Các chỉ định truyền máu ở bà mẹ mang thai

Khi mang thai, cơ thể bạn tạo ra nhiều máu hơn để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Nếu bạn không ăn uống đủ chất cơ thể sẽ không thể tạo ra đủ lượng hồng cầu cần thiết để nuôi dưỡng thai nhi. Đây là triệu chứng thiếu máu khi mang thai.

1. Khi nào sản phụ phải truyền máu?

1.1 Thiếu máu

Do cơ thể sản phụ cần tăng sản xuất máu và hồng cầu để có thể đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho thai nhi, có nghĩa là sản phụ cần nhiều chất sắt hơn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến tình trạng sản phụ bị thiếu máu do thiếu sắt từ nhẹ đến nặng diễn ra rất phổ biến.

Trong trường hợp nghiêm trọng, sản phụ có thể cần truyền hồng cầu để bảo vệ mẹ và bé nếu tình trạng thiếu máu không được cải thiện bằng nhiều cách khác nhau như bổ sung sắt, acid folic, vitamin B12 ...

1.2 Chảy máu

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ chảy máu, sản phụ cần truyền hồng cầu, tiểu cầu và các sản phẩm huyết tương. Ví dụ, mang thai ngoài tử cung, băng huyết sau sinh (postpartum hemorrhage), xuất huyết trước sinh (antepartum haemorrhage)

1.3 Bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh

Đây là hiện tượng khi cơ thể mẹ mẹ phát triển các kháng thể tấn công các tế bào hồng cầu của thai nhi dẫn đến thiếu máu. Trẻ sơ sinh được truyền máu để giữ cho lượng dự trữ sắt ở mức bình thường và thay máu sẽ giúp loại bỏ các kháng thể anti-D và các tế bào hồng cầu mới sẽ có thể hoạt động như bình thường.

1.4 Rối loạn tiểu cầu miễn dịch

Những rối loạn này xảy ra khi một kháng thể chống tiểu cầu của mẹ vượt được qua nhau thai và chống lại tiểu cầu của thai nhi. Để điều trị rối loạn này cần điều trị bằng immunoglobulin cho mẹ và truyền tiểu cầu đặc biệt cho đến khi sinh và trong vài ngày đầu sau sinh.


Rối loạn tiểu cầu miễn dịch là lý do sản phụ cần phải truyền máu
Rối loạn tiểu cầu miễn dịch là lý do sản phụ cần phải truyền máu

2. Truyền máu được thực hiện như thế nào?

Thông thường, chế phẩm truyền máu cho phụ nữ đang mang thai và mới sinh chỉ gồm hồng cầu, tuy nhiên một số ít các trường hợp khác mới phải truyền tiểu cầu và huyết tương tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến thiếu máu khi mang thai.

Để truyền máu, nhân viên y tế sẽ đặt một ống nhỏ vào tĩnh mạch ở cánh tay và máu sẽ chảy từ túi đựng máu di chuyển qua một bầu nhỏ giọt vào cơ thể sản phụ. Mỗi túi máu chứa khoảng 1/3 lít máu và mất khoảng 3 giờ để truyền máu xong. Trong một số trường hợp khác, tốc độ truyền máu này có thể được điều chỉnh để nhanh hoặc chậm hơn.

Trong quá trình truyền máu, sản phụ sẽ được theo dõi chặt chẽ bởi một đội ngũ y tế để sẵn sàng cấp cứu trong trường hợp xấu có thể xảy ra.

3. Tác dụng phụ của truyền máu khi mang thai là gì?

Tác dụng phụ nhẹ bao gồm:

  • Đau đầu
  • Sốt
  • Phát ban / ngứa

Những tác dụng phụ này có thể được giảm bớt bằng thuốc và thường sẽ được cải thiện sau một ngày.

Các biến chứng nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Khó thở
  • Đau đầu dữ dội
  • Huyết áp giảm đột ngột có thể đe dọa đến tính mạng

Khi gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, nhân viên y tế sẽ ngay lập tức dừng truyền máu và thực hiện đánh giá, cấp cứu sản phụ. Các tác dụng phụ nặng thường xảy ra trong các trường hợp sản phụ phải truyền máu với thể tích lớn hoặc truyền nhiều lần.

Những tác dụng phụ nghiêm trọng khác, bao gồm:

  • Hạ thân nhiệt
  • Tăng kali máu dẫn đến mất cân bằng điện giải
  • Hạ canxi máu
  • Rối loạn đông máu
  • Chất 2,3 – DPG (diphosphoglycerat) trong hồng cầu giảm
  • Vàng da
  • Nhiễm trùng
  • Xung khắc miễn dịch (Alloimmunization)
  • Phản ứng truyền máu

Khi những tác dụng phụ nghiêm trọng này xảy ra, các nhân viên y tế sẽ phải thực hiện can thiệp cấp cứu người bệnh.

Khi quá trình truyền máu hoàn tất, bác sĩ sẽ kiểm tra lại mức huyết sắc tố của bạn để đảm bảo rằng bạn đã nhận đủ máu và hầu hết sản phụ không cần truyền máu thêm. Nếu truyền máu được đưa ra trong trường hợp khẩn cấp, sản phụ sẽ phải ở lại bệnh viện sau đó và thời gian ở lại bệnh viện sẽ sẽ phụ thuộc vào mức độ hồi phục của sản phụ.


Truyền máu khi mang thai có thể gây một số tác dụng phụ
Truyền máu khi mang thai có thể gây một số tác dụng phụ

4. Một số lưu ý cần biết khi truyền máu

  • Nếu bạn được chỉ định truyền máu, hãy chắc chắn rằng bác sĩ đã cung cấp tất cả thông tin cần thiết để bạn tự quyết định có nên truyền máu hay không. Nếu bạn có bất kỳ lo ngại nào về việc truyền máu, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc nữ hộ sinh.
  • Trong trường hợp cấp cứu, bạn cần phải được truyền máu ngay lập tức thì bác sĩ sản sẽ đưa ra quyết định thay cho bạn. Bạn và người nhà sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin khi cơn nguy kịch đã qua.
  • Bạn có quyền quyết định có hoặc không muốn truyền máu, điều này có thể là vì lý do cá nhân hoặc vì tín ngưỡng tôn giáo. Bác sĩ sẽ tư vấn kỹ và tôn trọng quyền quyết định của bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ hỗ trợ bạn thực hiện kế hoạch quản lý thai kỳ, chuyển dạ và sinh. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bạn cần chắc chắn mình đã thảo luận kỹ càng với bác sĩ, nhưng trong một số trường hợp, truyền máu có thể là phương pháp điều trị hiệu quả duy nhất để cứu sống bạn và thai nhi.

Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chương trình chăm sóc thai sản trọn gói còn đem đến cho các sản phụ những kiến thức bổ ích qua các lớp học tiền sản, sản phụ hoàn toàn có thể đặt ra các câu hỏi để được bác sĩ giải đáp từ những kiến thức làm đẹp trong thai kỳ hay chế độ dinh dưỡng để thai nhi khỏe mà mẹ không tăng cân quá nhiều.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe