối loạn nội tiết

Rối loạn nội tiết tố thường được chia thành hai nhóm:

  • Các bệnh lý nội tiết là hậu quả khi một tuyến nội tiết tiết ra quá nhiều hay quá ít nội tiết tố, gọi là mất cân bằng nội tiết.
  • Các bệnh lý nội tiết do sự phát triển của các thương tổn (như các nốt hay khối u) trong hệ nội tiết, có thể ảnh hưởng tới nồng độ nội tiết tố hoặc không.

Cơ chế điều hòa ngược của hệ nội tiết giúp kiểm soát sự cân bằng nội tiết tố trong máu. Nếu nồng độ của một nội tiết tố nào đó quá cao hay quá thấp, hệ thống điều hòa ngược sẽ phát tín hiệu để tuyến nội tiết điều hòa lại. Sự mất cân bằng nội tiết có thể xảy ra nếu hệ thống điều hòa ngược không còn khả năng giữ cân bằng nồng độ các nội tiết tố trong máu, hoặc khi cơ thể không thể đào thải lượng nội tiết tố cần thiết ra khỏi cơ thể.

Sự tăng hay giảm nồng độ nội tiết tố có thể được gây ra bởi:

  • Hệ thống điều hòa ngược gặp vấn đề
  • Bệnh lý
  • Một tuyến nội tiết không còn khả năng điều hòa tuyến nội tiết khác trong việc chế tiết nội tiết tố (ví dụ, vùng dưới đồi gặp vấn đề không thể chỉ huy tuyến yên)
  • Rối loạn di truyền, chẳng hạn như đa u tuyến nội tiết (multiple endocrine neoplasia - MEN) hoặc suy giáp bẩm sinh (congenital hypothyroidism - CH)
  • Nhiễm khuẩn
  • Tổn thương tuyến nội tiết
  • Khối u tuyến nội tiết

Đa số các nốt, khối u nội tiết là không ác tính, chúng thường không lan tới các phần khác của cơ thể. Tuy nhiên nốt hoặc khối u đó có thể cản trở quá trình sản xuất nội tiết tố của tuyến.

3. Các loại rối loạn nội tiết

Có rất nhiều các loại rối loạn nội tiết khác nhau, trong đó đái tháo đường là phổ biến nhất. Các rối loạn nội tiết khác bao gồm:


Đái tháo đường chiếm tỉ lệ cao nhất trong các bệnh rối loạn nội tiết
Đái tháo đường chiếm tỉ lệ cao nhất trong các bệnh rối loạn nội tiết

  • Suy tuyến thượng thận: Tuyến thượng thận giải phóng quá ít nội tiết tố cortisol và đôi khi cả aldosterone. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, khó chịu vùng bụng, mất nước, thay đổi trên da. Bệnh Addison là một loại suy tuyến thượng thận.
  • Bệnh Cushing: Tuyến yên chế tiết quá mức khiến tuyến thượng thận cũng hoạt động quá mức. Cũng có một tình trạng tương tự, nhưng mang tên hội chứng Cushing, có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng hay gặp ở trẻ em, do sử dụng liều cao thuốc corticosteroid.
  • Bệnh to đầu chi và các rối loạn nội tiết tố tăng trưởng: Nếu tuyến yên chế tiết quá nhiều nội tiết tố tăng trưởng, xương và các bộ phận ở trẻ em sẽ phát triển nhanh bất thường, và ngược lại, nếu chế tiết quá ít thì đứa trẻ sẽ ngừng phát triển chiều cao.
  • Cường giáp trạng: Tuyến giáp sản xuất quá nhiều nội tiết tố, dẫn tới sụt cân, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi trộm, bồn chồn. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới cường giáp trạng là một rối loạn tự miễn gọi là bệnh Grave.
  • Thiểu năng giáp trạng: Tuyến giáp không sản xuất đủ nội tiết tố, dẫn tới mệt mỏi, táo bón, da khô và trầm cảm. Thiểu năng giáp trạng có thể là bẩm sinh, và khiến cho trẻ chậm phát triển.
  • Giảm năng tuyến yên: Tuyến yên chế tiết rất ít hoặc không chế tiết nội tiết tố. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Nếu phụ nữ bị giảm năng tuyến yên có thể sẽ bị vô kinh.
  • Đa u nội tiết I và II (Multiple endocrine neoplasia I and II - MEN I, MEN II): đây là những rối loạn di truyền hiếm gặp, hậu quả là chế tiết quá mức nhiều loại nội tiết tố.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang: quá nhiều androgen sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trứng và sự giải phóng trứng. Hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh.
  • Dậy thì sớm: Dậy thì sớm xảy ra khi các tuyến nội tiết chế tiết nội tiết tố sinh dục quá sớm so với bình thường.

4. Cần làm gì khi bị rối loạn nội tiết?

Khi xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ rối loạn nội tiết, hãy đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ khai thác các biểu hiện của bệnh, tiền sử, đồng thời chỉ định các xét nghiệm thích hợp để phục vụ chẩn đoán. Nếu bị bệnh, phương pháp điều trị thích hợp sẽ được đề ra, tuy nhiên quá trình điều trị và theo dõi cần sự kiên trì, bởi đôi khi chúng khá phức tạp và cần được điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp tình trạng cụ thể.

Rối loạn nội tiết cần được phát hiện và điều trị sớm. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp cho khách hàng gói Khám, sàng lọc các bệnh lý phụ khoa cơ bản giúp nữ giới chủ động kiểm tra sức khỏe sinh lý đồng thời tầm soát nguy cơ bệnh và có hướng điều trị khoa học.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe