Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Lâm Khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Kỹ thuật chụp HSG là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng nhiều trong việc phát hiện các vấn đề ở buồng tử cung vòi trứng. Dựa trên cơ sở này, nhiều bệnh lý phụ khoa ở phụ nữ phát hiện kịp thời.
1. Chụp HSG là gì?
Chụp HSG (Hysterosalpingography) hay có tên gọi đầy đủ là chụp buồng tử cung vòi trứng có cản quang. Đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có sử dụng tia X với mục đích kiểm tra tình trạng bên trong vòi trứng và lòng tử cung.
Kỹ thuật chụp HSG được sử dụng để kiểm tra và chẩn đoán hiện tượng tắc vòi trứng (có thể một phần hoặc toàn phần). Bên cạnh đó, kết quả sau khi chụp cũng hỗ trợ phát hiện các bất thường liên quan đến kích thước và hình dạng của tử cung. Tất cả những yếu tố này có khả năng gây cản trở sự sinh sản ở phụ nữ như hiếm muộn/vô sinh.
2. Khi nào cần phải chụp HSG (chụp buồng tử cung vòi trứng có cản quang) ?
Các bác sĩ sản khoa sẽ yêu cầu thực hiện chụp HSG khi bạn gặp nhiều khó khăn để thụ thai hoặc luôn gặp phải các vấn đề trong thai kỳ (ví dụ như sảy thai nhiều lần). Khi đó, chụp buồng tử cung vòi trứng có cản quang sẽ được tiến hành để chẩn đoán nguyên nhân vô sinh.
Một số nguyên nhân chủ yếu được phát hiện bởi kỹ thuật này bao gồm:
- Do bất thường trong cấu trúc của tử cung (có thể do bẩm sinh hoặc di truyền).
- Tắc nghẽn ống dẫn trứng.
- Tồn tại mô sẹo trong tử cung.
- U xơ tử cung.
- Khối u tử cung hoặc polyp tử cung.
Bên cạnh đó, kỹ thuật chẩn đoán này có thể được tiến hành vài tháng sau phẫu thuật thắt ống dẫn trứng để đảm bảo phẫu thuật có thành công hay không.
3. Những bước cần chuẩn bị trước khi chụp HSG
Thực hiện chụp buồng tử cung vòi trứng có cản quang có thể gây đau ở một số bệnh nhân.
- Vì vậy, các bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc giảm đau không kê đơn và bệnh nhân cần dùng trước khi chụp khoảng 1 tiếng đồng hồ.
- Bên cạnh đó, nếu như bệnh nhân quá lo lắng, các bác sĩ cũng sẽ kê một toa thuốc an thần để giúp họ thư giãn hơn.
- Để ngăn ngừa nhiễm trùng, thuốc kháng sinh cũng sẽ được kê trước hoặc sau khi chụp HSG.
- Ngoài ra, cũng cần chú ý rằng kỹ thuật này sử dụng tia X có thuốc nhuộm tương phản – một chất làm nổi bật các cơ quan hoặc mô từ việc nhuộm màu các chất xung quanh. Loại thuốc này sẽ hòa tan và tự giải phóng khỏi cơ thể thông qua đường nước tiểu. Tuy nhiên, nếu như bạn có dị ứng với Barium hoặc thuốc nhuộm, cần phải báo cáo trước với các bác sĩ.
- Cuối cùng, kim loại có thể can thiệp vào kết quả chụp. Vì vậy, hãy bỏ tất cả đồ trang sức khỏi cơ thể trước khi thực hiện thủ thuật này. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ tài sản tại nơi đông người như bệnh viện khá phức tạp, nên lời khuyên hãy để những trang sức này ở nhà.
4. Thời điểm nào phù hợp để chụp HSG?
Chụp HSG thường được thực hiện sau một vài ngày đến 1 tuần sau khi kết thúc kinh nguyệt. Việc này đảm bảo bệnh nhân không mang thai cũng như giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng trong quá trình thực hiện thủ thuật.
Một số đối tượng sau không được chỉ định chụp HSG:
- Mang thai.
- Đang bị viêm nhiễm vùng chậu.
- Có xuất huyết tử cung ở mức độ nặng.
5. Quá trình chụp HSG (chụp buồng tử cung vòi trứng có cản quang) diễn ra như thế nào?
- Bước 1: Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm ngửa và chân đặt ở vị trí tương tự như khám phụ khoa. Tiếp theo, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ (giống như mỏ vịt) vào âm đạo để tách rộng vùng này ra, tạo điều kiện để quan sát cổ tử cung dễ dàng hơn. Cùng với đó, cổ tử cung sẽ được vệ sinh sạch.
- Bước 2: Tiêm thuốc gây tê cục bộ ở cổ tử cung.
- Bước 3: Các bác sĩ sẽ đưa thuốc nhuộm vào bằng một trong 2 phương pháp: dùng ống thông vào cổ tử cung hoặc dùng ống nhựa với đầu ống được thổi phồng.
- Bước 4: Lấy dụng cụ mỏ vịt khỏi âm đạo và chèn thuốc nhuộm thông qua ống thông. Chất lỏng này sẽ chảy vào tử cung và ống dẫn trứng. Quá trình này có thể gây đau và chuột rút.
- Bước 5: Bắt đầu chụp X-Quang bằng thiết bị máy chuyên dụng.
- Bước 6: Trong quá trình chụp, bệnh nhân có thể sẽ được yêu cầu thay đổi vị trí để có nhiều góc khác nhau.
- Bước 7: Khi chụp xong, bác sĩ sẽ loại bỏ ống thông khỏi âm đạo.
- Bước 8: Bệnh nhân sẽ được kê các loại thuốc thích hợp để giảm đau và kháng viêm, chống nhiễm trùng sau khi kết thúc thủ thuật này.
6. Một số rủi ro khi thực hiện chụp HSG
Kỹ thuật chụp buồng tử cung vòi trứng này có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Co thắt và chảy máu âm đạo.
- Chóng mặt, choáng váng.
- Vùng bụng dưới khó chịu...
- Tuy nhiên, một số ít trường hợp có khả năng gây ra:
- Phản ứng dị ứng với thuốc nhuộm.
- Nhiễm trùng vòi trứng/niêm mạc tử cung nếu xử lý không tốt.
- Chấn thương tử cung (ví dụ như thủng)...
Vì vậy, việc tìm đến các bệnh viện uy tín để thực hiện là cần thiết nếu muốn có kết quả chụp chính xác và an toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.