Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Các khối u thường gặp ở trẻ thường để lại biến chứng nguy hiểm mà hầu hết không có triệu chứng nào báo hiệu. Vì thế việc nhận biết các khối u bẩm sinh ở trẻ trong giai đoạn đầu rất quan trọng.
Thông thường các khối u không có bất cứ dấu hiệu nào bất thường khi ở giai đoạn đầu nên chúng ta thường có ý nghĩ chủ quan. Ở trẻ em, có thể xuất hiện các khối u lành tính, có thể là khối u ác tính . Vì thế việc thăm khám, theo dõi trẻ trong những năm tháng đầu đời rất quan trọng, nhất là các trẻ có tiền sử bệnh lý từ trước. Sau đây là một số loại u bẩm sinh ở trẻ có thể mắc phải:
1. U bạch huyết
U bạch huyết về bản chất là khối u lành tính, tuy nhiên mức độ tiến triển và xâm lấn như những loại u ác tính, thường xuất hiện ngay sau khi sinh, có thể tiếp tục xuất hiện khi trẻ 2 tuổi. Khoảng 90% u bạch huyết xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi.
Theo đó, u bạch huyết đa số đều nằm ở ngoại vi, gần các nơi giàu tổ chức bạch huyết như cổ, nách, háng...Vùng cổ chiếm tới trên 81% các trường hợp, nên việc chẩn đoán tương đối dễ dàng. Bên cạnh đó, một số khối u bạch huyết nằm ở trung tâm như trung thất hay sau phúc mạc, rất khó để thực hiện phẫu thuật nếu khối u nằm ở những vị trí này. Các chuyên gia y tế sẽ tiến hành thực hiện xét nghiệm CT Scan trước khi phẫu thuật nhằm đánh giá mức độ xâm lấn của khối u cũng như để việc bóc tách trở nên dễ dàng hơn. Một số giả thuyết về cơ chế sinh bệnh của u bạch huyết như sau:
- Mạch bạch huyết bị tắc nghẽn khiến vùng cổ bị cản trở lưu thông giữa các hạch bạch huyết tĩnh mạch cảnh và vùng cổ.
- Xảy ra sự sai sót trong lưu thông của các kênh bạch huyết do hiện tượng bất thường giai đoạn phôi.
- Vào tuần thứ 6 đến tuần thứ 9 thai kỳ, xuất hiện sự phát triển bất thường của các mạch bạch huyết tạo nên những nang chứa đầy bạch huyết.
Những khối u ở vùng ngoại biên thì việc thực hiện phẫu thuật bóc tách sẽ dễ dàng hơn, tuy nhiên, những khối u bạch huyết rất dễ tái phát.
Cần cảnh giác với những dạng u bạch huyết lan tỏa bởi chúng có thể ăn thông với một số vùng bạch huyết ở các cơ quan khác, đồng thời để tránh tai biến do việc giảm thể tích xảy ra khi thực hiện bóc tách một u bạch huyết lớn trên cơ thể trẻ nhỏ, dịch và điện giải cho trẻ trong quá trình thực hiện phẫu thuật cần được bù trừ tốt.
Phức tạp nhất trong các loại u bạch mạch là những khối u bạch huyết phối hợp với u máu. Mặc dù đã có những phương pháp tiên tiến được áp dụng trong quá trình điều trị,tuy nhiên cho đến hiện nay, kết quả điều trị vẫn còn nhiều hạn chế.
2. U quái vùng cùng cụt
U quái vùng cùng cụt là khối u bẩm sinh, xuất hiện ở vùng xương cùng cụt. Thông thường, phần lớn các trường hợp là u lành tính và gần như trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị ngay sau khi sinh. Tuy nhiên nếu việc điều trị phẫu thuật muộn, khối u này có thể tiến triển thành khối u ác tính. Khi điều kiện cho phép, nên thực hiện phẫu thuật can thiệp càng sớm càng tốt.
Khoảng 90% khối u quái vùng cùng cụt được phẫu thuật cắt bỏ sớm ngay sau khi sinh là khối u lành tính. Ngược lại, đa số trường hợp là u ác tính nếu trẻ được một tuổi.
3. U thận bào thai
U nguyên bào thận hay còn gọi là u Wilms là khối u ác tính, chiếm tới 6% các loại ung thư ở trẻ em.
U nguyên bào thận thường được phát hiện khi trẻ khoảng 1 - 3 tuổi, rất ít khi trẻ dưới 1 tuổi được phát hiện bệnh. Khối u thường xảy ra ở 1 bên thận. Cũng có trường hợp u xuất hiện cả hai bên, tuy nhiên tỷ lệ này khá thấp.
U nguyên bào thận thường phát triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng. Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra u nguyên bào thận vẫn chưa được xác định rõ. Việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào siêu âm bụng, UIV đánh giá chức năng thận, vị trí khối u... và chụp động mạch thận chọn lọc.
Nguyên tắc điều trị u nguyên bào thận là phẫu thuật và hóa trị. Nên điều trị hóa chất trước để khối u thu gọn thể tích nhằm thuận lợi cho quá trình phẫu thuật thay vì mổ bóc tách khối u nhằm tránh những biến chứng đáng tiếc trong phẫu thuật đối với những bệnh nhân có kích thước khối u lớn và đã xâm lấn. Việc điều trị u nguyên bào thận phụ thuộc vào giai đoạn của ung thư và do bác sĩ chuyên khoa quyết định.
4. Một số khối u bẩm sinh khác thường gặp ở trẻ
Bên cạnh các khối u đã nói trên, một số khối u bẩm sinh khác thường gặp ở trẻ em, bao gồm:
- U máu: thường được phát hiện trong tháng đầu sau sinh, khối u máu xuất hiện ở ngoại biên hoặc trung tâm. Trên lâm sàng, u máu thể dâu tây là loại u thường gặp nhất. Phương pháp điều trị u máu thường được lựa chọn là nội khoa.Một số trường hợp phẫu thuật cắt bỏ u, tuy nhiên cần cảnh giác với biến chứng giảm tiểu cầu ở những bệnh nhân bị thể u máu lan tỏa. Ngoài ra, bác sĩ có thể lựa chọn một số phương pháp điều trị khác như đốt bằng dao laser, tiêm xơ...đặc biệt tiêm xơ thường được áp dụng ở những vị trí khó can thiệp phẫu thuật.
- U nguyên bào thần kinh: đây không chỉ là khối u ác tính mà còn là khối u nội tiết, có thể biểu hiện tim đập nhanh, huyết áp cao...Phương pháp điều trị bệnh là phẫu thuật cắt bỏ khối u và hóa chất hoặc xạ trị phối hợp tùy thuộc giai đoạn bệnh và phân nhóm nguy cơ.
Ngoài ra, ở trẻ còn có thể gặp một số các loại u quái, chúng xuất hiện ở một số vị trí khác ngoài vùng cùng cụt, chẳng hạn như buồng trứng hoặc ở các tạng khác, phương pháp điều trị thường là phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Bệnh ung thư vốn không loại trừ bất kỳ ai, kể cả trẻ nhỏ. Vì thế việc thăm khám trong quá trình mang thai, sau khi sinh ở trẻ nhỏ là rất quan trọng. Về cơ bản nếu trẻ được thăm khám sẽ có thể phát hiện sớm được nhiều bệnh lý nguy hiểm ở trẻ.
Hiện tại, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec có gói thăm khám sức khỏe tổng quát trẻ em. Khi sử dụng Gói khám, trẻ được khám toàn diện, từ mắt, răng miệng, huyết áp, cân nặng đến làm các xét nghiệm cần thiết, kết hợp với chẩn đoán bằng hình ảnh. Gói khám giúp bạn kiểm tra tổng thể sức khỏe cho bé, sàng lọc triệu chứng để sớm phát hiện và điều trị nếu cần.
Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Minh Tuấn đã có trên 27 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa. Bác sĩ nguyên là Phó khoa Nhi Tổng hợp - Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng trước khi là Bác sĩ Nhi tại khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng như hiện nay.
XEM THÊM:
- 3 loại bệnh được sàng lọc sơ sinh bằng xét nghiệm máu
- Sàng lọc mất thính lực bẩm sinh ở sơ sinh: Phát hiện sớm & can thiệp thính lực cho trẻ
- Điều trị u mạch máu ở trẻ em
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.