Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Trẻ có bất thường về thở và đường thở thường có dấu hiệu khởi phát từ từ hoặc đột ngột, có thể trẻ khó thở đã có dấu hiệu từ trước đó nhưng cha mẹ thường chủ quan. Trẻ có tiền sử các bệnh như ho kéo dài, nhiễm trùng hô hấp trên, dị vật đường thở, tình trạng khó thở từ bẩm sinh hay mắc phải, nhiễm HIV, gia đình có tiền sử bệnh hen suyễn thường có bất thường về thở và đường thở.
1. Chẩn đoán các bất thường về thở và đường thở
Cha mẹ có thể chẩn đoán trẻ có bất thường về thở và đường thở thông qua các cách cụ thể sau:
1.1 Đếm nhịp thở
Trẻ thay đổi nhịp thở là dấu hiệu điển hình của những rối loạn về chức năng hô hấp. Đếm nhịp thở là cách để chẩn đoán phần nào những bất thường về đường thở, cũng như các bệnh lý hô hấp nói chung.
Tuy nhiên cha mẹ cũng cần biết nhịp thở của trẻ nhỏ dễ bị thay đổi đặc biệt là khi có các yếu tố kích thích bên ngoài và thay đổi theo từng độ tuổi nhất định. Nhịp thở của trẻ sơ sinh có thể thay đổi trong tuần đầu từ 40-50 lần/ phút, nếu nhịp thở dưới 60 lần/ phút là hoàn toàn bình thường. Trẻ có thể tăng nhịp thở sau những đợt ngừng thở ngắn, đồng thời co rút lồng ngực, phồng cánh mũi ở các thời điểm nhất định. Trẻ bị các bệnh phổi hạn chế có nhịp thở nhanh hơn và thở nông hơn trẻ bình thường.
1.2 Nghe tiếng thở bằng tai
Trẻ bị bệnh đường hô hấp có bất thường về thở và đường thở sẽ có tiếng thở bất thường, dễ dàng nhận ra bằng tai nghe bình thường như:
- Tiếng thở rên: Trẻ thở ngắn, phát ra ở thì thở ra, ghé sát tai có thể nghe thấy ở trẻ bị viêm phổi nặng. Tình trạng này là phổi của trẻ có xu thế xẹp lại, và để chống sự xẹp của phổi, trẻ phải cố giữ lại thể tích cặn chức năng bằng cách đóng nắp thanh quản ở cuối thì thở ra.
- Tiếng thở rít: iếng thở phát ra ở thì thở vào, có thể nghe thấy khi trẻ thở. Phát hiện tiếng thở rít ở trẻ, có thể chẩn đoán rất có thể trẻ bị các bệnh liên quan đến hẹp đường thở trên, hoặc ở đoạn phía lồng ngực gây ra các bệnh hô hấp như viêm thanh quản, mềm sụn thanh quản, dị vật đường thở...
- Tiếng thở khò khè: phát ra ở thì thở ra do sự tắc nghẽn ở đường hô hấp dưới, từ phế quản trở xuống đặc biệt là ở trẻ bị viêm tiểu phế quản, hen, hoặc có các khối u, dị dạng mạch máu lớn gây chèn ép phế quản. Tuy nhiên, mẹ cũng cần phân biệt tiếng thở khụt khịt do tắc mũi, đọng đờm dãi ở mũi họng.
1.3 Nghe phổi bằng ống nghe
Đây là biện pháp chẩn đoán các bất thường về đường thở ở trẻ của các bác sĩ, là cách có thể thăm khám lâm sàng, đánh giá tiếng thở vào, thở ra ở trẻ. Qua nghe phổi có thể chẩn đoán tiếng thở khó, thở có bị kéo dài không, đánh giá được luồng khí vào phổi. Trẻ có tính trạng kéo dài thở khi nghe phổi thường sẽ mắc phải một số vấn đề như bệnh phổi tắc nghẽn như hen phế quản, viêm tiểu phế quản.
Tiếng thở của trẻ giảm hoặc mất tiếng rì rào phế nang khi nghe phổi thường do tình trạng tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, xẹp phổi, thậm chí là các tình trạng bệnh quá nặng, bệnh nhân sắp ngừng thở...
Bên cạnh đó, khi nghe phổi có thấy tiếng rít, ngáy, khó thở thường gặp trong trường hợp viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen suyễn. tiếng thở rít do tắc nghẽn đường hô hấp trên vang xuống thường không nghe rõ bằng tai, đưa gần tai gần miệng trẻ.
1.4 Gõ phổi
Là cách chẩn đoán trong các bệnh phổi hạn chế, gõ trong bệnh phổi tắc nghẽn. Gõ phổi là cách khó đánh giá được nếu trẻ sơ sinh nhẹ cân vì tiếng gõ vang ra từ phổi bị bệnh sẽ lẫn cùng vào các vùng xung quanh, khó chẩn đoán.
2. Chẩn đoán tình trạng hô hấp thông qua các bất thường về thở và đường thở
Chẩn đoán bệnh | Bất thường về thở, đường thở |
Viêm phổi – Ho kèm thở nhanh và sốt |
– Thở rên hoặc khó thở – Diễn tiến nặng dần lên nếu không điều trị – Nghe phổi có ran nổ – Triệu chứng đông đặc hoặc có dịch ở phổi |
Suyễn |
– Tiền sử khò khè trước đây – Thì thở ra kéo dài – Khò khè, thì hít vào ngắn – Đáp ứng với thuốc dãn phế quản |
Dị vật đường thở |
– Bệnh sử đột ngột ho sặc sụa – Đột ngột thở rít hay suy hô hấp – Giảm phế âm khu trú hoặc khò khè |
Áp-xe thành sau hầu |
– Diễn tiến chậm nhưng nặng dần – Khó nuốt, không nuốt được – Sốt cao |
Viêm thanh khí phế quản |
– Ho như “sủa” – Khàn tiếng – Liên quan đến nhiễm trùng hô hấp trên – Thở rít thì hít vào – Dấu hiệu suy hô hấp |
Bạch hầu |
Bạch hầu – ‘Bull neck’ do sự phì đại hạch lympho – Triệu chứng tắc nghẽn đường hô hấp với thở rít và thở rút lõm – Giả mạc màu xám ở họng |
Trẻ cần cung cấp đủ lượng kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.