Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Ung thư niêm mạc tử cung là ung thư xuất phát từ niêm mạc tử cung. Bệnh có khả năng điều trị khỏi và tỷ lệ thành công sau phẫu thuật cao hơn rất nhiều so với các căn bệnh ung thư khác.
1. Ung thư niêm mạc tử cung là căn bệnh như thế nào?
Ung thư nội mạc tử cung là u biểu mô ác tính nguyên phát từ biểu mô nội mạc tử cung, thường biệt hóa dạng tuyến, nó có khả năng xâm nhập lớp cơ và lan đến những nơi xa. Ung thư niêm mạc tử cung đứng thứ 6 trong các loại ung thư ở nữ giới và đứng thứ 2 trong ung thư phụ khoa.
2. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư niêm mạc tử cung
- Yếu tố nội tiết: Cường estrogen kéo dài, rối loạn phóng noãn, hội chứng buồng trứng đa nang, dậy thì sớm, mãn kinh muộn.
- Yếu tố di truyền: Gia đình có người mắc ung thư nội mạc tử cung, ung thu vú, ung thư đại tràng (Hội chứng Lynch)
- Thể trạng: béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường
- Chế độ ăn nhiều mỡ động vật
- Sử dụng Tamoxifen.
3. Chẩn đoán bệnh ung thư niêm mạc tử cung
3.1 Chẩn đoán lâm sàng
- Ra máu âm đạo bất thường: ở phụ nữ tiền mãn kinh, còn kinh có dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, rong huyết, phụ nữ mãn kinh có xuất huyết âm đạo bất thường, triệu chứng này rất hay gặp, chiếm đến 80% trường hợp.
- Chảy dịch hôi âm đạo: chảy dịch thường do nhiễm khuẩn, máu lẫn chất hoại tử gây mùi hôi, biểu hiện này có ở khoảng 30% người bệnh
- Bệnh tiến triển ở giai đoạn muộn: bệnh nhân có biểu hiện đau do xâm lấn, chèn ép, tiểu máu, báng bụng,..
- Các triệu chứng thực thể khi bác sĩ khám âm đạo bằng tay và mỏ vịt: ở giai đoạn sớm tử cung thường ít thay đổi kích thước và mật độ. Giai đoạn muộn tử cung xâm lấn, dính, kém di động, xâm lấn chu cung, âm đạo, trực tràng,...
3.2 Các xét nghiệm cận lâm sàng
- Siêu âm: Siêu âm ngã âm đạo giúp đánh giá độ dày và cấu trúc của niêm mạc tử cung, mức độ xâm lấn vào cơ tử cung, loại trừ các bệnh lý khác vùng chậu; siêu âm bụng tổng quát để ghi nhận sự lan tràn và di căn của bệnh.
- Sinh thiết nội mạc tử cung: đây là yêu cầu bắt buộc trong chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung, nhằm đánh giá tổn thương là lành tính hay ác tính và độ mô học, típ mô bệnh học, ung thư nguyên phát nội mạc tử cung hay cổ tử cung.
- Soi buồng tử cung: xét nghiệm này cho phép nhìn thấy tổn thương và xác định mức độ lan rộng bề mặt và định hướng cho sinh thiết đúng vị trí tổn thương
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ ổ bụng (MRI) và PET CT: giúp đánh giá mức độ xâm lấn, độ lan rộng của khối u, tình trạng di căn hạch.
- Các xét nghiệm khác: chụp Xquang phổi phát hiện di căn phổi, chất chỉ điểm sinh học CA125 tăng trong khoảng 50-60% trường hợp bệnh, beta hCG để loại trừ thai trong buồng tử cung, xạ hình xương nếu nghi ngờ di căn xương, chụp UIV, soi bàng quang, trực tràng nếu khi ngờ khối u xâm lấn các cơ quan này.
4. Phân loại giai đoạn bệnh theo FIGO 2009
- Giai đoạn I: bướu khu trú ở thân tử cung
- IA: bướu khu trú ở nội mạc tử cung hay xâm lấn <1⁄2 bề dày cơ tử cung
- IB: bướu xâm lấn >=1⁄2 bề dày cơ tử cung.
- Giai đoạn II: Bướu lan đến mô đệm cổ tử cung
- Giai đoạn III: bướu lan rộng tại chỗ hoặc tại vùng
- IIIA: bướu xâm lấn thanh mạc hoặc các phần phụ
- IIIB: bướu xâm lấn âm đạo và/ hoặc tử cung
- IIIC: di căn hạch chậu hay hạch cạnh động mạch chủ bụng
- Giai đoạn IV: bướu xâm lấn vùng chậu hoặc có di căn xa
- IVA: bướu xâm lấn niêm mạc bàng quang hay trực tràng
- IVB: di căn xa (hạch bẹn, phổi, gan, xương, phúc mạc ổ bụng,...)
5. Phương pháp điều trị ung thư niêm mạc tử cung
Các phương pháp điều trị ung thư niêm mạc tử cung gồm có:
- Điều trị phẫu thuật: Phẫu thuật là biện pháp ưu tiên hàng đầu trong điều trị ung thư niêm mạc tử cung. Có hai phương pháp phẫu thuật: phẫu thuật mở bụng và phẫu thuật nội soi. Tùy theo trường hợp mà chỉ định cắt tử cung toàn phần, cắt hai phần phụ, hoặc cắt tử cung rộng rãi có nạo hạch, cắt hết mạc nối lớn, nên cắt tử cung qua đường bụng để quan sát rõ các tổn thương phối hợp.
- Xạ trị: Đây là phương pháp điều trị hữu hiệu thứ 2 trong điều trị ung thư niêm mạc tử cung. Xạ trị chỉ định đối với ung thư giai đoạn muộn hoặc điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật
- Điều trị nội tiết trong trường hợp giai đoạn muộn.
- Hoá liệu pháp: Ít hiệu quả, chỉ dùng khi tái phát ở phụ nữ trẻ.
Việc lựa chọn, phối hợp các phương pháp điều trị còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh cụ thể của từng bệnh nhân
- Giai đoạn 1: Bác sĩ chỉ định cắt tử cung hoàn toàn, phần phụ hai bên và lấy hạch chậu, hạch cạnh động mạch chủ. Theo đó, điều trị tia xạ bổ trợ khi có các yếu tố tiên lượng xấu (độ mô học 2 hoặc 3, hoặc có xâm lấn trên 1⁄2 chiều sâu lớp cơ). Nếu trong trường hợp ung thư niêm mạc tử cung đã lan xuống ống cổ tử cung và thâm nhiễm thì phải áp dụng phẫu thuật Wertheim.
- Giai đoạn 2: Cắt tử cung hoàn toàn, hai phần phụ và lấy hạch. Sau 4-6 tuần tiến hành tia xạ. Nếu trong trường hợp tổn thương tại cổ tử cung lớn thì tia xạ trước, sau 4 – 6 tuần mới tiến hành phẫu thuật.
- Giai đoạn 3: Phẫu thuật và xạ trị vẫn là phương pháp điều trị chính. Nếu mổ được thì cắt tử cung hoàn toàn và xạ trị, nếu không thì xạ bằng kim radium đặt tại chỗ và hóa trị liệu hormon.
- Giai đoạn 4: Người mắc bệnh ở giai đoạn muộn hoặc tái phát ở các vị trí xa, có thể điều trị tia xạ chống đau, chống chảy máu và chèn ép. Kết hợp điều trị nội tiết.
Sau điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ 3 tháng/lần trong 2 năm đầu, 6 tháng /lần trong 2 năm tiếp theo và sau đó mỗi năm một lần.
Để phòng bệnh, những phụ nữ >40 tuổi nếu xét nghiệm tế bào phụ khoa có các đám tuyến nội mạc cần được hút buồng tử cung để thực hiện xét nghiệm mô bệnh học, phụ nữ mãn kinh có dấu hiệu ra máu bất thường cần đi siêu âm để đánh giá độ dày nội mạc, soi buồng tử cung và lấy bệnh phẩm để thực hiện xét nghiệm mô bệnh học, nhất là những người bệnh béo phì hoặc có tiền sử điều trị Tamoxifen. Việc khám và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm giúp tăng hiệu quả điều trị và khả năng sống sót của người bệnh.
Bệnh ung thư nội mạc tử cung là căn bệnh thường gặp ở phụ nữ ngoài 50 tuổi, bệnh có thể được điều trị khỏi nếu như được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm. Do đó những phụ nữ >40 tuổi nên đi thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ để phát hiện các căn bệnh phụ khoa trong độ tuổi tiền mãn kinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.