Các kết quả xét nghiệm máu liên quan đến chức năng tuyến giáp

Xét nghiệm máu không chỉ cho biết về các chỉ số sinh hóa mà còn đánh giá các chức năng giáp như TSH, FT3, T4, TSI,... Dựa vào các chỉ số này, bác sĩ có thể chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng tình trạng bệnh cụ thể.

1. Chức năng của tuyến giáp

Tuyến giáp là tuyến nội tiết nhỏ hình bước, nằm tiếp giáp với khí quản ở vị trí trước cổ. Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng khi tiết ra hormone như Tri-thyronine (T3) và hormone giáp trạng Thyroxine (T4) giúp điều hòa hoạt động của các mô cơ quan và các tế bào trong cơ thể.


Tuyến giáp nằm ở vị trí ngay trước cổ
Tuyến giáp nằm ở vị trí ngay trước cổ

2. Các xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp

Có rất nhiều loại xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp, tùy thuộc vào tiền sử bệnh cũng như triệu chứng mà các bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp như sau:

Thyronxine (T4)

T4 thực chất là một hormone dự trữ và không có khả năng sản xuất năng lượng hay vận chuyển oxy đến các tế bào trong cơ thể. Để trở thành T3, T4 phải trải qua quá trình khử iode và mất đi 1 nguyên tử iode.

Xét nghiệm T4 toàn phần là một phương pháp được thực hiện nhằm đo lường lượng thyroxine hiện đang lưu thông trong máu của người bệnh. Phương pháp này thường được sử dụng trong việc chẩn đoán đo lường chức năng tuyến giáp. Tuy nhiên, xét nghiệm đo lường T4 toàn phần có thể bị ảnh hưởng bởi lượng protein trong máu, cụ thể protein có thể gắn kết hồng cầu với T4 để biến T4 thành dạng hoạt động. Trong khi đó, T4 tự do được xem là một dạng hoạt hóa của thyroxine thì lại không bị ảnh hưởng bởi protein trong máu.

Hiện nay, trong công tác chẩn đoán và kiểm soát các bệnh lý tuyến giáp, nhiều nhà nội tiết học không sử dụng xét nghiệm định lượng T4 tự do hay T4 toàn phần mà chỉ sử dụng kết quả xét nghiệm TSH.

Triiodothyronine (T3)

T3 là một hormone dạng hoạt động được tạo ra từ quá trình khử iode của T4. Tương tự, xét nghiệm T3 toàn phần giúp đo lường toàn bộ lượng Triiodothyronine có trong máu (bao gồm cả T3 không gắn kết và có gắn kết protein). Xét nghiệm T3 tự do chỉ đo lượng T3 có gắn kết với protein – là dạng T3 có khả năng vận chuyển năng lượng và oxy đến tế bào.

RT3 hay T3 đảo ngược là được tiết ra nhiều trong thời gian căng thẳng, stress ở dạng không hoạt động. Do có ít ý nghĩa lâm sàng nên xét nghiệm RT3 thường ít được chỉ định thực hiện. Tuy nhiên, xét nghiệm RT3 lại có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tình trạng mất cân bằng hormone tuyến giáp.

Hormone kích thích tuyến giáp TSH

TSH là một hormone ở tuyến yên có nhiệm vụ truyền dẫn tín hiệu đến tuyến giáp. Cụ thể khi tuyến yên phát hiện lượng hormon giáp trong máu quá nhiều, nó sẽ hạn chế sản xuất TSH để tuyến giáp giảm việc sản xuất hormon giáp lại. Ngược lại, khi tuyến yên phát hiện trong máu có quá ít lượng hormone tuyến giáp, nó sẽ tích cực sản xuất TSH để thúc đẩy quá trình tạo hormone giáp ở tuyến giáp.

Kháng thể Thyroid peroxidase (TPOAb)

TPOAb là một loại kháng thể được cơ thể sản xuất ra, vô tình tấn công và phá hủy các mô tuyến giáp khỏe mạnh, đang hoạt động bình thường. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp cho thấy sự tồn tại của kháng thể TPOAb trong máu, đồng nghĩa với việc cơ thể đã mắc một trong các bệnh tự miễn tuyến giáp như Grave hoặc bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto.

Globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp (hay TSI) là kháng thể có khả năng kích thích tăng cường hoạt động của tuyến giáp và thúc đẩy quá trình sản xuất lượng Hormone giáp vào máu quá mức.

Thyroglobulin (Tg)

Tg là một protein do tuyến giáp sản xuất ra. Xét nghiệm Tg thường được chỉ định là có giá trị đối với những bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tuyến giáp để:

  • Kiểm tra xem so với trước khi điều trị ung thư thì tế bào ung có còn sản xuất Tg nữa hay không.
  • Đánh giá hiệu quả quá trình điều trị ung thư.
  • Đánh giá nguy cơ tái phát ung thư sau điều trị.

Kháng thể Thyroglobulin (TgAb)

TgAb là một loại kháng thể được tạo ra nhằm đáp lại sự có mặt của Thyroglobulin trong cơ thể. Khi Thyroglobulin tăng bất thường, cơ thể sản xuất TgAb nhằm bảo vệ cơ thể khỏi tiến triển của các bệnh lý tuyến giáp.


Có nhiều loại xét nghiệm để chẩn đoán các bệnh về tuyến giáp
Có nhiều loại xét nghiệm để chẩn đoán các bệnh về tuyến giáp

3. Các kết quả trong xét nghiệm máu liên quan đến chức năng tuyến giáp

Kết quả xét nghiệm máu liên quan đến chức năng tuyến giáp được coi là hoàn toàn bình thường nếu nằm trong những giới hạn sau:

  • Chỉ số T4: 60 – 140 nmol/L
  • Chỉ số T3: 1,1 – 2,7 nmol/L
  • Chỉ số TSH: 0,4 – 4,0 mU/L
  • Chỉ số FT3: 3,5 – 7,8 pmol/L
  • Chỉ số FT4: 10 – 26 pmol/L

Ý nghĩa lâm sàng của các kết quả trong xét nghiệm chức năng tuyến giáp

  • FT4 thấp và TSH cao: chứng suy giáp nguyên phát do bệnh tuyến giáp gây ra như bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto.
  • FT4 thấp và TSH cũng thấp: chứng suy giáp thứ phát do phản ứng với bệnh không phải tuyến giáp hoặc do bệnh liên quan tuyến yên gây ra.
  • FT4 tăng và TSH thấp: bệnh cường giáp như bệnh Basedow (Graves).
  • FT4 nằm trong giới hạn an toàn nhưng TSH tăng nhẹ: suy giáp không triệu chứng.

Các xét nghiệm tự kháng thể của tuyến giáp như TgAb, TPOAb hay TRAb có thể được chỉ định thực hiện trong trường hợp nghi ngờ mắc các bệnh tuyến giáp tự miễn hoặc kết quả ban đầu cho thấy có dấu hiệu rối loạn chức năng tuyến giáp.

Khi gặp bất kỳ triệu chứng nào nghi là liên quan đến các bệnh lý về tuyến giáp như mệt mỏi, nhịp tim nhanh, sụt cân không rõ nguyên nhân, đổ mồ hôi, kích ứng mắt,... thì người bệnh cần đến ngay các cơ sở uy tín để làm các xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp, từ đó được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmecgói khám tầm soát, sàng lọc các bệnh về tuyến giáp. Gói tầm soát, sàng lọc các bệnh lý về tuyến giáp của Vinmec giúp:

  • Kiểm tra chức năng tuyến giáp.
  • Sàng lọc & phát hiện sớm các bệnh lý về tuyến giáp phổ biến như: bướu cổ đơn thuần, cường giáp, suy giáp, viêm tuyến giáp, nhân tuyến giáp, ung thư tuyến giáp, ... để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời..

Để đăng ký khám và điều trị tại Vinmec, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe