Dấu hiệu tiền sản giật khi mang thai thường xảy ra sau tuần thai thứ 20 và khi mẹ bầu có huyết áp ổn định. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho cả mẹ và bé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK I Lê Thị Phương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật, hay còn gọi là hội chứng nhiễm độc thai nghén, thường phát triển chủ yếu sau tuần thai thứ 20. Tỷ lệ thai phụ bị tiền sản giật chiếm khoảng 5 - 8% số trường hợp. Trong thai kỳ, có 4 loại rối loạn huyết áp chính, và tiền sản giật là một trong số đó.
Đây là giai đoạn tiền đề của sản giật, một tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê hoặc các cơn co giật nặng không rõ nguyên nhân. Cơn co giật thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ, thường là khi thai phụ chuyển dạ hoặc sau sinh. Cơn sản giật thường xuất hiện sau tiền sản giật và đi kèm với huyết áp tăng cao.
Để tránh biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé, thai phụ cần được điều trị tiền sản giật ngay lập tức. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu tiền sản giật khi mang thai là biện pháp tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng.
2. Dấu hiệu tiền sản giật khi mang thai
Đôi khi, tiền sản giật có thể phát triển mà không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Huyết áp cao có thể diễn ra từ từ hoặc đột ngột. Để chăm sóc trước sinh hiệu quả, bác sĩ cần theo dõi huyết áp của sản phụ, vì dấu hiệu tiền sản giật khi mang thai đầu tiên thường là tăng huyết áp trong thai kỳ. Mức huyết áp vượt quá 140/90 mmHg hoặc cao hơn, xuất hiện 2 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất bốn giờ sẽ được coi là bất thường.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác của tiền sản giật có thể bao gồm:
- Nước tiểu của sản phụ có nhiều protein (protein niệu) hoặc thai phụ gặp các vấn đề về thận.
- Nhức đầu dữ dội.
- Thay đổi về thị lực, bao gồm mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc trở nên nhạy cảm với ánh sáng.
- Đau phần trên bụng, thường là dưới xương sườn ở phía bên phải.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Lượng nước tiểu giảm.
- Giảm số lượng tiểu cầu trong máu.
- Chức năng gan giảm .
- Khó thở.
- Tăng cân đột ngột và phù, nhất là ở mặt và tay.
Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng có thể xuất hiện trong khi mang thai bình thường, do đó các triệu chứng này không được xem là dấu hiệu tiền sản giật khi mang thai đáng tin cậy.
3. Nguyên nhân gây tiền sản giật
Nguyên nhân chính xác của tiền sản giật liên quan đến một số yếu tố. Các chuyên gia tin rằng tình trạng này xuất hiện tại nhau thai - nơi nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ. Đầu thai kỳ, các mạch máu mới phát triển để đưa máu đến thai nhi qua nhau thai hiệu quả.
Ở phụ nữ bị tiền sản giật, những mạch máu này không phát triển bình thường hoặc hoạt động không đúng chức năng. Cụ thể, các mạch máu này có kích thước hẹp hơn so với các mạch máu bình thường và đáp ứng không đồng nhất với tín hiệu nội tiết tố, dẫn đến số lượng máu chảy qua bị hạn chế.
Nguyên nhân của sự phát triển bất thường này bao gồm:
- Lưu lượng máu đến tử cung không đủ.
- Tổn thương mạch máu.
- Các bệnh miễn dịch.
- Yếu tố gen.
Tăng huyết áp trong thai kỳ bao gồm các dạng lâm sàng sau:
- Tăng huyết áp mãn tính (Pre-existing hypertension): Xuất hiện trước thai kỳ hoặc trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Tình trạng này thường kéo dài hơn 42 ngày sau khi sinh và có thể liên quan đến protein niệu.
- Tăng huyết áp thai kỳ (Gestational hypertension): Xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ, không kèm theo protein niệu và sản phụ thường hồi phục trong vòng 42 ngày sau sinh.
- Tiền sản giật (Pre-eclampsia): Tăng huyết áp do thai với tiểu đạm ý nghĩa [> 0,3 g/24 giờ hoặc tỉ lệ albumin: creatinin niệu (ACR) ≥ 30 mg/mmol]. Dạng lâm sàng này thường xảy ra nhiều hơn trong lần sản phụ mang thai đầu tiên, trường hợp đa thai, thai trứng, hội chứng kháng phospholipid hoặc tăng huyết áp mãn tính, mắc bệnh thận hoặc đái tháo đường. Tiền sản giật thường làm thai chậm phát triển do suy nhau thai và là nguyên nhân gây sinh non. Vì tiểu đạm biểu hiện muộn nên bác sĩ cần nghi ngờ tiền sản giật khi mới có hiện tượng tăng huyết áp đi kèm đau đầu, rối loạn thị giác, đau bụng hoặc bất thường trong các xét nghiệm, nhất là mức độ tiểu cầu thấp và/hoặc suy giảm của chức năng gan.
- Tiền sản giật trên nền tăng huyết áp mạn tính.
- Tăng huyết áp không phân loại được trước sinh (Antenatally unclassifiable hypertension): Thuật ngữ này được sử dụng khi huyết áp được đo lần đầu sau tuần thứ 20 của thai kỳ và sản phụ được chẩn đoán tăng huyết áp; lúc này bệnh nhân cần được đánh giá lại sau 42 ngày hậu sản.
4. Yếu tố nguy cơ mắc tiền sản giật ở thai phụ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiền sản giật bao gồm:
- Tiền sử tiền sản giật: Nếu cá nhân hoặc gia đình có người đã từng có dấu hiệu tiền sản giật khi mang thai, nguy cơ mắc tiền sản giật của bệnh nhân sẽ tăng đáng kể.
- Tăng huyết áp mãn tính: Phụ nữ đã bị tăng huyết áp mãn tính có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn so với những người có huyết áp bình thường.
- Mang thai lần đầu: Nguy cơ phát triển tiền sản giật cao nhất trong lần mang thai đầu tiên của sản phụ.
- Có con với người chồng thứ hai trở lên: Mỗi lần mang thai với người chồng mới làm tăng nguy cơ tiền sản giật nhiều hơn so với lần mang thai thứ hai hoặc thứ ba cùng người chồng đầu tiên.
- Tuổi: Nguy cơ tiền sản giật cao hơn đối với trẻ vị thành niên mang thai và phụ nữ mang thai trên 40 tuổi.
- Béo phì: Nguy cơ tiền sản giật cao hơn nếu sản phụ bị béo phì.
- Đa thai: Tiền sản giật phổ biến hơn ở những phụ nữ sinh đôi, sinh ba…
- Khoảng cách giữa các lần mang thai: Thai nhi cách nhau dưới hai năm hoặc trên 10 năm dẫn đến nguy cơ tiền sản giật ở sản phụ cao.
- Bệnh sử: Một số bệnh trước khi mang thai như tăng huyết áp mãn tính, đau nửa đầu, tiểu đường loại I hoặc tiểu đường loại II, bệnh thận, cục máu đông, hoặc lupus ban đỏ đều làm tăng nguy cơ mắc tiền sản giật.
- Thụ tinh trong ống nghiệm: Nguy cơ tiền sản giật tăng lên nếu em bé được thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
5. Biến chứng của tiền sản giật
5.1 Hạn chế tăng trưởng của thai nhi
Tiền sản giật ảnh hưởng đến các động mạch cung cấp máu cho nhau thai. Khi nhau thai không nhận đủ lượng máu, bào thai có thể bị thiếu hụt máu, oxy và chất dinh dưỡng cần thiết. Hệ quả là thai nhi phát triển chậm lại, dẫn đến hạn chế tăng trưởng, trẻ sinh ra bị nhẹ cân hoặc sinh non.
5.2 Sinh non
Nếu sản phụ có dấu hiệu tiền sản giật khi mang thai với các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định sinh sớm để cứu mạng cả mẹ và bé. Tuy nhiên, sinh non có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và các biến chứng khác cho trẻ sơ sinh.
5.3 Nhau thai bong non
Tiền sản giật làm tăng nguy cơ bong nhau thai, tức là nhau thai tách ra khỏi thành tử cung trước khi sinh. Nếu tình trạng này xảy ra đột ngột và nghiêm trọng, có thể gây chảy máu nặng, đe dọa tính mạng của cả sản phụ và em bé.
5.4 Hội chứng HELLP
HELLP là một biến chứng sản khoa nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng của sản phụ và thường được coi là một biến thể của tiền sản giật. Cả hai tình trạng này thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ hoặc đôi khi sau khi sản phụ sinh.
5.5 Sản giật
Khi tiền sản giật không được kiểm soát, sản giật gồm tiền sản giật kèm theo các cơn co giật có thể xảy ra. Rất khó để dự đoán sản phụ nào sẽ bị tiền sản giật nghiêm trọng đến mức dẫn đến sản giật, vì thông thường không có triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo trước.
Do sản giật có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và bé, nên việc sinh theo chỉ định của bác sĩ sẽ được thực hiện bất kể thai kỳ đã được bao nhiêu tuần tuổi.
5.6 Tổn thương cơ quan khác
Tiền sản giật có thể gây tổn thương thận, gan, phổi, tim hoặc mắt và nghiêm trọng hơn là đột quỵ hoặc các chấn thương não khác. Mức độ tổn thương các cơ quan này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật.
5.7 Bệnh tim mạch
Tiền sản giật có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và mạch máu trong tương lai. Nguy cơ này càng lớn hơn nếu sản phụ đã từng bị tiền sản giật nhiều lần hoặc sinh non. Để giảm thiểu rủi ro này, sau khi sinh, sản phụ nên duy trì cân nặng hợp lý, ăn nhiều trái cây và rau quả, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc.
Tiền sản giật là một trong những biến chứng của thai kỳ, đặc trưng bởi huyết áp cao và tổn thương các cơ quan khác, thường là gan và thận. Việc khám thai định kỳ rất quan trọng để phát hiện các dấu hiệu tiền sản giật khi mang thai, bởi nếu chỉ dựa vào cảm quan thông thường, rất dễ nhầm lẫn tiền sản giật với các biểu hiện thông thường khi mang thai.
Chương trình Thai sản trọn gói tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là dịch vụ chăm sóc thai sản chất lượng cao, nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ các bà mẹ mang thai. Chương trình này nhằm bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ, giúp phát hiện sớm những bất thường của cả mẹ và con, đảm bảo một thai kỳ diễn ra khỏe mạnh, thuận lợi và thoải mái nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.