Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Nam - Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Răng cửa là chiếc răng nằm ở phía trước của cung hàm, gồm 4 chiếc hàm trên và 4 chiếc hàm dưới. Răng cửa cũng như những chiếc răng khác trong cung hàm đảm bảo chức năng như nhai, phát âm và đặc biệt liên quan rất nhiều tới thẩm mỹ. Do đó, chức năng răng cửa có vai trò rất lớn.
1. Đặc điểm của răng cửa
Người trưởng thành thường có 32 chiếc răng, những chiếc răng này được chia thành 4 nhóm, bao gồm răng cửa, răng nanh, răng hàm nhỏ và răng hàm lớn. Mỗi nhóm răng đều có những chức năng nhất định. Trong đó răng cửa là các răng nằm ở phía trước của cung hàm, có tất cả 8 chiếc răng cửa: 4 răng cửa ở hàm trên và 4 răng ở hàm dưới. Trẻ em cũng có răng cửa, thường khi trẻ được 6 tháng tuổi chúng sẽ mọc chiếc răng cửa đầu tiên. Cả người lớn và trẻ em đều có răng cửa với một số đặc điểm như:
- Hình dáng: Các răng cửa có hình giống như chiếc xẻng, rìa cắn sắc bén. Những chiếc răng cửa thường chỉ có một chân răng.
- Cấu tạo: Răng cửa cấu tạo gồm có 3 lớp, bao gồm các lớp từ ngoài vào trong là men răng, ngà răng và tủy răng.
- Đặc điểm về chức năng: Tương tự như các răng khác trong hàm, chức năng răng cửa bao gồm chức năng nhai, thẩm mỹ và phát âm.
Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về răng
Răng là bộ phận quan trọng, giúp một người sử dụng miệng để ăn, nói, cười và tạo hình dạng cho khuôn mặt của họ. Tuy nhiên, có những sự thật thú vị về răng mà có thể bạn chưa từng biết. Hãy cùng trả lời nhanh 9 câu hỏi trắc nghiệm sau để thử hiểu biết của bạn về răng.
Bài dịch từ: webmd.com
2. Các chức năng của răng cửa
Như những chiếc răng khác trong hàm thì răng cửa cũng có các chức năng gồm: nhai, thẩm mỹ và phát âm.
- Chức năng ăn nhai của răng cửa
Nhai là một chức năng nhiệm vụ quan trọng, giúp cho quá trình tiêu hóa tại dạ dày và ruột non dễ dàng hơn. Trong đó chức năng chính của răng cửa là cắn và chia cắt nhỏ thức ăn thành từng mảnh nhỏ, nhờ đó quá trình nhai, nghiền thức ăn diễn ra dễ dàng và hiệu quả hơn.
Với chức năng như vậy thì bệnh lý của răng cửa có ảnh hưởng tới khả năng tiêu hóa thức ăn. Trong hầu hết các trường hợp có sự khiếm khuyết về hình thái của răng cửa, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến khớp cắn như là mẻ răng, gãy, vỡ, răng mọc chìa ra ngoài hay quặp vào trong, mất răng... thì cũng ít nhiều đều ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai của hàm.
- Chức năng thẩm mỹ
Răng cửa là các răng nằm ở phía trước, ngoài của hàm răng và sẽ lộ ra khi bạn cười nói do vậy, có ảnh hưởng tới nhiều tới thẩm mỹ, người khác rất dễ phát hiện các vấn đề ở răng cửa có thể khiến bạn cảm thấy ngại khi gặp gỡ, trò chuyện với mọi người. Nhiều người vì gặp vấn đề ở răng cửa mà không dám cười, luôn cảm giác tự ti. Chính vì vậy mà ngày này việc chỉnh sửa, thẩm mỹ răng cửa rất được quan tâm.
- Chức năng phát âm
Theo nhiều chuyên gia thì khả năng phát âm của mỗi người phụ thuộc khá lớn vào sự tồn tại của các răng cửa. Nếu một người bị mất răng cửa có thể làm cho họ không thể phát âm tròn, rõ ràng một số từ hoặc âm, do sự giảm tương quan giữa các thành phần răng, môi và lưỡi. Ngoài ra, khi phát âm một số âm trong tiếng việt hay tiếng anh đòi hỏi sự tiếp xúc giữa lưỡi và răng cửa mới có thể phát âm chuẩn, nên nếu có khiếm khuyết ở răng cửa sẽ khó phát âm được chuẩn.
3. Cách chăm sóc răng cửa
Để các răng cửa nói riêng hay hàm răng nói chung luôn khỏe mạnh và hạn chế tối đa nguy cơ các bệnh lý răng miệng thì cần chăm sóc và vệ sinh đúng cách. Bên cạnh đó chúng ta cũng nên lưu ý đến chế độ ăn uống và các thói quen có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Những cách chăm sóc răng cửa bao gồm:
- Nên đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày bằng kem đánh răng có chứa thành phần fluor, mỗi lần đánh ít nhất trong vòng 2 phút và nên sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm mại để tránh làm tổn thương men răng.
- Cần đánh răng sau khi ăn khoảng 30 phút, đặc biệt là thức ăn có hàm lượng đường cao, vì thức ăn có nhiều đường làm cho vi khuẩn phát triển tốt hơn, tăng nguy cơ gây sâu răng.
- Uống nước hoặc súc miệng bằng nước sạch sau khi ăn. Không nên đánh răng ngay sau khi ăn.
- Thay bàn chải mới sau mỗi 3 tháng hoặc khi thấy chúng có dấu hiệu bị mòn.
- Nên dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch các mảng bám, vụn thức ăn còn sót lại trên răng và trong kẽ răng.
- Không nên dùng tăm xỉa răng để tránh làm tổn thương nướu răng.
- Không dùng răng cửa để cắn các vật cứng như nắp chai, bút...
- Nên đeo các dụng cụ bảo vệ hàm khi chơi thể thao có khả năng chấn thương cao.
- Hạn chế ăn các thực phẩm có hàm lượng đường cao như bánh ngọt, kẹo, quả sấy ngọt... và các thực phẩm có tính acid.
- Bổ sung thêm những thực phẩm có chứa thành phần canxi và flour vào chế độ ăn hằng ngày để giúp răng được cứng chắc hơn.
- Tăng cường việc ăn rau, củ, quả...
Như vậy chức năng của răng cửa cũng giống như các răng khác trong hàm, rất quan trọng. Do đó, để đảm bảo tốt các chức năng này thì chúng ta cần lưu ý chăm sóc răng miệng đúng cách và nếu phát hiện hay nghi ngờ bệnh lý về răng miệng nên tới khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa răng hàm mặt để được kiểm tra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.